Nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu sâu rộng
Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã có bước phát triển kinh tế mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, GDP 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, trong gần 40 năm qua, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 430 tỷ USD năm 2023, GDP bình quân đầu người đạt mức 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới. Những thành tựu phát triển vượt bậc đã giúp Việt Nam xác lập một vị thế mới trong nền kinh tế thế giới, trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
Theo công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 4 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thứ 35 trên thế giới, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Tỷ lệ nghèo của Việt Nam giảm thuộc loại nhanh nhất thế giới, từ 58,1% năm 1993 xuống còn ở mức 1,93% (tới hết tháng 9 năm 2024). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, từ một nền kinh tế đóng cửa khép kín, Việt Nam trở thành một nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu sâu rộng khi trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, thu hút lượng đầu tư lớn từ nước ngoài đạt 23 tỷ USD, đây là mức đầu tư cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay, ngay cả khi các thị trường lớn bị thu hẹp và chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều đứt gãy. Việt Nam cũng nằm trong top 20 nước về thu hút đầu tư nước ngoài và top 20 về kim ngạch xuất nhập khẩu trên thế giới.
Trong hợp tác kinh tế, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế quốc tế quan trọng như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) hay ASEAN... Việt Nam cũng đã ký kết nhiều FTA với các đối tác trên thế giới, tạo thuận lợi cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Ngày 28/10/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA), nâng con số FTA mà Việt Nam ký kết với các nền kinh tế lên con số 17. Nổi bật là khi ký kết và thực thi 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ. Tăng trưởng đến các thị trường FTA của Việt Nam những năm qua đều duy trì 2 con số, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường mới có FTA cũng rất ấn tượng.
Thực hiện có hiệu quả các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới đã tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu; góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao trình độ phát triển, giảm dần tỉ trọng gia công lắp ráp của nền kinh tế.
Quá trình đổi mới sâu rộng trong gần 40 năm đã giúp Việt Nam chuyển đổi thành công từ một nền kinh tế đóng cửa sang một nền kinh tế mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhờ tư duy sáng tạo, độc đáo và cách làm riêng của người Việt Nam, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, ghi dấu ấn trong lịch sử, như lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thời gian tới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV sẽ là dịp để toàn Đảng, toàn dân ta cùng nhau tổng kết 40 năm đổi mới, 50 năm hòa bình thống nhất và 80 năm xây dựng đất nước, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu. Đại hội sẽ đề ra những chủ trương, quyết sách, những định hướng lớn để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030; tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, kỷ nguyên mới sẽ là Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Cơ sở định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới là những thành tựu vĩ đại đạt được sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo. Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước. Sự biến chuyển có tính thời đại đem đến thời cơ, thuận lợi mới nhưng cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới, trong đó thách thức nổi trội hơn. Tuy nhiên, thời cơ, vận hội vẫn có thể xuất hiện giữa những đột biến trong cục diện thế giới.
Trong Kỷ nguyên vươn mình, Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển đất nước nhanh và bền vững, bảo đảm phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”; mở ra triển vọng phát triển mới, mở rộng không gian sinh tồn. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển con người toàn diện là hai trụ cột quan trọng, tạo động lực bứt phá cho phát triển đất nước.
Đổi mới sáng tạo phải đi sâu và lan tỏa trong mọi mặt của đời sống xã hội, trong phát triển kinh tế, trở thành hoạt động thường xuyên, chủ chốt, tạo ra giá trị mới, đem lại những thay đổi đột phá cho doanh nghiệp, cho cộng đồng xã hội và cho đất nước. Hình thành mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo từ Trung ương tới vùng, địa phương, dẫn dắt và lan tỏa văn hóa đổi mới sáng tạo đến mọi người dân Việt Nam theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đánh dấu sự khởi đầu của một làn sóng phát triển mới của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo sẽ là giai đoạn bản lề để Việt Nam vươn lên phát triển. Mỗi người dân cần đóng góp công sức, trí tuệ cho phát triển của đổi mới sáng tạo nước nhà, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh hơn và ghi nên những dấu son về đổi mới sáng tạo trên trường quốc tế. Điều đó đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, phải đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh nội lực và tận dụng tri thức quốc tế mới có thể nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, vì hạnh phúc của người dân và nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA thế hệ mới, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững
Sau đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới đang dần phục hồi nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng chậm lại, cùng với những cuộc cạnh tranh thương mại giữa các cường quốc, tạo ra một môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động. Để đối phó với những thách thức hiện nay, các quốc gia đang tập trung vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh đó, nếu không bắt kịp được xu hướng đổi mới công nghệ, các quốc gia sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu nghiêm trọng. Tuy nhiên, bằng cách tận dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, các quốc gia có thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển với nhóm dẫn đầu. Hội nhập quốc tế và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đã tạo ra những cơ hội mới cho các nước đang phát triển, giúp khắc phục những hạn chế về công nghệ, vốn và nguồn nhân lực, nhanh chóng tiếp nhận kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm quốc tế, để thực hiện “đi tắt, đón đầu”.
Ngoài ra, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã có những thay đổi đáng kể, với sự xuất hiện của chủ nghĩa tự do mới và xu hướng bảo hộ thương mại. Điều này không chỉ làm gia tăng bất bình đẳng xã hội mà còn đặt ra những thách thức mới cho sự phát triển của tiến trình đa phương. Để giải quyết những bất cập của toàn cầu hóa hiện tại, nhiều quốc gia đang hướng tới một mô hình toàn cầu hóa bao trùm, nơi mà các quy tắc và chuẩn mực quốc tế được thiết lập để đảm bảo rằng lợi ích của tất cả các quốc gia và mọi người dân đều được bảo vệ.
Trong bối cảnh bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, để đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam cần tập trung vào các mục tiêu cụ thể để giải quyết hiệu quả các thách thức trọng tâm trong việc thực thi các FTA thế hệ mới. Nhằm tận dụng các cơ hội đang có và khắc phục một số hạn chế, thách thức, qua đó hướng đến thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển theo hướng lâu dài và bền vững.
Cụ thể, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cùng với việc tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, là những yếu tố quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công các cam kết, từ đó tận dụng thành công những FTA thế hệ mới. Quá trình cải cách cần đảm bảo tính liên tục, đồng bộ và hiệu quả, không tạo ra các xung đột pháp lí và mâu thuẫn với chính sách, tránh gây ra những xáo trộn không cần thiết cho môi trường kinh doanh, đồng thời tạo ra một sân chơi công bằng cho tất cả các nhà đầu tư. Để đảm bảo việc thực hiện hiệu quả các cam kết trong các FTA thế hệ mới, cần tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, trang bị kiến thức chuyên môn, những kĩ năng cần thiết về thông tin các quy định FTA thế hệ mới, các điều kiện, tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế; từ đó, tận dụng hiệu quả các ưu đãi của các FTA thế hệ mới, đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và nâng cao vị thế của đất nước.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước. Đây là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực của cả Nhà nước và doanh nghiệp. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong những lĩnh vực trọng yếu đang bị gây sức ép cạnh tranh bởi hàng hóa nhập khẩu bên ngoài. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời chú trọng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu và xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng. Để giảm thiểu rủi ro và nâng cao khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không quá phụ thuộc vào một hoặc một vài thị trường nhất định. Việc tiếp tục mở rộng hợp tác với các thị trường mới trên thế giới, đặc biệt là các thị trường đang phát triển nhanh, sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa các cơ hội và giảm thiểu tác động của các biến động kinh tế toàn cầu.
Để thành công trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời chủ động tìm hiểu và cập nhật thông tin về các FTA thế hệ mới. Việc đầu tư vào đào tạo nhân lực và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cũng là những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Thay vì sản xuất ồ ạt, doanh nghiệp cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh và đổi mới sáng tạo. Các cơ quan Nhà nước cần tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về các FTA thế hệ mới thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm hay chương trình xúc tiến; đồng thời, cần xây dựng các mạng lưới kết nối để doanh nghiệp có thể trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Chỉ khi đó, hàng hóa Việt Nam mới có thể tạo ra giá trị gia tăng cao và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế.