Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 28/04/2021 05:36
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và trên thế giới; cùng với việc gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương được ký kết (FTA). Những Hiệp định gần đây có mức độ cam kết mở cửa thị trường cao hơn cam kết trong WTO và các Hiệp định thương mại tự do đã ký trước đây. Đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu âu và Việt nam (EVFTA) là những Hiệp định toàn diện, cân bằng lợi ích, với những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mức cao và những cam kết về thể chế kinh tế thị trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công… nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh công bằng
Các Hiệp định này còn bao gồm các nội dung tuy không phải là thương mại trực tiếp nhưng có liên quan đến thương mại như môi trường và lao động... Với những nội hàm chủ yếu nêu trên nên được gọi là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Cùng với những cơ hội thuận lợi, các Hiệp định này cũng đặt ra những khó khăn thách thức không nhỏ. Đó là, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia Hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia – đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh. Trước sức ép cạnh tranh, các doanh nghiệp chúng ta phải tự vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao kỷ năng bán hàng là một trong những yếu tố quan trọng để tồn tại và phát triển. Đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng, thương hiệu sản phẩm hàng hóa, nếu chúng ta không thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững thì sản phẩm hàng hóa của chúng ta không có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Chính vì vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, kỹ năng bán hàng, xu hướng các mô hình kinh doanh mới, vai trò của marketing và thương hiệu trong nền kinh tế hội nhập…là những nội dung mà tất cả các doanh nghiệp cần nắm bắt để tìm cách cho sản phẩm, dịch vụ có thương hiệu có chỗ đứng trong lòng khách hàng. Kỹ năng bán hàng là một hoạt động cần thiết và không thể thiếu trong kinh doanh bao gồm các hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu, mong muốn của khách hàng thông qua quá trình tiếp thị sản phẩm, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng mục tiêu. Vì vậy, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội cần phải nắm bắt được những kiến thức cơ bản; hiểu biết các nội dung nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng cho đơn vị mình một chiến lược marketing trong bối cảnh hội nhập Quốc tế ngày càng sâu rộng; chú trọng xây dựng thương hiệu, tạo hình ảnh sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp; tận dụng cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, dũng cảm chấp nhận cạnh tranh và chủ động, sáng tạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ do mình cung ứng, với tư duy không chỉ giới hạn tại thị trường trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới.
Các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội phải đầu tư, nghiên cứu những kiến thức cơ bản kỹ năng cạnh tranh và bán hàng, từ đó xây chiến lược kinh doanh, áp dụng các phương thức bán hàng hiệu quả, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong tình hình kinh tế mới hiện nay.