Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 06/06/2022 05:03
Ngày 03/6/2022 tại Khách sạn Hai Bà Trưng, Tp. Buôn Ma Thuột đã diễn ra Hội thảo khoa học phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Lắk trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Với sự tham gia của Đồng chí Nguyễn Tuấn Hà – Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk; PGS. TS Vũ Văn Phúc – Phó Chủ tịch, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Các nhà khoa học, tiến sĩ đến từ các Viện: Khoa học năng lượng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Công nghệ thông tin và truyền thông CDIT, Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và các đại biểu đến từ đại diện các sở, ban ngành và các doanh nghiệp trên địa bàn
Tại Hội thảo, các bài tham luận đã trình bày cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, ứng dụng công nghệ 4.0 phát triển mô hình năng lượng nông nghiệp công nghệ cao, mô hình nghiên cứu thực tế tại tỉnh Đắk Lắk về kinh tế tuần hoàn từ chất thải, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Lắk từ góc nhìn giản lược hoá, đồng thời, các đại biểu chuyên gia đã trình bày các cơ hội, thách thức, quan điểm, giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam...
Số hoá nền kinh tế là xu hướng tất yếu của nhân loại, cùng với những ưu thế vượt trội của mình, đối với doanh nghiệp, số hoá nền kinh tế giúp làm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí quảng bá sản phẩm, bán hàng...; giúp mở rộng được các thị trường mới, thay đổi cấu trúc các thị trường truyền thống, theo đó, các quan hệ sở hữu trên thị trường truyền thống đang chuyển đổi từ việc đồng nhất giữa sở hữu và chiếm hữu nguồn lực sang việc sở hữu và chia sẻ nguồn lực. Một ưu thế của số hoá nền kinh tế chính là giúp hiện đại hoá công tác điều hành hoạt động của nền kinh tế của Chính phủ, giảm thời gian giao dịch giữa người dân, chính phủ và doanh nghiệp, công đoạn quản lý được hiệu quả hơn.
Các bài tham luận trình bày về nhiều lĩnh vực của nền kinh tế số như: du lịch, tài chính, công nghiệp, dịch vụ, sự kiện, y tế; trong đó, nổi lên chính là việc nhấn mạnh về hoạt động sản xuất số, bao gồm: ứng dụng quản lý tài chính – kế toán cho phép hiển thị và quản lý minh bạch hoạt động tài chính của doanh nghiệp, quản lý nhân sự, quản lý kinh doanh – dự án và đối với hoạt động quản lý, điều hành chung của doanh nghiệp (phần mềm quản lý công việc, tài liệu, hồ sơ, phòng họp, họp trực tuyến...).
Liên quan đến thương mại số, trên cơ sở công nghệ, hoạt động thương mại không còn diễn ra mua bán theo kiểu truyền thống mà chuyển sang hình thức hoạt động giao dịch thương mại dựa trên internet vạn vật, thanh toán không dùng tiền mặt...Thương mại điện tử chỉ là một phần của thương mại số, trong đó bao hàm: sản xuất phân phối, tiếp thị, bán hoặc bàn giao hàng hoá và dịch vụ được hỗ trợ bởi các luồng dữ liệu xuyên biên giới tạo ra giá trị kinh tế cho nền kinh tế trong nước...Nhờ có kỹ thuật số, thương mại số có thể đạt được từ khâu sản xuất theo chủng loại, thị hiếu và theo nhu cầu riêng biệt của khách hàng và các giao dịch có thể được đẩy rộng khắp trên toàn thế giới...theo đó, việc tiếp thị hàng hoá, dịch vụ trở nên dễ dàng và nhanh chóng ở mọi nơi.
Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động sâu rộng, các giải pháp đưa ra bao trùm các lĩnh vực như: nông nghiệp, sản xuất, chế biến, hệ sinh thái nông nghiệp, làm thế nào để nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm cà phê, phát triển nông lâm nghiệp bền vững, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhật ký điện tử – công cụ chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch trong kỉ nguyên số, phát triển ngành công nghệ chế biến gỗ...
Theo Ông Nguyễn Hắc Hiển – Chi cục phó Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, một số kiến nghị đối với hoạt động chuyển đổi số của UBND tỉnh gồm: xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin (phần mềm) dùng chung và định chuẩn về chuyển đổi số, tránh việc chuyển đổi số mỗi nơi 1 cách; thường xuyên tổ chức các đoàn tham quan, học hỏi mô hình chuyển đổi số trong nước và ngoài nước, nâng cao công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức...
Nguồn tin: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phòng Quản lý thương mại