Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 30/05/2022 03:03
Nghệ được xếp vào hạng mục cây dược liệu ngắn ngày có thể trồng xen canh và trồng chuyên canh. Theo số liệu từ Báo cáo chính thức diện tích, năng suất và sản lượng cây hàng năm của năm 2021, diện tích trồng nghệ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt gần 2.500ha, tập trung nhiều nhất ở các huyện Krông Pắc, Ea Kar, Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Năng.
Các sản phẩm dược liệu trong đó có nghệ trên địa bàn tỉnh đa phần chủ yếu bán ở dạng thô làm nguyên liệu cho các hãng tân dược, phần còn lại được phơi sấy, sơ chế tiêu thụ tại chỗ.
Nghệ và mật ong có thể kết hợp để tạo ra nhiều loại sản phẩm như mật ong chúa và mật ong sữa chúa, nghệ đen, nghệ vàng, viên mật ong, rượu ong....Tuỳ vào mục đích chế biến của sản phẩm nghệ mà từng giống nghệ (đen, vàng) và loại hình quy mô trồng được lựa chọn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có rất nhiều cơ sở chế biến tinh bột nghệ và các sản phẩm có liên quan, trong đó phải kể đến một số hộ và cơ sở nằm trong phong trào khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh như Tinh bột nghệ Tú Anh của Hộ kinh doanh Lê Thị Oanh, huyện Cư Mgar, Tinh bột nghệ Kim Luyến của Hộ kinh doanh Trần Thị Kim Luyến, huyện Cư Mgar.
Tìm hiểu về hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các cơ sở trên, có thể thấy được, nghệ và các sản phẩm liên quan đến nghệ đã có được một vài thành công nhất định trong hoạt động kinh doanh, quy trình sản xuất, lựa chọn giống, thu mua nguyên liệu sẵn có tại địa phương, thậm chí hướng dẫn các hộ nông dân trong việc lựa chọn giống, quy trình canh tác, phân bón cho nghệ để đạt được hàm lượng curcumin nhất định. Đơn cử, ngoài việc xuất khẩu với số lượng nhỏ, các cơ sở này đã đưa sản phẩm của mình đến được với các đối tác nước ngoài như Nhật, Hàn Quốc...thông qua con đường xuất khẩu tại chỗ hoặc bán cho khách du lịch nước ngoài khi đến với địa phương.
Hộ kinh doanh Trần Thị Kim Luyến cho biết, thời kỳ đầu, chị gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu đầu vào do quy mô trồng tản mác, không đạt so với nhu cầu chế biến. Với sự hỗ trợ, động viên của Hội liên hiệp phụ nữ huyện Cư Mgar và tỉnh Đắk Lắk, những năm gần đây, hoạt động thu mua, chế biến của Hộ đã được cải thiện và phát triển. Mỗi năm, hộ sản xuất khoảng 3 tấn tinh bột, sản phẩm tinh bột nghệ của chị đã được đối tác Nhật Bản thu mua hàng kỳ với các xem xét kỹ lưỡng và kiểm soát đầu vào về nguyên liệu, phân bón, quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, hàm lượng curcumin...Hộ kinh doanh được trang bị các loại máy như: máy rửa, máy xay, vắt, lọc dầu, máy khoắng tinh, máy sấy ráo và máy sấy lạnh, sản phẩm của chị Luyến đã được trao chứng nhận “Top 10 thương hiệu Việt Nam năm 2019”, chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021, chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021...
Trong thời gian tới, ngoài việc tìm kiếm thêm phương hướng mới cho việc tiêu thụ, phát triển quy trình chế biến, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm..., thiết nghĩ, những sản phẩm nông sản như nghệ nói chung và cây dược liệu ngắn ngày, lâu năm được trồng trên mảnh đất bazan màu mỡ của tỉnh Đắk Lắk cần được chú trọng và phát triển hơn nữa.
Nguồn tin: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phòng Quản lý thương mại