Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 24/05/2021 21:07
Ngày 17/10/2013 Chính phủ ban hành Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thuỷ điện, sử dụng điện tiết kiệm an toàn và hiệu quả (gọi tắt Nghị định 134), đến nay đã có hiệu lực thi hành hơn 8 năm, đây cũng là khoảng thời gian đủ dài để đánh giá tổng kết việc thi hành của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Trong 8 năm qua, ngành Công Thương đã tổ chức 5 đợt tuyên truyền, phổ biến Nghị định 134 cho các đối tượng là kiểm tra viên điện lực của Công ty Điện lực, Hợp tác xã điện nông thôn và Phòng Kinh tế hạ tầng cấp huyện với số lượng khoảng 510 lượt người tham dự. Còn đối với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, các ngành, đơn vị điện lực theo chức năng nhiệm vụ của mình cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát 159.739 vụ việc ở lĩnh vực điện lực, an toàn đập thuỷ điện, sử dụng điện tiết kiệm an toàn và hiệu quả, qua đó đã phát hiện 900 vụ việc vi phạm, với hơn 1,271 triệu kWh điện và đã tiến hành xử phạt hơn 1,212 tỷ đồng. Tuy nhiên công tác tuyên truyền, phổ biến chỉ tập mới trung vào nhóm đối tượng là kiểm tra viên điện lực, mà chưa phổ biến rộng rãi cho các đối tượng khác; việc biên soạn tài liệu, tin bài phục vụ cho công tác truyền thông còn hạn chế, chỉ dừng lại ở mức phục vụ cho hội nghị tập huấn, chưa triển khai tuyên truyền được cho nhiều đối tượng; kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về điện lực chưa được quan tâm đúng mức. Công tác kiểm tra, xử lý đã có nhiều cố gắng nhưng cũng chỉ mới tập trung vào đối tượng sử dụng điện, các lĩnh vực về an toàn đập thuỷ điện, sử dụng điện tiết kiệm an toàn và hiệu quả tỷ lệ kiểm tra, giám sát còn thấp.
Qua thực tiễn triển khai thực hiện, Nghị định 134 của Chính phủ cũng đã bộc lộ một số bất cập, như mức xử phạt đối với một số hành vi còn thấp, không đủ sức răn đe; nhiều hành vi phát sinh mới trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời chưa có qui định để xử lý hoặc có quy định nhưng thiếu hành vi; và còn mâu thuẫn với các văn bản qui phạm pháp luật khác có liên quan, cụ thể: Về thủ tục xử phạt còn bất cập giữa các văn bản quy phạm pháp luật như tại khoản 1 Điều 23 Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 31/10/2013 của Bộ Công Thương (được sửa đổi bởi Thông tư 31/2018/TT-BCT ngày 05/10/2018) thì Kiểm tra viên điện lực của Đơn vị điện lực phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải chuyển hồ sơ ngay cho người có thẩm quyền để xử lý, và cũng theo Điều 6e Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ (được sửa đổi bởi Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017) qui định thủ trưởng trực tiếp của người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc là cấp trên trực tiếp trong quan hệ hành chính đối với người đang giải quyết vụ việc, trong trường hợp này, việc xác định “thủ trưởng trực tiếp của người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc” để chuyển hồ sơ vi phạm hành chính hoặc hồ sơ vi phạm hành chính vượt quá thẩm quyền chưa được hướng dẫn.
Kể cả bất cập về thẩm quyền xử phạt: Nghị định số 134 qui định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện (khoản 2 Điều 33) và của Chánh Thanh tra Sở (khoản 2 Điều 34) trong lĩnh vực điện lực phạt tiền đến 25 triệu đồng đối với cá nhân, đến 50 triệu đồng đối với tổ chức là thực hiện theo qui định về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực được qui định tại điểm c, khoản 1, Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Điều này làm phát sinh nhiều vụ việc vượt thẩm quyền phải chuyển cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh để xử lý, hơn nữa điểm đ khoản 1, Điều 24 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã bổ sung lĩnh vực điện lực được phạt tiền đến 100 triệu đồng. Từ những bất cập nêu trên, mong rằng Bộ Công Thương tổng hợp trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu, những hành vi phát sinh mới về điện gió, điện mặt trời, những bất cập về thủ tục xử phạt, về thẩm quyền xử phạt cũng như rà soát, xử lý những mâu thuẩn giữa các văn bản quy phạm pháp luật để việc thi hành Nghị định 134 ngày càng phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên đề về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý cho các lực lượng chức năng thực thi pháp luật, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xử lý vi phạm hành chính ở lĩnh vực điện lực, lĩnh vực an toàn đập thủy điện, lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả./.