Theo Ông Đinh Sỹ Minh Lăng, đặc điểm tiêu dùng của người tiêu dùng Châu Âu hiện nay chú trọng tới các mặt hàng hữu cơ hàng thân thiện với môi trường, hàng nông sản có nguồn gốc không phá rừng, các mã chứng nhận (SGF, SGF-Igma…), dán nhãn carbon, các tiêu chuẩn riêng bắt buộc, nguồn hàng mang giá trị bền vững, thân thiện với môi trường, có tính thương mại công bằng, có đạo đức, tạo ra việc làm bền vững cho người lao động, các chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm dù không mang tính bắt buộc nhưng các đối tác nhập khẩu EU sẽ từ chối làm việc với doanh nghiệp nếu không xuất trình được các giấy tờ này…
Theo Ông Lăng, các yếu tố địa chính trị thế giới làm ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng, giảm nhu cầu tiêu dùng, khủng hoảng lạm phát, giá cả leo thang, nhu cầu về năng lượng tăng cao khiến người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu và chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, vì vậy, các nước nhập khẩu, trong đó có Việt Nam cần phải đẩy nhanh và đẩy mạnh việc tập trung vào các yêu cầu của phía đối tác nhập khẩu khu vực Châu Âu này.
Tại buổi hội thảo diễn ra trực tuyến, các diễn giả đã đề cập nhiều tới các thỏa thuận xanh về giảm khí thải, chống biến đổi khí hậu phát triển bền vững, các sản phẩm từ nông trại tới bàn ăn, nền kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thừa sẽ đi về đâu…, quy định mới gần đây nhất của EU cấm đưa vào lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến phá rừng và có nguy cơ làm suy thoái rừng – EUDR mới được thông qua vào đầu năm 2023 áp dụng tới 7 nhóm ngành hàng chính, theo đó, các mặt hàng này sẽ bị thẩm định bắt buộc đối với các doanh nghiệp muốn đưa vào các sản phẩm vào EU.
Hiện nay, các nhà xuất khẩu của các nước có khá nhiều công cụ để có thể tiến hành điều tra các đối tác nhập khẩu, trong đó phải kể đến việc sử dụng một số công cụ itc để phân tích: ITC Trade map – Export potential map – Macmap- Rule of Origin facilitator (Công cụ hỗ trợ về nguyên tắc xuất xứ)– Sustainable map (bản đồ bền vững)….Thông qua các công cụ này, nhà xuất khẩu có khả năng lấy được các dữ liệu thống kê để biết được nguồn lực nhập khẩu của các nước Châu Âu với các mặt hàng hiện ở mức như thế nào.
Với quá nhiều thách thức đã đặt ra, tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo lắng về khả năng tận dụng EVFTA để tăng xuất khẩu nông sản sang EU. Các chuyên gia đều cho rằng, việc đáp ứng các điều kiện, quy định của EU là điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp có thể xuất khẩu hàng hoá nói chung, nông sản nói riêng sang thị trường này.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Neil Như Nguyễn - Tổng giám đốc Công ty tư vấn xuất nhập khẩu Việt Nam - EU cho rằng, EVFTA là điều kiện thuận lợi nhưng không phải là “biển xanh” giúp doanh nghiệp, hàng hoá Việt Nam vượt qua mọi trở ngại, nhà nhập khẩu EU luôn chờ đón hàng Việt Nam. Bản thân doanh nghiệp, hàng hoá Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn mới có thể bước vào thị trường EU cũng như tận dụng được ưu đãi từ hiệp định này.
Về việc tìm khách hàng thông qua các hội chợ là phương thức đang được doanh nghiệp Việt Nam sử dụng phổ biến, ông Neil Như Nguyễn nhận định, không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả. Bởi doanh nghiệp trong nước chưa tạo được thị trường để đối tác biết đến, chưa đủ uy tín để tin tưởng. Mặt khác, doanh nghiệp sử dụng quá nhiều kênh quảng bá sản phẩm khiến giá thành, chi phí bị đội lên cao cũng là một hạn chế, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thông qua mô hình OEM - hàng OEM là mặt hàng được sản xuất bởi một nhà máy hoặc doanh nghiệp chuyên thực hiện các công việc như cung ứng sản phẩm và sản xuất theo đơn đặt hàng của đơn vị đối tác.
“Đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để tạo thị trường dù quy mô nhỏ, khi tham gia hội chợ mình đã có sản phẩm trên thị trường rồi sẽ tạo được sự tin tưởng cũng như thay đổi vị trí trên bàn đàm phán của doanh nghiệp”, ông Neil Như Nguyễn chỉ ra.
Theo Ông Neil Nguyễn, trước khi tham gia một hội chợ quốc tế, doanh nghiệp cần trả lời một số câu hỏi như: Sản phẩm hiện có của bạn có tiềm năng không, người tiêu dùng phản hồi về giá chất lượng mẫu mã như thế nào, doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối phản hồi thế nào về sản phẩm, sản phẩm có thể phân phối ở đâu, hệ thống nào, chiến lược giá cả ra sao, mức độ tin cậy của doanh nghiệp….vì theo Ông Neil Nguyễn, thực trạng hiện nay doanh nghiệp Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn trong khi tham gia vào thương trường quốc tế, cách tiếp cận khách hàng không hiệu quả, mất liên lạc với khách hàng sau khi gửi mẫu và báo giá, tham gia không hiệu quả các hội chợ thương mại quốc tế trong khi chưa tận dụng được các yếu tố về thị trường như: người Châu Âu rất trung thành với mặt hàng, không coi trọng giá cả, văn hóa tiêu dùng đã thay đổi, người tiêu dùng hiện nay mua hàng trên sàn thương mại điện tử nhiều hơn… Ông Neil Nguyễn cho biết, EU có rất nhiều hội chợ, thường diễn ra tháng 9, 10, 11 hàng năm, nhà nhập khẩu tới đây đi tìm nguồn hàng cho năm sau. Doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm tới các hội chợ chuyên ngành, đặc biệt cần có hàng mẫu dự bị tránh tình trạng tham gia hội chợ mà không có hàng hoá giới thiệu.
Theo thông tin từ hội thảo, https://www.bol.com/nl/fr/ hiện là trang thương mại điện tử lớn nhất của Hà Lan với doanh thu một năm đạt 4,1 tỷ EURO, các nhà điều hành trang này thường dựa vào dữ liệu của trang để nhập khẩu mặt hàng và phân phối, trong đó, có 4 bước để sản phẩm có thể lên sàn giao dịch: Kiểm tra sản phẩm, tạo bộ sale kit, đăng kí công bố lên sàn thương mại điện tử.
Ở một góc nhìn khác, ông Remi Nguyễn, khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam có thể thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng hàng hóa phục vụ cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Có thể sử dụng phương thức này để kiểm nghiệm sản phẩm tại chính thị trường Việt Nam. Nếu sản phẩm được chấp nhận, doanh nghiệp có thể tiệm cận dần tới xuất khẩu, trải nghiệm của người nước ngoài tại Việt Nam rất quan trọng, bởi họ có thể cung cấp hành vi, thái độ mua hàng và cả văn hóa của người mua hàng, giúp doanh nghiệp Việt Nam có dữ liệu cơ bản để nghiên cứu trước khi bước ra thị trường lớn.
Ông Minh Lăng cho rằng, còn nhiều dư địa cho hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường EU. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp còn chưa tận dụng được nhiều ưu đãi thuế quan cho mặt hàng này. Nguyên nhân chính là do hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ để được hưởng ưu đãi, ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận những vấn đề liên quan tới việc rủi ro về môi trường kinh doanh tại thị trường châu Âu; đồng thời, hướng dẫn tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về cải thiện quy trình nội bộ để doanh nghiệp đáp ứng mặt hàng xuất khẩu./.