Thúc đẩy xúc tiến thương mại, đầu tư hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam Nhật Bản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Thứ năm - 07/09/2023 00:05
Ngày 21/9/2023 là ngày đánh dấu cột mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và đất nước mặt trời mọc Nhật Bản, quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế, văn hóa, chính trị, y tế, giáo dục…giữa hai nước không ngừng phát triển với chủ đề của năm 2023: “Việt Nhật đồng hành, Hướng tới tương lai - Vươn tầm thế giới”.
Logo kỷ niệm 50 năm Việt Nam   Nhật Bản
Logo kỷ niệm 50 năm Việt Nam Nhật Bản
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, Hàn Quốc) với kim ngạch song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hàn Quốc). Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã, đang và sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhiều từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà hai Bên tham gia, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP); Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 47,6 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Nhật Bản đạt 24,2 tỷ USD; Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 23,4 tỷ USD.
Đắk Lắk là một trong 64 tỉnh thành trên cả nước đã, đang và sẽ được hưởng rất nhiều thuận lợi từ quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, trong đó phải kể đến các hoạt động thương mại, đầu tư và các chương trình, dự án ODA trên địa bàn.
Về hoạt động trao đổi thương mại, tỉnh Đắk Lắk chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản các mặt hàng nông sản như cà phê nhân, cà phê hoà tan, một số loại hạt như macca, ca cao... Một số doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản gồm: Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk, Công ty TNHH Dakman Việt Nam, Công ty TNHH Sucden Coffee Việt Nam, Chi nhánh Công ty cổ phần Intimex tại BMT, Công ty cổ phần XNK Đức Nguyên, Công ty TNHH Cà phê Ngon….Trung bình hàng năm, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu 40,000 tấn cà phê nhân, đạt kim ngạch hơn 80 triệu đô la Mỹ…
Ngoài ra, một số công ty đã sản xuất hạt macca đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022 và đã thiết lập được quan hệ đối tác với Nhật Bản để xuất khẩu và bày bán tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng tại Nhật Bản và trên các sàn thương mại điện tử, đây là tín hiệu đáng mừng với ngành nông sản vì thị trường Nhật Bản có các tiêu chuẩn rất khắt khe đối với mặt hàng nông sản bày bán trong nước.
Hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực từ tỉnh Đắk Lắk không ngừng tăng về chất và lượng, điều này có lợi cho ngành nông nghiệp của tỉnh nói chung, vì Nhật Bản là đối tác có các đòi hỏi về mặt chất lượng rất cao, các doanh nghiệp không ngừng đẩy mạnh hoạt động chế biến công nghệ cao, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc…để đáp ứng tốt các yêu cầu của bạn hàng.
Tại Hội nghị kết nối giao thương quốc tế nhân Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 vào ngày 11/3/2023, lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các công ty Nhật Bản (Công ty TNHH Iguacu Vietnam) và Công ty TNHH cà phê 2/9 – Simexco, đây là đối tác Nhật Bản thuộc tập đoàn Marubeni Corp, nhà máy cà phê hòa tan tại Bà Rịa Vũng Tàu với công suất nhà máy 16,000 tấn cà phê nhân/năm. Có thể xem đây là một trong các dự án hợp tác đầu tư lớn giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp Nhật Bản.
Hội nghị kết nối giao thương quốc tế 2023
Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023

Về hợp tác đầu tư, hiện nay, 21 chương trình, dự án ODA thuộc các chương trình tín dụng chuyên ngành JICA SPL (Nhật Bản) với tổng mức đầu tư khoảng 24,2 triệu USD tương đương 532,861 tỷ đồng đang được thực hiện. Các dự án đầu tư Nhật Bản vào tỉnh Đắk Lắk tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng như điện, đường,cấp nước và thủy lợi đã góp phần cải thiện cơ bản và phát triển một bước cơ sở hạ tầng kinh tế góp phần, khơi dậy nguồn vốn trong nước và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân; thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn kết hợp xoá
đói giảm nghèo, đầu tư hệ thống cấp nước với tổng kinh phí là 1,704,773  triệu USD, trong đó, vốn tài trợ là 1,250,389 triệu USD, vốn đối ứng đạt 332,530 ngàn USD.
Dư địa hợp tác phát triển, trao đổi đầu tư, thương mại cho hai nước nói chung, Đắk Lắk - Nhật Bản nói riêng còn rất nhiều trong tương lai. Để làm tốt điều này, tỉnh Đắk Lắk cần thực hiện tốt các chủ trương về hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết tại Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ban hành mà Việt Nam và Nhật bản cùng là thành viên, tận dụng các quy định về thuế suất, về vùng nguyên liệu…với các đối tác là thành viên của các hiệp định bởi xuất khẩu nông sản chủ lực sang thị trường Nhật Bản có yếu tố hết sức thuận lợi khi Nhật Bản và Việt Nam không cạnh tranh nhau một cách trực tiếp mà mang tính tương hỗ.              
Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các đối tác Nhật Bản vào những lĩnh vực trọng điểm như: nông nghiệp hướng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch và tiêu thụ các sản phẩm nông lâm sản, ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ…
Về thương mại, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản, mang lại giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu, để làm được điều này, ngoài các chương trình, dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp của các cơ quan, ban ngành tại địa phương, thì chính các doanh nghiệp cần phải nỗ lực không ngừng cải tiến tất cả các khâu, từ quy trình trồng trọt, canh tác, chế biến, quy trình bảo quản hiện đại, vận chuyển, sử dụng các chế phẩm sinh học cho đến công tác nghiên cứu phát triển (R&D) để tạo ra các sản phẩm đáp ứng về quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của đối tác Nhật Bản, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Lễ ký kết với đối tác Nhật Bản
Lễ ký kêt giữa đối tác Nhật Bản và công ty của tỉnh Đắk Lắk

Chú trọng phát triển các sản phẩm nông sản hiện đang có thế mạnh nhập khẩu sang thị trường Nhật Bản như chuối tươi và chuối sấy khô, mỗi năm Nhật Bản chi hơn 900 triệu USD để thu mua mặt hàng này.
Đối với các mặt hàng đã và đang xuất khẩu sang Nhật như mặt hàng cà phê nhân và cà phê hòa tan, cần tiếp tục chú trọng khai thác thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đây là mặt hàng chủ lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Lắk, thúc đẩy thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh, do vậy cần tập trung quan tâm đến công tác quảng bá thương hiệu như: tổ chức lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột định kỳ, xúc tiến các chương trình giao thương quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động quảng bá sản phẩm chủ lực tại các sự kiện như hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương trong và ngoài nước, gửi sản phẩm tham gia các sự kiện như lễ hội Việt Nam - Nhật Bản (JVF) tại Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh cũng như khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Lễ hội Việt Nam được tổ chức thường niên tại Nhật Bản, đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia các sự kiện thường niên như: Diễn đàn giao thương doanh nghiệp Việt Nam- Nhật Bản, các đoàn giao dịch thương mại, đầu tư tại Nhật Bản do Bộ Công Thương tổ chức…để tăng cường sự nhận diện về mặt hình ảnh của các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk. …Cần đẩy mạnh hoạt động marketing, nghiên cứu xây dựng cho ra các mặt hàng có mẫu mã, bao bì đa dạng, liên tục đổi mới để có thể bắt kịp với xu hướng tiêu dùng của người Nhật vì thị trường này có tốc độ thay đổi nhanh chóng, vòng quay sản phẩm rất nhanh và ngắn.
Đẩy mạnh hoạt động xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản Việt, chú trọng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thực hiện công tác tuyên truyền tới các doanh nghiệp trên địa bàn về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Nhật Bản cũng như tại các quốc gia nhập khẩu nông sản của tỉnh Đắk Lắk.
Giao lưu văn hóa giữa Đắk Lắk và Nhật Bản
Giao lưu văn hóa Đắk Lắk Nhật Bản

Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn của Nhật Bản đầu tư các nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao tại tỉnh để nâng cao hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, có thể thâm nhập vào chuỗi cung ứng hoặc tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài.
Dẫn lời Ngài Yamada Takio - Trưởng ban tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam của phía Nhật Bản: “Mối quan hệ Nhật Bản – Việt Nam với “tiềm năng vô hạn” đang tiến tới thời kỳ đánh dấu bước phát triển vượt bậc. Tôi hy vọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam sẽ kiến tạo nền tảng cho quan hệ Nhật Bản – Việt Nam phát triển vượt bậc hơn nữa hướng tới tương lai, vươn tầm khu vực và thế giới với tư cách là những đối tác có vị thế ngang bằng cùng mang lại lợi ích cho nhau”.
Theo Ông Yamada, hãy cùng coi kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản – Việt Nam là cơ hội để tái khẳng định và tái khám phá mối quan hệ hai nước, và biến đây thành một năm phát triển mạnh mẽ hướng tới tương lai.
 

Tác giả: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phòng Quản lý Thương mại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây