Công Thương Đắk Lắk một năm nhìn lại, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2024!

Chủ nhật - 14/01/2024 22:33
Năm 2023 bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều thách thức tác động ngành công thương; tăng trưởng kinh tế trong nước xu hướng chậm lại, trên thế giới suy thoái kinh tế, rủi ro tài chính, tỷ giá ngoại tệ gia tăng, lạm phát tăng mạnh. Biến động giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu và vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng liên tục tăng cao và nhiên liệu dùng cho sản xuất, đặc biệt là giá xăng, dầu thường xuyên biến động... làm ảnh hưởng đến đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập của người dân, doanh nghiệp.
Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương
Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công Thương
Trong bối cảnh đó,  để cho hoạt động công nghiệp thương mại  của địa phương bền vững, đạt giá trị cao; với sự quyết tâm nỗ lực các cấp, các ngành,  các doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân trong việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi kinh tế, đảm bảo đời sống của người dân. Ngành Công Thương Đắk Lắk đã triển khai thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, của Tỉnh ủy, HĐND và UBND  tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Cụ thể hóa bằng xây dựng, ban hành kế hoạch phát triển ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk, xây dựng các kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện các Chương trình công tác của UBND tỉnh, Chương trình phục hồi, tập trung phát triển ngành công thương  góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, trọng tâm triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo cơ hội cho các sản phẩm đặc sản, chất lượng của tỉnh Đắk Lắk được tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng chuyển đổi số tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, công viên chức, người lao động ngành Công Thương, đặc biệt là sự năng động sáng tạo, đổi mới sản xuất kinh doanh, quyết tâm vượt khó của các doanh nghiệp, năm 2023 ngành Công Thương Đắk Lắk đạt được những thành quả:   
2
Khuyến công nghiệm thu MMTB tại huyện Ea Kar
 Về Công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 12 % so với năm 2022. Các nhà máy sản xuất, chế biến công nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động sản xuất ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì ở mức tăng trưởng cao tăng 30,97% so với cùng kỳ năm 2022, theo đánh giá định kỳ hàng tháng của tổng cục thống kê công bố, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Đắk Lắk thuộc 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.  Trong kỳ, do nhu cầu thị trường giảm nên sản lượng sản xuất sản phẩm bia ước giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Có 01 nhà máy sản xuất dệt, may trang phục đi vào hoạt động góp phần gia tăng mức tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Mức tiêu thụ điện năng ước đạt 2.050 triệu Kwh, tăng 6 % so với cùng kỳ năm 2022. Trên địa bàn tỉnh hiện có 174 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư vào 9 CNN, với tổng diện tích đất 301,58 ha, đất đã cho doanh nghiệp thuê là 248 ha, tỷ lệ lấp đầy 83% diện tích, với tổng số vốn đăng ký đầu tư ban đầu hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó có 111 dự án đang hoạt động với diện tích thuê đất: 142,9 ha; có 25 dự án đang xây dựng, với diện tích thuê đất: 32,6 ha; có 18 dự án đang làm thủ tục đầu tư, với diện tích đất: 38,18 ha; có 13 dự án tạm ngưng hoạt động, không đầu tư xây dựng với diện tích đất: 35,44 ha; có 7 dự án đăng ký đầu tư với diện tích đất: 15,4 ha.
 Các dự án đầu tư hệ thống lưới điện và trạm biến áp đang triển khai gồm: Dự án trạm 110kV Buôn Đôn và đấu nối, Đường dây 220kV Krông Búk - Nha Trang mạch 2 (Đang thực hiện phần đền bù, GPMB); TBA 110kV Buôn Đôn (Đang thực hiện phần đền bù, GPMB). Các dự án chuẩn bị triển khai: Lắp máy biến áp T2 TBA 110 kV Krông Năng; Đường dây 110 kV Hòa Bình 2 - Buôn Đôn; TBA 110 kV Lăk và đấu nối; TBA 110 kV M' Đrắk và đấu nối.
Trên địa bàn tỉnh, hiện có 20 dự án thủy điện đang hoạt động với tổng công suất 833 MW;  02 dự án điện gió công suất 428,8 MW đã đưa vào vận hành phát điện thương mại. Cụm dự án Nhà máy điện gió Krông Búk 1, Krông Búk 2, Cư Né 1 và Cư Né 2 với tổng công suất 200MW, tổng mức đầu tư dự kiến 7.878 tỷ đồng, khởi công năm 2021, dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2024; Có 10 dự án với công suất 1.024 MWp đã đưa vào vận hành phát điện thương mại, góp phần tăng thêm công suất cho lưới điện quốc gia; có 5.379 công trình điện mặt trời mái nhà đã phát điện thương mại với tổng công suất 650,17 MWp.
dien gio 3
Về Thương mại tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước thực hiện cả năm 2023 đạt 98.000 tỷ đồng, đạt 102,8% kế hoạch năm, tăng 1,4% so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 1.600 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 0,9% so với năm 2022. Kim ngạch nhập khẩu năm 2023 dự kiến thực hiện 370 triệu USD, đạt 370% kế hoạch năm, giảm 8,4% so với năm 2022. Hoạt động thương mại diễn ra sôi động, thị trường trong nước ổn định, giá cả một số mặt hàng nhu yếu phẩm có xu hướng tăng nhẹ, tuy nhiên, không xảy ra tình trạng khan hiếm hoặc tăng giá đột biến. Trong năm, hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh, các siêu thị thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu với lượng dự trữ đầy đủ, bảo đảm sự chi phối, dẫn dắt và định hướng giá thị trường ổn định. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ duy trì tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.
Trong những năm qua, hạ tầng thương mại ở Đắk Lắk được chú trọng phát triển, các dự án chợ, trung tâm thương mại, siêu thị... được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư. Do đó đã thúc đẩy xã hội hóa đầu tư các chợ cũng như các trung tâm thương mại, siêu thị...; Về mô hình thương mại truyền thống (Chợ): Tỉnh hiện có 149 chợ, trong đó có 2 chợ hạng 1, 15 chợ hạng 2 và 131 chợ hạng 3 và 01 chợ đầu mối. Như vậy, trong vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk là Tỉnh có nhiều chợ nhất, chiếm khoảng 37% tổng số chợ của cả Vùng; Về mô hình bán lẻ hiện đại, trên địa bàn Tỉnh có 08 siêu thị tổng hợp, 03 TTTM. Tỉnh Đắk Lắk là địa phương có số trung tâm thương mại nhiều nhất trong vùng Tây Nguyên..Các siêu thị lớn trên địa bàn đều tạo dựng được uy tín, có sức ảnh hưởng và chi phối, dẫn dắt thị trường ổn định, bên cạnh thực hiện việc kinh doanh còn có trách nhiệm với xã hội, tham gia bình ổn thị trường, thực hiện một số nhiệm vụ chính trị được giao về thực hiện Cuộc vận động Người VN ưu tiên dùng hàng VN, đưa hàng Việt về nông thôn...Hệ thống cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng thương mại của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh được hình thành và chủ yếu tập trung ở dọc các đường quốc lộ, tỉnh lộ và đặc biệt ở các đường phố trung tâm trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và ở trung tâm các huyện, thị xã. Tại vùng miền núi và nông thôn vùng sâu có các cửa hàng và đại lý cung cấp các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân. Dịch vụ logistic: Mạng lưới cơ sở vật chất phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu bao gồm hệ thống kho bãi giao nhận vận tải và cung cấp các dịch vụ logistic nhìn chung còn hạn chế;  Trung tâm dịch vụ logistic phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, như kho ngoại quan, kho bảo thuế, kho gom hàng xuất khẩu (kho hàng container), cảng cạn (ICD - Inland Container Depot) ở địa bàn Đắk Lắk đang trong giai đoạn quy hoạch và chuẩn bị hình thành.
z5085191922098 8360adaa2961837ef27ee3af8bd3dfe6
Bên cạnh kết quả đạt được ngành Công Thương còn những tồn tại như Hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp trong năm chưa cao, các dự án ngừng sản xuất, đầu tư dở dang, chậm đầu tư gây lãng phí đất đai chưa có hướng xử lý thấu đáo; Các dự án đầu tư còn gặp khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 duy trì ở mức tăng trưởng tuy nhiên chưa đạt kế hoạch đề ra. Hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp chưa cao, các dự án ngừng sản xuất, đầu tư dở dang, chậm đầu tư gây lãng phí đất đai chưa có hướng xử lý thấu đáo. Tình hình thế giới có những yếu tố phức tạp mới, nhiều đơn hàng sản xuất bị cắt giảm, hạn chế trong việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào dẫn tới tình trạng giảm công suất hoạt động và thu hẹp quy mô sản xuất một số lĩnh vực chế biến, chế tạo trọng điểm như sản xuất bia, luyện cán thép. Đồng thời, những ảnh hưởng tiêu cực thiên nhiên ảnh hưởng đến công suất hoạt động của các nhà máy thủy điện. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ; năng lực sản xuất còn thấp, chưa xây dựng được chiến lược phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nướccũng như thị trường xuất khẩu. Công nghiệp chế biến chưa có bước phát triển đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững nhất là chế biến các sản phẩm nông sản của Tỉnh. Việc tháo gỡ khó khăn về việc thành lập các cụm công nghiệp mới còn chậm do trong quá trình thực hiện có sự vướng mắc giữa việc áp dụng Nghị định 66/2020/NĐ-CP,Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư và Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.  
z5083160224986 0c88bff2cbf547fce41908672ccea027
Ngành Công Thương Đắk Lắk bước vào nhiệm vụ năm kế hoạch với nhiều thời cơ và thách thức đan xen trong bối cảnh những khó khăn từ đầu năm 2023 vẫn kéo dài qua năm 2024 và dự báo còn ảnh hưởng đến năm 2025. Kinh tế thế giới đối mặt với đa khủng hoảng. Việt nam là nước đang phát triển do vậy việc khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam, nhất là một tỉnh mà nền nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế như tỉnh ta; nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh chịu ảnh hưởng tiêu cực cả trực tiếp lẫn gián tiếp, đặc biệt là hoạt động dịch vụ, xuất khẩu, tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp; giá cả một số sản phẩm cây công nghiệp, nông sản chủ lực của tỉnh vẫn ở mức thấp, diễn biến thời tiết thất thường, trong khi đó giá vật tư nông nghiệp, nguyên nhiên vật liệu không ngừng tăng cao làm ảnh hưởng rất lớn dến hoạt động sản xuất, kinh doanh tiêu thụ hàng hóa. Để hoàn thành đạt và vượt kế hoạch được giao, trước những thử thách như trên, ngoài duy trì tực hiện nhiệm vụ thường xuyên của mình, ngành Công Thương tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp dự kiến thực hiện 112%, tăng trưởng 12% so với năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ dự kiến thực hiện 99.800 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến thực hiện trên 1.600 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu dự kiến thực hiện 105 triệu USD.
Ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển bền vững, trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh, thúc đẩy các ngành nông, lâm nghiệp, xây dựng, dịch vụ phát triển góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để cung ứng đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân trong tỉnh, nhất là trong dịp tết nguyên đán sắp đến.
z5085191929826 d832ef03ce86fa416883b7e257cc306a
Phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng cơ cấu phát triển công nghiệp theo chiều sâu. Chuyển dần các ngành công nghiệp chế biến thô, sử dụng nhiều lao động, sang các ngành công nghiệp chế biến tinh, tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; chú trọng phát triển công nghiệp xanh nhằm tạo môi trường bền vững; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm chi phí đầu vào cho các ngành công nghiệp khác, tạo tiền đề cho kêu gọi đầu tư và phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho khu vực Tây Nguyên; Đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển cơ khí tỉnh, lựa chọn thu hút đầu tư một số dự án có tính khả thi cao, tập trung vào các ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp, phục vụ xây dựng các nhà máy công nghiệp trên địa bàn; Tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp dệt may; công nghiệp da giày và một số ngành công nghệ cao; năng lượng tái tạo; Xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, trong đó chú trọng chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, chương trình đồng bộ phát triển và nâng cấp cụm ngành, chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh; Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính, tín dụng đối với các doanh nghiệp công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Triển khai chính sách thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển cơ sở công nghiệp nông thôn thông qua hoạt động khuyến công góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động tại địa bàn nông thôn;  Rà soát chấn chỉnh lại các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp triển khai đầu tư; rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư về năng lượng tái tạo, chế biến..
z5085191911911 d0a6fdb3457b49b3cfc07b8ae2e9e83f
Về lĩnh vực thương mại: Hướng dẫn và có các biện pháp hỗ trợ phù hợp để các doanh nghiệp công nghiệp tham gia có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Tích cực tháo gỡ các rào cản, chống các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. Phát triển các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại; xây dựng và thực thi Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và của tỉnh đối với các sản phẩm công nghiệp; Phát triển mạnh các loại hình thương mại và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Khai thác và phục vụ tốt thị trường trong tỉnh, kết hợp với đẩy mạnh giao lưu hàng hóa với các tỉnh để mở rộng thị trường. Đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị quy mô lớn, hiện đại tại các địa bàn trọng điểm có đông dân cư và các khu đô thị mới; Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng trung tâm Logistics giúp hoạt động lưu thông và phân phối hàng hóa đạt hiệu quả, khắc phục ảnh hưởng của các yếu tố cự ly, thời gian và chi phí sản xuất, vận chuyển, góp phần đáng kể vào việc phân bố các ngành sản xuất một cách hợp lý để đảm bảo sự cân đối và tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế của tỉnh; Triển khai quảng bá, xúc tiến các mặt hàng của tỉnh thông qua các cuộc hội chợ, triển lãm có tính khu vực và quốc tế, đặc biệt là tổ chức các sự kiện như Festival Cà phê, hội chợ Công thương thương khu vực Tây Nguyên... nhằm giới thiệu các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, tổ chức hội chợ triển lãm hàng năm và các sự kiện quan trọng của tỉnh; Tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng một số dự án có tính chất trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản như: Trung tâm logistic, chợ đầu mối nhằm tăng khả năng tiếp cận giữa người bán và người mua, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản một cách bền vững và tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Trong quy hoạch sử dụng đất phải dành quỹ đất cho xây dựng mạng lưới chợ, từng bước xóa bỏ chợ tạm, chuyển đổi công năng các chợ hoạt động không hiệu quả, nâng cấp, chỉnh trang xây dựng các chợ trung tâm huyện, thành phố; Đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa trong xây dựng hạ tầng thương mại. Đối với các chợ do Nhà nước quản lý từng bước chuyển đổi mô hình ban quản lý, tổ quản lý… sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý kinh doanh chợ để nâng cao hiệu quả đầu tư và hoạt động chợ; Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa tiêu thụ sản phẩm đến các tỉnh, thành trong nước; tăng cường thực hiện các hoạt động xúc tiến chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các phiên chợ hàng Việt phục vụ công nhân, nông dân và hội chợ triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao; hội chợ mua sắm cuối năm hoặc hỗ trợ kinh phí để tổ chức các chuyến hàng lưu động đưa hàng hóa phục vụ nhân dân ở vùng sâu, vùng xa nhằm đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về khu vực nông thôn. Đồng thời, tham gia phát triển mặt hàng theo định hướng và theo thị trường mục tiêu được lựa chọn hàng năm; Tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu đến các doanh nghiệp các hiệp định thương mại song phương, đa phương đã ký kết để doanh nghiệp tranh thủ cơ hội, khai thác các ưu đãi nhằm củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu. Chủ động tham gia các chương trình hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành phố giữa các vùng, miền nhằm tạo nguồn sản phẩm cho xuất khẩu.
z5085191910848 454a942fcd2ed264d34c2a91f715f9de
Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến thương mại có trọng tâm trọng điểm; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường không gian mạng, tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; định hướng cho doanh nghiệp chủ động nghiên cứu các tiêu chuẩn của từng thị trường, chung quy lại là sản xuất xanh – sạch – thân thiện với môi trường và trách nhiệm với xã hội.
 
 

Tác giả: Mai Thanh - TTKC:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây