Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 14/11/2024 05:07
Ngày 14/11/2024, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm Halal với sự tham gia của đại diện Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi- Bộ Công Thương, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, Singapore, Malaysia, UAE, đại diện Ban nghiên cứu Công nghệ và Thương hiệu Viện Công nghệ Xuất Nhập Khấu ASEAN, đại diện Văn phòng Chứng nhận Halal (HCA Việt Nam)
Với các thông tin liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại các mặt hàng Halal sang khu vực Trung Đông - Châu Phi, các vướng mắc mà doanh nghiệp thường gặp khi xuất khẩu sản phẩm Halal, hướng đẫn đăng ký chứng nhận Halal – cập nhật các quy định mới về Halal trên thế giới, tiềm năng và nội lực doanh nghiệp Việt Nam vượt qua rào cản kỹ thuật xúc tiến thương mại thị trường nông sản thực phẩm khu vực Hồi Giáo, tình hình xuất khập khẩu sản phẩm thực phẩm Halal sang thị trường Indonesia, Singapore, Malaysia, UAE…Hội thảo đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm Halal đã cung cấp cho doanh nghiệp trong nước các thông tin có tính kỹ thuật và thị trường hết sức quan trọng và đầy đủ.
Ông Lê Châu Hải Vũ - Giám đốc Công ty tư vấn doanh nghiệp Consultech đã giới thiệu và chia sẻ một số nội dung về tiềm năng và cơ hội xuất khẩu vào thị trường các quốc gia Hồi giáo dưới góc nhìn của chuyên gia tư vấn, các rào cản kỹ thuật hiện nay khi thâm nhập thị trường, các yếu tố cần và đủ để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường Halal thành công, phân tích điểm yếu điểm mạnh, mô hình kinh doanh Pestel, mô hình 5 áp lực cạnh tranh (5Forces) của các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ thị trường Halal và doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tự tin thâm nhập thị trường Hồi giáo.Việt Nam hiện nay rất quan tâm đến phát triển thị trường Halal, Hội nghị Halal toàn quốc với chủ đề Halal cho thấy sự quan tâm và cơ hội để xây dựng và phát triển ngành Halal thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc gia, tham gia sâu, hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu. Trên bản đồ tôn giáo thế giới, dân số đạo Hồi chiếm 25%, một số thị trường như các quốc gia khu vực Trung Đông, Bắc Phi và các quốc gia khu vực Asean.
Thị trường Halal toàn cầu trị giá hơn 2 nghìn tỷ đô la Mỹ và ước tính sẽ tăng lên 2,8 nghìn tỷ USD trong những năm tới, thực phẩm và đồ uống được biết đến là 2 phân khúc nổi bật nhất của thị trường tiêu dùng Hồi giáo, trong khi dân số Hồi giáo có thu nhập đầu người ở mức 13,380 đô la Mỹ và sức mua lớn và khả năng thanh khoản cao, đồng thời, cơ cấu hàng nhập khẩu của khối Trung Đông và GCC cũng phù hợp với thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam với các ngành tập trung như nông nghiệp, thực phẩm chế biến...
Nhìn chung, để đảm bảo yếu tố thành công khi thâm nhập thị trường Halal nói riêng và thị trường xuất khẩu nói chung, các doanh nghiệp cần nghiên cứu sâu để hiểu rõ bối cảnh thị trường, xác định cơ hội tăng trưởng như chiến lược, dịch vụ, cơ sở khách hàng, tìm các giải pháp để giảm thiểu rủi ro liên quan đến chính trị, kinh tế có thể tác động đến hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp cần đầu tư để có hiểu biết sâu sắc về xu hướng thị trường như xu hướng mới nhất, sự phát triển, sở thích của người tiêu dùng, công nghệ mới nổi, động lực, đối thủ cạnh tranh hàng đầu...để đưa ra các quyết định chính xác và đạt được sự tăng trưởng bền vững trong môi trường kinh doanh cạnh tranh như hiện nay. Đồng thời, khi ra quyết định chiến lược cần phải có đủ thông tin cần thiết như thông tin chi tiết dựa trên dữ liệu chiến lược giá cả sự hài lòng của khách hàng lợi thế cạnh tranh xác thực kế hoạch kinh doanh để phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang xuất khẩu các sản phẩm nông sản sơ chế và sau chế biến như rau củ quả, trái cây, cà phê, chè, gia vị...được thị trường các nước Hồi giáo đón nhận một cách tích cực. Tuy nhiên, thách thức hiện nay đối với nông sản xuất khẩu chính là tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các biện pháp phi thuế quan, các quy định bắt buộc về tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm soát nhập khẩu, các tiêu chuẩn về chứng nhận tự nguyện bền vững, tâm lý còn e ngại, chưa hiểu nhiều về văn hoá tiêu dùng, kinh doanh của các nước đạo Hồi. Doanh nghiệp hiện đa số chưa chủ động mà chỉ đang làm theo yêu cầu của khách hàng, gặp khó khăn trong quá trình chứng nhận, hệ thống còn sản xuất chung với các sản phẩm có chứa Haram, thiếu nguồn nhân sự (phải có nhân sự người Đạo Hồi làm trong quản lý quy trình sản xuất Halal và thiếu nguồn nguyên liệu Halal.
Trong quá trình giao dịch, doanh nghiệp cũng chưa hiểu rõ về tiêu chuẩn và quy trình chứng nhận, chưa chủ động tìm kiếm thị trường, xuất khẩu thông qua các kênh giới thiệu không đủ độ tin cậy, chưa tạo được thương hiệu mạnh và phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng nông sản từ các quốc gia khác... Hơn nữa, tình trạng lừa đảo hiện xảy ra phổ biến và một số doanh nghiệp Việt Nam đã gặp nhiều sự cố, vì vậy, trước khi tiến hành hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp cần phải xác minh rõ thông tin đối tác thông qua các kênh uy tín.
Hiện nay, để vào được thị trường Ả Rập Saudi, nông sản, thực phẩm xuất khẩu phải đều đăng ký với SFDA - Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Ả Rập Saudi, và phải được cơ quan này chấp nhận. SFDA không chỉ ra quy định mà còn thực thi kiểm tra rất nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, và SFDA có quyền kiểm tra chính thức các quy trình hoạt động của cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất khẩu để đảm bảo rằng các quy định pháp luật và hệ thống quản lý ở quốc gia đó tuân thủ luật thực phẩm của Arab Saudi, các quy định, tiêu chuẩn, hướng dẫn, chỉ thị và mọi văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ sức khỏe động vật và thực vật của Arab Saudi. Lưu ý quan trọng, khi có kế hoạch xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần lưu ý các loại thuế quan. Tại UAE thuế quan được sửa đổi liên tục, vì vậy các doanh nghiệp nên kiểm tra lại những nội dung này trước khi xuất khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp không giao dịch với đối tác mà yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển trước phí môi giới, phí luật sư hay phí chấp thuận hợp đồng để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra. Khi hợp tác với các đối tác ở UAE, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững luật pháp, quy định của sở tại, văn hóa và tập tục của cộng đồng doanh nhân (là những người nước ngoài, đang làm ăn tại UAE); tăng cường kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp đối tác của UAE, mở mới hoặc hợp tác khai thác các tuyến vận tải hàng hóa trực tiếp giữa Việt Nam và Dubai. Việt Nam có mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia Hồi giáo trên thế giới và hiện là 1 trong những cường quốc xuất khẩu của thế giới, là đối tác tin cậy của các quốc gia Trung Đông - Châu Phi, có cộng đồng Hồi giáo tập trung tại các tỉnh như: An Giang, Tp Hồ Chí Minh, Ninh Thuận và Bình Thuận. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa có tên trong danh sách 30 nhà cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu, theo WTO Việt Nam, nguyên nhân chính do chúng ta đang triển khai theo nhu cầu tự phát của từng doanh nghiệp mà chưa có một chiến lược bài bản cấp quốc gia để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal.
Chính vì vậy, một số vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý như: cần liên lạc và trao đổi thường xuyên với các Cơ quan đại diện ngoại giao, Thương vụ tại các nước bởi đây chính là đơn vị mở đường, đồng hành và hỗ trợ chính thức và đại diện cho Việt Nam, cần chủ động tìm hiểu, xây dựng hệ thống và đăng ký chứng nhận Halal và các tiêu chuẩn quốc gia cho thị trường phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp, xây dựng các sản phẩm đạt yêu cầu tiêu chuẩn, hình thức bao bì mẫu mã phù hợp với văn hóa và tập quán, thói quen tiêu dùng của thị trường bản địa.
Doanh nghiệp cần chú trọng tham gia các hội chợ triển lãm, đi khảo sát thị trường, gửi sản phẩm trưng bày, làm các video clip giới thiệu doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm, lưu ý các yêu cầu về môi trường, phát thải, kinh tế tuần hoàn, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp theo xu hướng quốc tế, cần liên hệ với các tổ chức, hiệp hội của nhà nước và ngành nghề để có thông tin cần thiết về sự thay đổi của thị trường cũng như tránh bị lừa đảo phát sinh trong quá trình giao dịch thương mại....