Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 17/05/2021 01:43
Cuối năm 2020 và đầu năm 2021, dịch Covid 19 tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, tăng nhanh, lan rộng đến 26 tỉnh thành trong cả nước, đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội. Các hoạt động sản xuất chế biến, lưu thông tiêu thụ, kinh doanh xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng nặng nề. Trong nước và ngoài nước, một số vùng thực hiện phong tỏa, đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội làm cho các chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Trên thị trường quốc tế một số nước thiếu nguồn hàng nguyên liệu, thiếu container rỗng; vận tải đường hàng không, đường biển bị thu hẹp làm ứ đọng hàng hóa cục bộ, bên cạnh đó do thiếu hụt nguồn lao động, nguồn dịch nên tác động lớn đến thị trường nông sản trong nước và quốc tế. Đắk Lắk với lợi thế tài nguyên đất đai cùng với điều kiện tự nhiên khí hậu rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là phù hợp với nhiều cây công nghiệp dài ngày, tạo ra nhiều sản phẩn nông sản cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Một số mặt hàng nông sản chủ lực của Đắk Lắk như: Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, giá trị kim ngạch hàng năm trên 400 triệu USD; Cao su là mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch cũng tương đối cao, xuất khẩu trên 24 nước; Hồ tiêu xuất khẩu hàng năm trên 6.000 tấn, đáp ứng nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU; Sản phẩm ong xuất khẩu gần 9.000 tấn trên năm.
Trái cây có sản lượng tăng nhanh trong những năm gần đây, chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc…
Tình hình dịch Covid 19 đã và đang tác động rất lớn giá cả các mặt hàng nông sản trong tỉnh, thị trường tiêu thụ bị hạn chế làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất, kinh doanh hàng nông sản của người dân và doanh nghiệp.Trong bối cảnh đó, ngành Công Thương đã tổng hợp nhận định đánh giá tình hình năng lực sản xuất, nhận định dự báo thị trường tiêu thụ nông sản trong thời gian đến, đề ra những giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid 19 và biến đổi khí hậu như sau: Một là: Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhưng đồng thời phải tháo gỡ những khó khăn để cung ứng đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân trong tỉnh. Hai là: Cung cấp thông tin thị trường nông sản trên thế giới thông qua tham tán thương mại ở các nước. Tập trung thông tin một số thị trường truyền thống của hàng hóa nông sản chủ lực địa phương. Phối hợp, cập nhật cung cấp thông tin tình hình biên mậu ở các tỉnh biên giới phía Bắc cho doanh nghiệp xuất khẩu chủ động nguồn hàng, tránh thiệt hại do dồn ứ ở các cửa khẩu với Trung Quốc.
Ba là: Trong xu hướng hội nhập hiện nay, việc xây dựng thương hiệu, định hướng thị trường để định hướng sản xuất là vô cùng quan trọng, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế của nông sản địa phương, hướng dẫn sản xuất theo chuẩn mực của thị trường thế giới, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, minh bạch về truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm. Bốn là: Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, mở rộng thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Điều kiện dịch bệnh khổng thể tổ chức trực tiếp thì tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử, kết nối bán hàng trực tuyến với các kênh bán hàng trong và ngoài nước. Năm là: Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ chính trị phát động, phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản qua chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ và các cửa hàng tiện ích. Sáu là: Nâng cao năng lực chế biến đóng gói để nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của hàng nông sản. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp gian lận thương mại làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng hàng hóa nông sản. Cuối cùng là: Nhà nước không làm thay doanh nghiệp nhưng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các chính sách và môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời có những biện pháp hỗ trợ cụ thể về chính sách thuế, tín dụng, thuận lợi hóa thông quan, xúc tiến thương mại….Tuy nhiên, nỗ lực của chính bản thân các doanh nghiệp mới là nòng cốt dẫn dắt, là yếu tố quyết định để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid 19 hiện nay.