Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 15/04/2021 03:09
Trong không khí kỷ niệm 46 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước và cả nước sôi nổi thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2025. Ngành Công Thương Đắk Lắk hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành, nhìn lại những bước đường đã qua, ôn lại truyền thống của ngành, tự hào về thành quả đã đạt được và cùng nhìn về tương lai.
Bộ Công Thương được thành lập ngày 14 tháng 5 năm 1951 trên cơ sở đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương theo Sắc lệnh số 21/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quốc hội khoá I của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trong phiên họp lần thứ 5 ngày 20 tháng 9 năm 1955 đã ra Nghị quyết "Bộ Công Thương nay phân ra hai bộ: Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp". Từ đó đến năm 2007, sau nhiều lần điều chỉnh tổ chức của Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp thành các Bộ chuyên ngành với các tên gọi khác nhau. Ngày 31 tháng 7 năm 2007, Quốc hội Khóa XII thông qua Nghị quyết số 01/2007 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương hiện nay. Ngày 02 tháng 10 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam”; như vậy đến nay, ngành Công Thương Việt Nam đã trải qua 70 năm hình thành và phát triển. Trải qua 70 năm phấn đấu liên tục, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong những năm tháng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Ban Kinh tài của tỉnh Đắk Lắk đã được thành lập, trong đó Tiểu ban Thương nghiệp, Tiểu ban Mậu dịch… đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh làm tốt nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm phục vụ cuộc kháng chiến của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ngoài ra còn làm tốt công tác vận động quần chúng, vận tải, giao liên và chiến đấu để bảo vệ cơ quan, kho tàng, bảo vệ sản xuất… Từ sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước đến nay, ngành Công Thương Đắk Lắk không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Hiện nay, ngành Công Thương đóng góp trên 60% thu ngân sách nhà nước hàng năm của tỉnh; tạo công ăn, việc làm cho hàng ngàn lao động; phát triển công nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ; trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh (GRDP), tổng sản phẩm khu vực công nghiệp xây dựng tăng từ 5.146 tỷ đồng năm 2011 lên 9.650 tỷ đồng năm 2020, bình quân tăng 9,85%/năm. Khu vực dịch vụ tăng từ 12,3% năm 2011 lên 159,7% năm 2020. Sản xuất công nghiệp từ những ngày đầu giải phóng gần như không có gì, năm 2011 đạt 9.875 tỷ đồng đến năm 2020 đạt 17.805 tỷ đồng, tăng từ 9,5% lên 97,5%, bình quân tăng 7%/năm. Trong đó, công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò chủ đạo, đóng góp trên 73% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, hiện nay trên địa bàn đã hình thành một số nhà máy điện năng lượng tái tạo, chế biến nông, lâm sản; cơ khí phục vụ nông nghiệp có công suất lớn, công nghệ hiện đại với những sản phẩm bước đầu chiếm lĩnh thị trường như: Cà phê bột, cà phê hòa tan, đường mía, mật ong, tinh bột sắn, gỗ tinh chế, bia…; Tính đến nay, tổng công suất phát điện của các dự án điện năng lượng tái tạo là 1.316,8MW, trong đó điện gió đạt công suất 28,8MW, điện năng lượng mặt trời dự án đạt công suất 768MW và điện mặt trời mái nhà đạt công suất 520MW.
Có 19 nhà máy thủy điện đang hoạt động với công suất 825MW; các nhà máy sản xuất sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Bơm tưới, máy xay xát, máy chế biến cà phê có uy tín, chất lượng và thương hiệu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh; Công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước có tốc độ tăng trưởng cao, chiếm trên 56% giá trị sản xuất công nghiệp; trên địa bàn tỉnh đã; hệ thống cấp điện đảm bảo cho 99,7% thôn, buôn có điện và 99,8% số hộ được dùng điện; Công nghiệp khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu hiện nay cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu xây dựng ngày càng tăng trên địa bàn, trong đó sản xuất đá xây dựng, đá ốp lát, gạch không nung đã có chuyển biến lớn về công nghệ, chất lượng, đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình đảm bảo chất lượng và an toàn môi trường.
Bản đồ công nghiệp toàn tỉnh đã dần trở nên rõ nét với việc hình thành các trung tâm công nghiệp như: Khu vực thành phố Buôn Ma Thuột; khu vực phía Bắc: Buôn Hồ - Krông Búk - Ea H’leo; khu vực phía Đông: Krông Pắc - Ea Kar - M’Đrắk. Đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã công bố quy hoạch chi tiết xây dựng 01 khu công nghiệp quy mô 181ha và 14 cụm công nghiệp có tổng diện tích 693,66ha; trong đó 01 khu công nghiệp và 09 cụm công nghiệp vừa tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vừa hoạt động; đã có 214 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, thu hút tổng số vốn đầu tư trên 14.000 tỷ đồng; trong đó có 153 dự án đang vào hoạt động, 31 dự án đang xây dựng và 30 dự án còn lại đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Hoạt động Thương mại, dịch vụ hiện nay đã phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và bước đầu hình thành các hình thức kinh doanh hiện đại, phát triển cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt các nhu cầu xã hội và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Khu vực thương mại, dịch vụ giai đoạn 2011-2020 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,5% năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá 2011-2020 là 492.267 tỷ đồng và doanh thu dịch vụ tăng bình quân hàng năm 12,%/năm, hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là một số mặt hàng thiết yếu đã từng bước mở rộng mạng lưới và điểm bán hàng bình ổn đến vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Hạ tầng thương mại được đầu tư xây dựng theo quy hoạch và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh; hệ thống chợ truyền thống ngày một phát triển, bên cạnh đó nhiều siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng và hoạt động khá tốt, góp phần cung ứng hàng hóa tiêu dùng đảm bảo chất lượng, giữ bình ổn giá và từng bước hình thành thói quen giao dịch văn minh, hiện đại trong dân cư. Trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu tuy gặp khó khăn nhưng vẫn duy trì được các thị trường truyền thống, tiếp cận được một số thị trường mới, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản đạt được kết quả nhất định. Thị trường xuất khẩu, trong đó xuất khẩu cà phê được mở rộng trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 đạt 5.621 triệu USD, bình quân hàng năm đạt 562 triệu USD; hiện nay, Đắk Lắk là một trong năm tỉnh có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Ngoài các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như: Cà phê nhân, cao su, hạt tiêu, mật ong…; các mặt hàng: Tinh bột sắn, cà phê hòa tan, hạt điều,… là những mặt hàng xuất khẩu đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao.
Nhập khẩu cũng đã góp phần bảo đảm cho nhu cầu máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu cho đầu tư, sản xuất trong Tỉnh, tổng kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2011-2020, đạt 532 triệu USD, bình quân hàng năm đạt 53,2 triệu USD.
Những thành tựu mà ngành Công Thương đạt được trong 70 năm qua là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của HĐND, UBND và Bộ Công Thương; là công sức, trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, phấn đấu vượt qua bao gian nan, thử thách kể cả những hy sinh về tính mạng và tuổi thanh xuân của lớp lớp các thế hệ đi trước; sự phối hợp, hỗ trợ, đóng góp của các cấp, các ngành và của toàn xã hội; sự giúp đỡ và hợp tác quý báu của Sở Công Thương trong khu vực và cả nước. Ghi nhận những thành tựu và đóng góp to lớn của ngành Công Thương Đắk Lắk trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ngành Công Thương Đắk Lắk Huân chương Lao động hạng nhì và Huân chương Lao động hạng ba Nhìn lại những bước phát triển lớn mạnh và trưởng thành của ngành Công Thương trong 70 năm qua, những cán bộ đã và đang công tác trong ngành Công Thương chúng ta tự hào về những kết quả đã đạt được, tin tưởng vào đường lối phát triển kinh tế, xã hội và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, chúng ta cũng ý thức được trách nhiệm của ngành về những yêu cầu đặt ra trong giai đoạn tới. Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để khắc phục những tồn tại, hạn chế; phát hiện và xử lý kịp thời những bất cập, yếu kém phát sinh; linh hoạt, chủ động trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ của ngành theo sát các chủ trương, đường lối của Đảng qua từng thời kỳ, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành trong tương lai. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và trên thế giới; cùng với việc gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định thương mại đa phương, song phương được ký kết và thực thi, vị thế và vai trò của Việt Nam ngày càng lớn mạnh và quan trọng trên trường quốc tế;
thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng ngày càng được mở rộng; ngành Công Thương Đắk Lắk đang đứng trước không ít cơ hội và thách thức, đòi hỏi tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của toàn ngành không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt, nêu cao trách nhiệm, nắm bắt cơ hội trong xu thế hội nhập phát triển tất yếu để đảm bảo giành được nhiều thành quả trong phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Đắk Lắk lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh; trong đó, nhiệm vụ quan trọng của ngành Công Thương là quản lý, điều hành hoạt động của ngành và tham mưu có hiệu quả cho công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh trong lĩnh vực Công Thương trong thời gian tới đó là: Đối với Công nghiệp, tập trung phát triển năng lương tái tạo, phát triển các ngành có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ, có khả năng thu hồi vốn nhanh, dễ tìm đối tác đầu tư và thị trường tiêu thụ sản phẩm như chế biến nông lâm sản, thực phẩm xuất khẩu, công nghiệp khai khoáng và công nghiệp cơ khí chế tạo các loại máy móc nhỏ nhưng với công nghệ và thiết bị hiện đại, hình thành các khu, cụm công nghiệp mới, coi trọng việc thúc đẩy công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Đối với Thương mại, đẩy nhanh sự phát triển của Thương mại và Dịch vụ Thương mại, quản lý và phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy giao lưu hàng hóa, kích thích sản xuất phát triển, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu cho ngân sách nhà nước. Coi trọng việc thiết lập các thị trường xuất khẩu ổn định cho các sản phẩm truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển thị trường trong nước, nhất là ở nông thôn. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại phục vụ phát triển sản xuất, tăng khả năng xuất khẩu.
Nhìn lại chặng đường phát triển của Ngành, với ý thức đầy đủ về thành tựu trong 70 năm qua và nhiệm vụ trong thời gian tới, chúng ta tin tưởng rằng, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Công Thương sẽ phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, tiếp tục đoàn kết một lòng hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, kế tục xứng đáng truyền thống của ngành, tiếp tục ghi thêm những trang sử vẻ vang, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, góp phần cùng cả tỉnh hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng năm 2021 và những năm tiếp theo.