Hiện nay, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng về các loại hình, tần suất xảy ra và diễn biến phức tạp. Để chuẩn bị tốt công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó thiên tai năm 2022, Sở Công Thương Đắk Lắk triển khai thực hiện kế hoạch của Chính phủ về phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Công Thương năm 2022; Phương án ứng phó thiên tai năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Sở Công Thương xây dựng Phương án ứng phó thiên tai với những nội dung chính sau: Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai trước mùa mưa bão năm 2022; tổ chức kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý vận hành đảm bảo an toàn của các công trình điện, hồ chứa thủy điện, kết hợp nhiệm vụ sản xuất với công tác phòng chống thiên tai; Tổ chức kế hoạch dự trữ hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm thiết yếu; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt kế hoạch dự trữ tại chỗ, tổ chức dự trữ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước uống, hàng hoá nhu yếu phẩm cần thiết để sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai, lụt, bão khi có yêu cầu; Chủ sở hữu đập, các đơn vị quản lý vận hành nhà máy thủy điện: Tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng của các hạng mục công trình như đập dâng, công trình xả lũ, cửa nhận nước... các thiết bị cơ khí và thiết bị điện; khắc phục kịp thời các hư hỏng, khiếm khuyết (nếu có) để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão. Rà soát, bổ sung phương án ứng phó thiên tai cho công trình, hạ du đập và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du trong mọi tình huống; Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với các cơ quan có liên quan để vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; tăng cường cảnh báo đến nhân dân vùng hạ du khi vận hành phát điện và xả lũ. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu, thông báo về hồ chứa, vận hành hồ chứa cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định; Phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị với địa phương để thống nhất chỉ huy, điều hành. Kiện toàn tổ chức, lực lượng; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “Bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó thiên tai với hiệu quả cao nhất; tổ chức diễn tập các phương án ứng phó đối với các tình huống thiên tai cơ bản để nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó khi xảy ra thiên tai. Các đơn vị truyền tải, phân phối điện trên địa bàn tỉnh: Rà soát, kiểm tra các công trình, gia cố các vị trí xung yếu đảm bảo an toàn cho công trình khi thiên tai xảy ra, phát quang hành lang tuyến, chặt tỉa cây ngoài hành lang có nguy cơ đổ vào công trình điện theo quy định; chuẩn bị sẵn sàng và tập trung mọi nguồn lực để khắc phục kịp thời mọi sự cố xảy ra, cung cấp điện kịp thời, an toàn sau thiên tai; Xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ an toàn hệ thống nguồn, lưới điện trong mọi tình huống. Xây dựng phương án đảm bảo cấp điện 24/24 giờ phục vụ công tác ứng phó thiên tai và công trình phòng chống thiên tai trọng điểm; Các đơn vị kinh doanh, cung ứng xăng dầu xây dựng phương án bảo đảm an toàn các công trình, cửa hàng xăng dầu. Xây dựng kế hoạch dự trữ, cung ứng xăng dầu cho hệ thống phân phối nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong mùa mưa lũ và sẵn sàng phục vụ các vùng bị thiên tai; Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống thiên tai; tổ chức tốt phương châm “Bốn tại chỗ” trên địa bàn, chủ động khi có tình huống thiên tai xảy ra. Tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chủ động tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng công trình theo quy định; kiểm tra các vị trí xung yếu có nguy cơ gây sự cố thiên tai trên địa bàn để chủ động phương án ứng phó nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản; Phối hợp với các đơn vị quản lý hồ, đập để điều tiết, giảm lũ, xả lũ hợp lý nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc phòng, chống ngập úng, lũ lụt…
Bên cạnh việc phối hợp triển khai thực hiện của các Sở, ngành và các địa phương thì việc nâng cao ý thức, tham gia tích cực của nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó thiên tai là rất quan trọng.