Ảnh minh họa (nguồn internet)
Qua triển khai thực hiện, kết quả đạt được: Về hoạt động xuất, nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước thực hiện 1.136 triệu USD, đạt 174,8% kế hoạch năm, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: Xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP là 67,255 triệu USD, chiếm 5,9% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 9,8% so với năm 2020; Xuất khẩu sang thị trường các nước EVFTA là 116,182 triệu USD, chiếm 10,2% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 8,8% so với năm 2020; Xuất khẩu sang thị trường các nước UKVFTA là 5,054 triệu USD, chiếm 0,4% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 26,9% so với năm 2020; Kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh năm 2021 ước thực hiện 450 triệu USD, đạt 500% kế hoạch năm, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2020. Trong năm, kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh do các dự án điện gió nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ dự án.
Về hoạt động xúc tiến đầu tư: UBND tỉnh luôn quan tâm, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, thực hiện dự án tại tỉnh. Trong năm 2021, UBND tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho 22 dự án, với tổng số vốn đầu tư 11.781,78 tỷ đồng, giảm 04 dự án và tổng số vốn đầu tư giảm 9.123,7 tỷ đồng so với cùng kỳ; trong đó, có 07/22 là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc lĩnh vực điện gió, nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký 10.141 tỷ đồng (tương đương 540 triệu USD); nâng tổng số dự án FDI trên địa bàn tỉnh là 21 dự án, với tổng vốn đăng ký 12.439,23 tỷ đồng (tương đương 566,89 triệu USD). Trong 07 Dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có 04 dự án thuộc các nước Thành viên Hiệp định CPTPP (Nhà máy điện gió Alpha VNM – Singapore; Nhà máy điện gió Beta VNM – Singapore; Nhà máy điện gió Cư Né 1 – Singapore; Nhà máy điện gió Cư Né 2 - Singapore); có 02 dự án thuộc các nước Thành viên Hiệp định EVFTA (Dự án vinagas Tây Nguyên – Pháp; Nhà máy xử lý chất thải rắn nguy hại - Nhật Bản) và 01 dự án thuộc các nước Thành viên Hiệp định CPTPP (Dự án “Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk” - Anh).
Nhìn chung, năm 2021 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp uỷ Đảng, sự nỗ lực điều hành của chính quyền các cấp, tỉnh Đắk Lắk đã từng bước vượt qua khó khăn để đạt được các kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Nền kinh tế tiếp tục được giữ vững và có bước tăng trưởng. Hoạt động thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển đạt được nhiều kết quả, các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng và phát triển. Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí có chuyển biến tích cực. Chính trị xã hội ổn định; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và đảm bảo tạo môi trường thuận lợi, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống nhân dân được nâng cao cả về vật chất và tinh thần, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là kết quả triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk phát triển bền vững khi triển khai thực hiện hiện Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA, tỉnh Đắk Lắk còn gặp một số khó khắn đó là: Đắk Lắk là tỉnh có quy mô kinh tế còn nhỏ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nhiều ngành, lĩnh vực phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Nông nghiệp có nhiều lợi thế nhưng chưa được khai thác thật sự hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thấp, hàng nông sản chủ lực của địa phương chưa có thương hiệu mạnh. Sản phẩm xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu (sản phẩm thô), tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu hàng năm qua chế biến tăng chưa nhiều trong kim ngạch xuất khẩu. Quy mô công nghiệp nhỏ, giá trị sản xuất thấp và chủ yếu là công nghiệp địa phương. Khả năng nắm bắt những thách thức, thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường của các nước thành viên Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA còn giới hạn; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng, khả năng cạnh tranh chưa cao; Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Chưa xây dựng được chuỗi sản xuất theo nhóm sản phẩm từ sản xuất, liên kết sản xuất của các hộ, trang trại… đến tiêu thụ sản phẩm, nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu ra các nước trên thế giới; Các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, nhất là đối với các doanh nghiệp tư nhân còn yếu về trình độ quản trị doanh nghiệp. Chưa quan tâm nhiều đến công tác đào tạo, tập huấn kiến thức về thực thi các Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA.