Tình hình sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu cà phê Niên vụ 2023-2024 và Kế hoạch Niên vụ cà phê 2024-2025

Thứ năm - 17/07/2025 22:49
Hiện toàn tỉnh có trên 200 cơ sở chế biến cà phê (Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh), phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chế biến theo phương pháp chế biến khô là chủ yếu. Những năm gần đây, công nghiệp chế biến cà phê của tỉnh có nhiều khởi sắc, nguồn nguyên liệu cà phê để phục vụ cho hoạt động chế biến rất lớn (sản lượng hàng năm trên 500.000 tấn), đây là nguồn nguyên liệu để các cơ sở chế biến quanh năm. 
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục hải quan Việt Nam, Niên vụ 2023-2024 cả nước xuất khẩu cà phê đạt 1.476.842 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,425 tỷ USD, giảm 11,3% về lượng nhưng tăng gần 33% về giá trị so với niên vụ trước.
Niên vụ cà phê 2023-2024, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu 264.404 tấn cà phê, giảm 54.095 tấn so với niên vụ 2022-2023 (giảm 17%), chiếm tỷ trọng 17,9% so với cả nước; Kim ngạch xuất khẩu đạt 915,795 triệu USD, tăng 168,238 triệu USD so với niên vụ trước (tăng 22,5%), chiếm tỷ trọng 16,9% so với cả nước. So với niên vụ 2022-2023, cà phê xuất khẩu của tỉnh giảm về lượng nhưng tăng về kim ngạch do giá cà phê liên tục tăng nóng trong niên vụ vừa qua, trong đó: Xuất khẩu cà phê nhân đạt 783,895 triệu USD, tăng 24,5% so với Niên vụ 2022-2023 (629,83 triệu USD). Xuất khẩu cà phê hòa tan đạt 131,9 triệu USD, chiếm tỷ lệ 14,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh. So với Niên vụ cà phê 2022-2023 kim ngạch xuất khẩu cà phê hòa tan tăng 14,173 triệu USD. Nhìn chung xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là cà phê nhân, cà phê hòa tan các niên vụ gần đây  tuy có tăng nhưng vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu cả phê của tỉnh. Các sản phẩm cà phê chế biến khác như cà phê rang, cà phê bột...xuất khẩu rất ít.
Công ty TNHH một thành viên XNK 2/9 Đắk Lắk tiếp tục là đơn vị dẫn đầu trên địa bàn tỉnh về xuất khẩu cà phê nhân với 93.510 tấn, đạt kim ngạch 304,448 triệu USD; tiếp đến là Công ty TNHH Sucden Coffee Việt Nam với lượng cà phê xuất khẩu đạt 35.769 tấn, kim ngạch 108,317 triệu USD. Có 02 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyên chế biến và xuất khẩu cà phê hòa tan là Công ty TNHH cà phê Ngon và Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển An Thái.
Nhìn chung cà phê tỉnh Đắk Lắk vẫn tập trung xuất khẩu cà phê nhân sang các thị trường truyền thống lâu nay, như: Đức, Thụy sỹ, Nhật Bản, Italia, Mỹ… đồng thời xúc tiến khai thác những thị trường mới có nhiều tiềm năng ở các khu vực, như: Mỹ Latinh, Trung Đông, Châu Phi. Khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các khu vực thị trường lớn như EU, ASEAN, Đông Bắc Á, Châu Đại Dương…
Ngoài ra, chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột đã được mở rộng cho 04 dòng sản phẩm cà phê nhân, cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê hòa tan nguyên chất. Đây là nỗ lực lớn của tỉnh nhằm đưa được sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột đến người tiêu dùng cuối cùng. Trong năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho 02 doanh nghiệp, gồm: Công ty TNHH SX TM DV Cà phê Trung Hòa với 3 tấn cà phê hạt rang và 4 tấn cà phê bột. Công ty TNHH Một thành viên Kiên Cường với 0,2 tấn cà phê hạt rang và 1,0 tấn cà phê bột. Đồng thời, có 01 đơn vị, Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Đắk Lắk xin dừng sử dụng chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột kể từ ngày 01/01/2025 do chuyển đổi hoạt động kinh doanh sang thương mại dịch vụ.
Đối với hoạt động đăng ký bảo hộ quốc tế chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, chỉ dẫn địa lý cà phê “Buôn Ma Thuột” đến nay đã được bảo hộ tại 32 quốc gia với các hình thức bảo hộ khác nhau, trong đó: Bảo hộ dưới hình thức “Chỉ dẫn địa lý” tại 28 quốc gia: gồm 27 quốc gia trong khối EU sau khi Hiệp định song phương EVFTA có hiệu lực từ tháng 7/2020 và Thái Lan. Tại Nga, hồ sơ đã được nộp vào cơ quan nhãn hiệu và chờ kết quả thẩm định (Chuyển đổi từ bảo hộ “Tên gọi xuất xứ hàng hóa” sang “Chỉ dẫn địa lý”); Bảo hộ dưới hình thức “Nhãn hiệu tập thể” tại 3 quốc gia: Trung Quốc, Singapore, Canada; Trong năm 2024, Nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee”  đã được gia hạn bảo hộ tại Trung Quốc và Singapore.
z6816156882254 2ed0605873b9bfff1022a6bc8d3f6611
Thăm nhà máy chế biến cà phê của Công ty TNHH MTV 2/9
Đánh giá tình hình niên vụ cà phê 2023-2024, giá cà phê đạt kỷ lục từ trước tới nay, có thời điểm giá cà phê nhân đạt trên 120.000 đồng/kg, tuy nhiên tình hình kinh doanh, xuất khẩu cà phê tỉnh Đắk Lắk Niên vụ 2023-2024 gặp nhiều khó khăn do xung đột quân sự ở các quốc gia trên thế giới gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả leo thang, kinh tế thế giới lạm phát cao gây ra nhiều khó khăn cho thị trường cà phê. Công tác xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường đã được quan tâm chú trọng, đã xây dựng được thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột gây ấn tượng với bạn bè trong nước và quốc tế, giúp cho việc quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam ra thị trường thế giới. Chất lượng cà phê xuất khẩu đã được doanh nghiệp quan tâm, đảm bảo được yêu cầu chất lượng cà phê cho xuất khẩu. Hiện nay xuất khẩu cà phê hòa tan vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ và chưa đem lại nhiều giá trị gia tăng cho ngành cà phê Đắk Lắk. Ngoài ra, để nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh mặt hàng cà phê của tỉnh, cả người sản xuất và doanh nghiệp cà phê đã đầu tư vốn để chăm sóc, tái canh diện tích cà phê già cỗi cho năng suất thấp, đầu tư máy móc thiết bị chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê trên thị trường.
Đối với khó khăn mà ngành cà phê phải đối mặt, một trong những khó khăn vẫn còn tồn tại, cà phê xuất khẩu của tỉnh chủ yếu vẫn là cà phê nhân (sản phẩm thô), tỷ trọng cà phê qua chế biến xuất khẩu hàng năm chưa tăng nhiều trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh. Sản phẩm cà phê được chế biến theo công nghệ ướt, chế biến sâu còn nhiều hạn chế do vậy giá cà phê nhân xuất khẩu cũng như giá trị gia tăng thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Công tác thu hút, mời gọi các dự án đầu tư vào sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng nhưng chưa đồng bộ. Các nhà đầu tư chủ yếu quan tâm đến chế biến thô, giá trị thấp, chưa mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho địa phương cũng như tăng thu nhập cho người nông dân. Việc triển khai chính sách đối với ngành cà phê vẫn còn nhiều bất cập, thiếu thực tiễn, chưa đầy đủ và đồng bộ, dẫn đến khó khăn cho cả doanh nghiệp và người nông dân.
Diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, trái quy luật, nắng nóng, khô hạn, mưa bão, lũ lụt ngày càng bất thường, tình trạng sâu bệnh hại có chiều hướng gia tăng cả về chủng loại và cấp độ.
Hình thức tổ chức sản xuất cà phê hiện nay của tỉnh chủ yếu là sản xuất nông hộ, quy mô diện tích nhỏ, manh mún. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ngày càng xuống cấp và chưa đồng bộ, vấn đề thiếu sân phơi, nhà kho, thiết bị chế biến, thiếu nhân công nhất là lao động thu hái, chế biến cà phê khi vào vụ thu hoạch… đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm. Thiếu sự gắn kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm đến phát triển vùng nguyên liệu.
Hiện nay giá một số loại cây ăn như quả sầu riêng ở mức cao nên người dân có khuynh hướng trồng xen và cải tạo dần mà không tái canh toàn bộ diện tích cà phê dẫn đến khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng hoặc chặt bỏ cây cà phê chuyển sang trồng cây ăn quả. Biến động giá cà phê, vật tư đầu vào các loại, chi phí vận chuyển liên tục tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của người sản xuất cà phê.
Cà phê nhân có chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột đã có mặt trên thị trường trong nước nhưng số lượng tiêu thụ còn ít. Hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm cà phê nói chung và cà phê mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột còn hạn chế, chưa có giải pháp cụ thể cho đẩy mạnh xúc tiến thương mại cà phê có chỉ dẫn địa lý cũng như các loại cà phê bền vững có chứng nhận nhằm đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu cà phê ra thị trường thế giới.
Năm 2025, ngoài những khó khăn của ngành cà phê do yếu tố thời tiết, sản lượng, việc các quốc gia như Brazil phải đối mặt khi tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về kế hoạch áp thuế 50% vào hàng hóa cùa Brazil, nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, đang gây bất an cho ngành công nghiệp cà phê của nước này cũng như người uống cà phê trên toàn cầu. Đối với dự báo ngành hàng cà phê Việt Nam trong vụ mới 2024-2025, sản lượng cà phê niên vụ tới có thể tiếp tục giảm khoảng 15% so với Niên vụ hiện tại ở mức từ 21,4 đến 22,7 triệu bao. Con số này thấp hơn nhiều so với ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã đưa ra mới đây là 27,85 triệu bao, dự kiến số lượng cà phê xuất khẩu cà phê Niên vụ 2024-2025 dự kiến đạt 350.000 tấn. 
Đối với giải pháp trong vụ mới, một số giải pháp được đề cập như: Đẩy mạnh phát triển sản xuất cà phê đặc sản của tỉnh, nhằm khai thác thêm phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong và ngoài nước. Định hướng vùng trồng thuận lợi, thích hợp cho sản xuất cà phê đặc sản; Xây dựng phần mềm quản lý và đào tạo nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai kế hoạch, kiểm tra giám sát sản xuất cà phê bền vững; lập bản đồ số lý lịch vườn cây, cập nhật cơ sở dữ liệu hàng năm về tình hình tái canh, cải tạo giống; Hỗ trợ thực hiện liên kết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy tập quán canh tác bền vững trong đó có chú ý đến các vấn đề giảm thiểu mức sử dụng nước tưới, phân bón, hoá chất, cải thiện cảnh quan nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên tự nhiên. Tổ chức tập huấn cho các nông hộ quy trình trồng xen cây hồ tiêu, cây bơ và sầu riêng trong vườn cà phê vối theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tăng cường xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm, đã và đang đầu tư các dự án chế biến cà phê chuyên sâu (chế biến tinh) tại Việt Nam, như: Nestlé, Vinacafé Biên Hòa, NutiFood, Starbucks, Highland Coffee, Tập đoàn Neumann Kaffee Gruppe, Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên... đầu tư vào tỉnh thông qua các hội nghị, hội thảo mang tầm quốc gia, quốc tế; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tại các hội chợ, triển lãm ở trong và ngoài nước; Hỗ trợ kinh phí trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

Tác giả: Tin: Mỹ Hạnh- QLTM, SCT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây