Hoạt động xúc tiến thương mại và giải pháp phát triển cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Thứ sáu - 29/11/2024 04:35
Chương trình OCOP (One Commune One Product - Mỗi xã một sản phẩm) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn dựa trên tiềm năng và lợi thế của từng địa phương. Đây là sáng kiến nhằm thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và đóng góp vào sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025.
Hoạt động xúc tiến thương mại và giải pháp phát triển cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, gắn chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và trí thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu của thị trường, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn cảnh quan, văn hóa truyền thông, đặc biệt ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc khó khăn. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, ưu tiên củng cố, kiện toàn và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp xã trong triển khai Chương trình OCOP, trong đó: Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, ban hành cơ chế, chính sách thực hiện định hướng phát triển trục sản phẩm đặc sản địa phương, tạo các vùng nguyên liệu để sản xuất hàng hoá, phát triển dịch vụ; tăng cường quản lý và giám sát tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm; hỗ trợ tín dụng, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP.”
Mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.”
Đắk Lắk có diện tích tự nhiên đứng thứ 4 cả nước, trong đó có gần 5.400 km2 diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đa số là đất bazan màu mỡ, rất phù hợp để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế, sản lượng cao hàng năm như cà phê, cao su, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, xoài… Nổi bật nhất là cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Ngoài các sản phẩm trên, Đắk Lắk còn có thế mạnh về ngô lai, mật ong, sắn, mía. Tỉnh đang chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như phát huy hiệu quả tối đa trong sản xuất nông nghiệp nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại. Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1576/QĐ-UBND ngày 18/7/2022 về phê duyệt Đề án thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”, với mục tiêu chung phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, sức sáng tạo của người dân nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn theo quy định; kiểu dáng bao bì thuận tiện, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng; hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm là các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh, quốc gia để vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Trong đó có định hướng đến năm 2030 thì hoạt động xúc tiến thương mại: hình thành hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP Đắk Lắk. Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển thương hiệu, trong phân phối, tiếp thị sản phẩm, qua đó nâng cao doanh số bán hàng OCOP của các chủ thể kinh tế từ 20%.
Và từ đó đến nay, UBND tỉnh Đắk Lắk đã công nhận 230 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao (trong đó 03 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao, 42 sản phẩm đạt 4 sao, 185 sản phẩm đạt 3 sao) của 144 chủ thể (trong đó: 51 doanh nghiệp, 34 hợp tác xã và 59 hộ kinh doanh). Các sản phẩm đạt 4 sao đều là tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế, như Cà phê, Ca Cao, Mắc Ca,.... 
1
Hàng năm, Sở Công Thương đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại với nhiều hình thức, nội dung phong phú bằng nguồn kinh phí nhà nước thông qua Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đắk Lắk nhằm để hỗ trợ các cơ sở có sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh như:
Hội chợ và triển lãm sản phẩm OCOP: Đắk Lắk đã tổ chức hoặc tham gia các hội chợ công thương quy mô quốc gia, vùng miền, như Hội chợ sản phẩm OCOP trong tỉnh và ngoài tỉnh với kinh phí hàng năm khoảng hơn 1,3 tỷ đồng. Đây là cơ hội để giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, tăng cường giao lưu kinh tế, và thu hút đầu tư.
Kết nối cung cầu và xây dựng hệ thống phân phối: Tỉnh đã tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm đối tác, đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh với kinh phí hàng năm khoảng hơn 1,2 tỷ đồng. Đồng thời, việc mở rộng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các địa điểm du lịch và trung tâm kinh tế cũng được chú trọng.
Tận dụng nền tảng công nghệ số: thông qua các sàn thương mại điện tử như Shoope, Lazada, Tiktok hoặc thông qua livestream bán hàng trên nền tảng số khác nhau…
Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm: Các đơn vị OCOP được hỗ trợ trong thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng bá sản phẩm, và bảo hộ thương hiệu với kinh phí hàng năm khoảng hơn 400 triệu đồng. Những sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao trở lên thường xuyên được ưu tiên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại lớn.
Truyền thông và nâng cao nhận thức: Công tác truyền thông được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về giá trị và tiềm năng của sản phẩm OCOP, từ đó kích cầu tiêu dùng nội địa và khuyến khích xuất khẩu.
Tuy nhiên với nhiều hoạt động nhưng vẫn chưa đáp ứng được cho hoạt động quảng bá, giới thiệu về sản phẩm OCOP của tỉnh, vì vậy vẫn còn đó những khó khăn và hạn chế nhất định như: các doanh nghiệp thiếu trong việc thông tin thị trường, bao bì chưa hấp dẫn, năng lực cạnh tranh còn yếu, tiếp cận công nghệ số và kết nối giao thương trực tuyến, bán hàng qua sàn thương mại điện tử của các chủ thể OCOP chưa chuyên nghiệp, các điểm có tiềm năng khai thác du lịch hầu như cách xa khu trung tâm, thời gian di chuyển quá lâu trong khi loại hình dịch vụ đơn điệu, chưa có sự kết nối các điểm, khu du lịch thật đặc sắc để giữ chân du khách ở lại, mà chỉ có các điểm trưng bày hàng tại trung tâm đông dân cư ... Giá cả vật tư nông nghiệp, nguyên liệu xăng, dầu tăng giảm thất thường liên tục, giá cước vận chuyển tiếp tục tăng do đó việc đầu tư của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hạn chế về vốn dẫn đến năng suất, sản lượng có xu thế giảm.
3
Để phát triển hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của địa phương cần có một số giải pháp đó là: 
Một là, Tăng cường quảng bá và truyền thông, đầu tư vào các hoạt động quảng bá, truyền thông trên các kênh trực tuyến và truyền thống, xây dựng các chiến dịch quảng bá gắn với hình ảnh địa phương để thu hút sự chú ý; Thường xuyên tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại Hội chợ, triển lãm, các chuỗi sự kiện phát triển du lịch, các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học, như: tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam; Đây là cơ hội lý tưởng để các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ sản xuất sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. 
Hai là, nâng cao chất lượng sản phẩm và bao bì, đảm bảo các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, cải tiến bao bì để tăng tính cạnh tranh và sức hút đối với người tiêu dùng; Tổ chức đoàn công tác giao dịch thương mại, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa Đắk Lắk và các tỉnh trên cả nước, giới thiệu, kết nối được một số nhà phân phối hàng hóa cho nông sản Đắk Lắk, lồng ghép hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP trong các Hội nghị triển khai, tổng kết các chương trình, hoạt động chuyên ngành của các lĩnh vực khoa học, kết nối, ký kết hợp tác... Sử dụng sản phẩm OCOP làm quà tặng trong các buổi lễ ký kết, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các tỉnh thành trong cả nước.
Ba là, tăng cường hỗ trợ phát triển các kênh tiêu thụ mới, đẩy mạnh thương mại điện tử và các kênh bán hàng trực tuyến, hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bốn là, tăng cường liên kết với doanh nghiệp và hợp tác xã, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kết nối với doanh nghiệp, siêu thị, và hệ thống phân phối lớn để ổn định đầu ra, các chương trình xúc tiến thương mại, việc kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP xuất hiện ở nhiều hoạt động khác nhau như lồng vào Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm thương mại trên toàn quốc; các Hội nghị kết nối cung cầu quy mô vùng và quốc gia; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; chương trình đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước…
Năm là, chính sách hỗ trợ từ chính quyền, trong thời gian tới, đặc biệt đối với khi các sản phẩm OCOP, cần ban hành các quy định, nội dung, mức hỗ trợ Chương trình OCOP từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương để triển khai chương trình OCOP thường niên, thuê đơn vị tư vấn, hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác và mua bao bì, hỗ trợ xây dựng, nâng cấp điểm bán hàng, Trung tâm OCOP và phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá mở rộng thị trường, hỗ trợ quản lý,‎ chất lượng, bảo hộ thương hiệu, chi thưởng cho các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP... trước mắt, hỗ trợ các sản phẩm đạt 3 sao trở lên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Sáu là, việc triển khai thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Đắk Lắk có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng, nhằm khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời làm thay đổi tập quán sản xuất cũ, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo khởi nghiệp trong nhân dân, hướng người dân phát triển sản xuất định hướng kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn. 
Chương trình OCOP với các tác động mong đợi tới kinh tế và đời sống của vùng nông thôn tỉnh Đắk Lắk với nhiều ngành nghề, nhiều nhóm sản phẩm, nhiều đối tượng sản xuất kinh doanh tham gia sẽ tạo được làn sóng mới thúc đẩy kinh tế vùng, từ đó rút ngắn khoảng cách với các khu vực kinh tế phát triển hơn. Đây cũng là lời giải cho bài toán phát triển nông thôn nói riêng và phát triển bền vững nói chung. 

Tác giả: Nguyễn Như Thành –  SCT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây