Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Sở Công Thương; đại diện các sở, ngành, địa phương và các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh; các đồng chí nguyên Lãnh đạo Sở Công Thương qua các thời kỳ; và toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở Công Thương.
Năm 2023, ngành Công Thương Đắk Lắk đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất hơn, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng trưởng kinh tế, hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng của tỉnh. Cụ thể, Ngành Công Thương đạt được 04 chỉ tiêu chủ yếu duy trì ở mức tăng trưởng, trong đó 03 chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) duy trì ở mức tăng trưởng cao, tuy không đạt kế hoạch nhưng mức độ tăng trưởng dẫn đầu trong khu vực 05 tỉnh Tây Nguyên; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng trong việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp, có mức tăng trưởng cao 30,97% so năm 2022. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước thực hiện cả năm 2023 đạt 98.000 tỷ đồng, đạt 102,8% kế hoạch năm, tăng 1,4% so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 1.600 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 0,9% so với năm 2022. Kim ngạch nhập khẩu năm 2023 dự kiến thực hiện 370 triệu USD, đạt 370% kế hoạch năm, giảm 8,4% so với năm 2022. Công tác CCHC đạt thành tích cao trong năm 2023, theo công bố chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Đắk Lắk, Sở Công Thương xếp hạng 1/16 sở, ban, ngành, tăng 8 bậc so với năm trước. Công tác chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, kết quả theo công bố xếp hạng Chỉ số chuyển đổi số của cơ quan nhà nước (DTI) trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Đắk Lắk xếp hạng 3/18 các sở, ban, ngành tăng 12 bậc so với năm trước. Mặc dù đạt được nhiều thành công đáng kể trong năm qua, tuy nhiên trong hoạt động ngành cũng còn một số tồn tại hạn chế, đó là: Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 duy trì ở mức tăng trưởng tuy nhiên chưa đạt kế hoạch đề ra. Trong đó một số nguyên nhân, do hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp chưa cao, các dự án ngừng sản xuất, đầu tư dở dang, chậm đầu tư gây lãng phí đất đai chưa có hướng xử lý thấu đáo. Tình hình thế giới có những yếu tố phức tạp mới, nhiều đơn hàng sản xuất bị cắt giảm, hạn chế trong việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào dẫn tới tình trạng giảm công suất hoạt động và thu hẹp quy mô sản xuất một số lĩnh vực chế biến, chế tạo trọng điểm như sản xuất bia, luyện cán thép. Đồng thời, những ảnh hưởng tiêu cực thiên nhiên ảnh hưởng đến công suất hoạt động của các nhà máy thủy điện. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ; năng lực sản xuất còn thấp, chưa xây dựng được chiến lược phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nướccũng như thị trường xuất khẩu. Công nghiệp chế biến chưa có bước phát triển đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững nhất là chế biến các sản phẩm nông sản của Tỉnh. Việc tháo gỡ khó khăn về việc thành lập các cụm công nghiệp mới còn chậm do trong quá trình thực hiện có sự vướng mắc giữa việc áp dụng Nghị định 66/2020/NĐ-CP, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư và Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.
Hội nghị đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình và kết quả phát triển ngành Công Thương trong năm 2023; bàn và thống nhất các giải pháp trọng tâm để tập trung thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện Kế hoạch năm 2024 đã đề ra.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Sở Công Thương cũng đã Tôn vinh và trao giấy chứng nhận cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Năm 2023, Triển khai kế hoạch bình chọn Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk, có 14 huyện, thị xã, thành phố đăng ký tham gia bình chọn cấp tỉnh, với 55 sản phẩm và bộ sản phẩm của 35 đơn vị. Hội đồng bình chọn, Ban giám khảo cấp tỉnh đã xem xét, đánh giá, chấm điểm và báo cáo UBND tỉnh công nhận, cấp Giấy chứng nhận 32 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023 cho 23 Cơ sở công nghiệp nông thôn.
Lãnh đạo trao Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh
năm 2023 cho 23 cơ sở công nghiệp nông thôn
Lãnh đạo tặng hoa chúc mừng các cơ sở công nghiệp nông thôn
đạt Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2023
Đây là những sản phẩm nổi trội, đại diện cho các nhóm ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu, có lợi thế của các địa phương; có giá trị sử dụng cao, tốt về chất lượng, đẹp về hình thức; có thế mạnh, tiềm năng phát triển, mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước. Trong năm Đắk Lắk cũng rất vinh dự có 4 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận và tôn vinh là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.
Ông Nguyễn Tuấn Hà Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh gửi lời chúc mừng đến các cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm được công nhận là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Lãnh đạo tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm hơn nữa trong hỗ trợ đầu tư, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; xúc tiến thương mại, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng; có giải pháp hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đồng thời, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc, thế mạnh ở từng địa phương, từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện hơn nữa. Ngành Công Thương cần khẩn trương xây dựng chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ được giao và tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chỉ tiêu cốt lõi của ngành. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp cơ bản cơ cấu lại ngành Công Thương trên nền tảng công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức ngành Công Thương; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, cải thiện chỉ số cải cách hành chính của ngành, ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số trong điều hành, giải quyết công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; tập trung phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh …
Các đại biểu tham quan gian hàng Trưng bày các sản phẩm đạt Sản phẩm CNNTTB năm 2023