Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 07/09/2023 20:56
Trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng phát triển, Việt Nam đang đứng trước những thử thách và trở ngại rất lớn khi tiếp cận thị trường trong và ngoài nước bởi sự xuất hiện của sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Để hàng xuất khẩu có thể mở rộng thị trường, đặt chân đến những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… hay quốc gia láng giềng là Trung Quốc các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu.
Trong đó có vấn đề xác định mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.
Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 1.307.040 ha, chiếm 24% diện tích tự nhiên toàn vùng Tây Nguyên, đất đã sử dụng cho nông nghiệp 1.189.154 ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 655.985 ha. Với điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp, bên cạnh thế mạnh vượt trội về sản xuất cây công nghiệp lâu năm như: cây cà phê 212.912 ha, cây cao su 30.975 ha, điều 27.774 ha, hồ tiêu 31.084 ha.... thì sản xuất cây ăn quả của tỉnh cũng phát triển rất mạnh, không những tăng nhanh về diện tích mà còn tăng về năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, về lâu dài việc biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn như hiện nay thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất dần lợi thế của vùng trồng cây ăn quả trọng điểm và Đắk Lắk sẽ được xem là vùng thay thế tiềm năng.
Trong những năm qua diện tích cây ăn quả liên tục tăng, nếu diện tích cây ăn quả năm 2018 là 20.489 ha thì đến nay diện tích cây ăn quả đã tăng nhanh đạt 51.938 ha, chiếm 14,5% tổng diện tích cây lâu năm của tỉnh, tăng 31.449 ha, tăng khoảng 153% so với năm 2018; diện tích cây ăn quả của tỉnh đứng thứ 4 so với cả nước, sau Tiền Giang 82.535 ha, Đồng Nai 76.649 ha và Vĩnh Long 57.179 ha; các loại cây ăn quả của tỉnh tương đối đa dạng và phong phú, như: sầu riêng, bơ, cam, quýt, bưởi, mít, nhãn, vải, chuối, chanh leo … nhưng chủ lực vẫn là sầu riêng với 22.458 ha và bơ 7.202 ha.
Một số cây ăn quả có tiềm năng của tỉnh như sầu riêng diện tích 22.458 ha, chiếm 43% trong tổng diện tích cây ăn quả, sản lượng thu hoạch 187.986 tấn, các giống sầu riêng Dona, Ri6, Monthon... Bơ diện tích 7.202 ha, chiếm 13,86% trong tổng diện tích cây ăn, sản lượng thu hoạch là 85.505 tấn, gồm các giống bơ địa phương, bơ 034, bơ both, bơ cu ba. Cây có múi 2.391 ha, sản lượng thu hoạch 13.970 tấn. Mít 2.447 ha, sản lượng thu hoạch 35.997 tấn. Nhãn, vải, chôm chôm 5.613 ha, sản lượng thu hoạch 29.183 tấn. Chanh leo 2.131 ha, sản lượng thu hoạch 20.746 tấn, thu hoạch quanh năm.
Sầu riêng được mệnh danh là “Vua trái cây” và đến nay Việt Nam là nước đứng đầu về sản xuất sầu riêng. Trong những năm gần đây, hương vị sầu riêng Việt Nam đã không chỉ chinh phục thị hiếu của khách hàng trong nước mà còn vươn ra nhiều thị trường trên thế giới như Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Châu Âu ... Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng đi hơn 20 thị trường, chất lượng sầu riêng của Việt Nam được người tiêu dùng đánh giá cao và giá cả phù hợp nên có khả năng cạnh tranh với một số nước như Thái Lan, Malaysia…, trong đó Trung Quốc là một thị trường có nhiều tiềm năng và ngày càng ưa chuộng sầu riêng. Việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là thành công lớn của ngành hàng sầu riêng Việt Nam nói chung và của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, cũng là niềm vui lớn của các ngành, các cấp, khối các doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân, vừa là thời cơ nhưng cũng chính là thách thức đối với các ngành, các cấp, doanh nghiệp, nông dân bởi vì muốn xuất khẩu trái sầu riêng, các bước chuẩn bị phải làm rất kỹ càng, từ khâu liên kết xây dựng, thiết lập vùng trồng, thiết lập cơ sở đóng gói cho đến quá trình sản xuất, đóng gói sản phẩm, kiểm soát sinh vật gây hại…
Cà phê Việt Nam nói chung và cà phê Đắk Lắk nói riêng khi xuất khẩu vào Liên minh Châu âu phải đối mặt với việc chứng minh được sản xuất trên đất không phải phá rừng kể từ sau ngày 31/12/2020, phải có thông tin định vị (GPS) bằng hệ thống giám sát viễn thám. Liên minh Châu âu yêu cầu các doanh nghiệp cần xác định chính xác lô đất nơi các sản phẩm nông sản được sản xuất và chứng minh rằng không có khu rừng nào bị chặt phá trên lô đất đó kể từ năm 2020. Việt Nam phải tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia, bản đồ về rừng và vùng trồng cà phê; thống nhất với EU để hỗ trợ khai báo sao cho được chấp nhận, phải có kế hoạch hành động thích ứng với đạo luật chống phá rừng của Nghị viện Châu Âu (EUDR), có giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp, tuyên truyền phổ biến EUDR đến cộng đồng doanh nghiệp doanh nghiệp và người trồng cà phê.
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế và thành công, sản xuất cây ăn quả của tỉnh cũng đứng trước khá nhiều thách thức, khó khăn cần tháo gỡ để phát triển bền vững; Hạn chế lớn nhất là quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, khó khăn cho công tác đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm; Công tác quản lý giống cây ăn quả lâu năm trên địa bàn tỉnh hiện nay khó kiểm soát về chất lượng, nguyên nhân do nguồn vật liệu nhân giống được công nhận không đủ đáp ứng cho nhu cầu thị trường, từ đó một số cơ sở sản xuất, kinh doanh giống đã tự lấy nguồn vật liệu nhân giống từ cây trồng trong vườn nhà chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận nên ảnh hưởng đến chất lượng giống phục vụ cho sản xuất;
Việc thực hiện liên kết giữa các tác nhân về các nội dung liên kết trong sản xuất trái cây từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, thị trường... chưa thực sự hiệu quả. Thực tế cho thấy tính ràng buộc về trách nhiệm và lợi ích của cá nhân tham gia liên kết (kể cả liên kết chính thống) còn rất kém, do vậy kết quả và hiệu quả của sản xuất cây ăn quả kém ổn định; Do trái cây có thời điểm chín tập trung và số lượng lớn vào mùa mưa, do điều kiện đi lại gặp khó khăn, nhiều nhà vườn đã không thể tiêu thụ được dẫn đến để rơi rụng và bị ép giá, đây cũng là một lý do hạn chế tình hình sản xuất trái cây tại Đắk Lắk;
Triển khai thực hiện công tác thiết lập, cấp quản lý, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, đến nay toàn tỉnh đã được phê duyệt 75 mã số vùng trồng trên các loại cây trồng như sầu riêng, xoài, vải, chuối, ớt với tổng diện tích 3.269,7 ha, cụ thể: cây sầu riêng 49 mã, với diện tích 2.449 ha; cây vải 09 mã, diện tích 110,7 ha; cây chuối 08 mã, diện tích 640 ha; cây xoài 06 mã, diện tích 120 ha và cây ớt 03 mã, diện tích 150 ha. Vùng trồng đang chờ phê duyệt: 84 vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích 1.674,62 ha.
Về cơ sở đóng gói đã được phê duyệt mã số cho 26 cơ sở bao gồm: 17 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu, 05 cơ sở đóng gói chuối, 03 cơ sở đóng gói các loại quả tươi và 01 cơ sở đóng gói mít. Cơ sở đóng gói đang chờ phê duyệt: 08 cơ sở
Công tác cấp mã số vùng trồng cũng còn có những khó khăn nhất định, Diện tích sản xuất sầu riêng nhỏ lẻ, không tập trung và chủ yếu là trồng xen nhiều loại cây trồng dẫn đến khó khăn trong việc thiết lập xây dựng vùng trồng. Việc thực hiện liên kết giữa đại diện vùng trồng hoặc các đơn vị xuất khẩu với người dân chưa thực sự công khai, minh bạch, rõ ràng. Người dân tại vùng trồng chưa thực hiện đồng bộ các quy định của thị trường nhập khẩu trong quá trình sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Công tác ứng dụng thông tin chưa được thông suốt quá trình từ sản xuất, đến thu hoạch, sơ chế, đóng gói và xuất khẩu nên việc quản lý, giám sát vùng trồng gặp nhiều khó khăn.
Để thúc đẩy phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu lớn, khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn đầu tư, liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực trồng tập trung, từ sản xuất đến thu mua, bảo quản chế biến, xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ các hộ nông dân đầu tư¬ thâm canh, mở rộng qui mô sản xuất cây ăn quả, từng b¬ước gắn v¬ườn quả với việc khai thác tổng hợp về du lịch sinh thái và văn hoá. Tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, canh tác theo tiêu chuẩn; Thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP để tạo ra sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể truy suất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới
Xây dựng và phát triển thư¬ơng hiệu cho các vùng trồng cây ăn quả đặc sản như:¬ bơ, sầu riêng, cây có múi, từng bước khẳng định thương hiệu hàng hóa, thông qua việc đẩy mạnh hoạt động quảng bá; Cung cấp thông tin qua phương tiện thông tin đại chúng về cung cầu, giá cả, thị hiếu tiêu dùng của thị trường trong nước đến khuyến cáo người sản xuất kinh doanh trái cây, giúp họ định hướng sản xuất lâu dài, ổn định, phù hợp với nhu cầu khách hàng. Mở rộng thị trường tiêu dùng nội địa là một hướng đi quan trọng để giảm rủi ro, hạn chế sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định; Tìm kiếm, mở rộng thị trường nước ngoài, xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng, phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu trên không gian mạng.
Quan tâm phát triển các giống cây ăn quả đặc sản có lợi thế tại địa phương; tổ chức lại sản xuất, chuẩn hoá quy trình từ sản xuất đến sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, vận động thành lập các Hợp tác xã, tổ hợp tác để làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu một cách công khai, minh bạch, tạo
sự đồng thuận cao giữa các hộ dân tham gia vùng trồng và doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, phổ biến, tập huấn các quy định về thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu và các điều kiện, tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường nhập khẩu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người sản xuất trên địa bàn, để tuân thủ một cách đầy đủ các quy định của thị trường nhập khẩu. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu về vùng trồng, cơ sở đóng gói bảo đảm sử dụng dữ liệu hiệu quả và truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, minh bạch. Nói chung hoạt động xuất khẩu địa phương có bền vững thì đồng hành cùng với nền nông nghiệp bền vững trong xu hướng hội nhập hiện nay.