Theo đó, Kế hoạch yêu cầu thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Công tác dự trữ, điều tiết, cung ứng hàng hóa phòng, chống thiên tai cần có sự phối hợp đồng bộ, kịp thời giữa các sở, ngành, các cơ quan liên quan; đặc biệt vai trò chủ động phối hợp, xây dựng phương án, kế hoạch, điều tiết kịp thời của UBND các huyện, thị xã, thành phố. Khi xảy ra thiên tai, bão lụt hoặc thị trường có biến động, kịp thời điều tiết hàng hóa, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ.
* Nội dung thực hiện:
Tình hình cung cầu và hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk: Tỉnh Đắk Lắk có 149 chợ; 04 trung tâm thương mại; 08 siêu thị; 01 doanh nghiệp sản xuất gạo và khoảng 475 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Để đảm bảo thực hiện các biện pháp ứng phó và hạn chế ảnh hưởng của thiên tai đến nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, Sở Công Thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, theo dõi diễn biến cung cầu hàng hoá trên thị trường. Do vậy, trong thời gian qua tình hình cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân cơ bản đáp ứng đủ, ổn định, không có hiện tượng khan hiếm và tăng giá đột biến.
Kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phòng chống thiên tai, lũ lụt: Mỳ ăn liền 118.641 thùng, lương khô 10.160 thùng, gạo 477,8 tấn, nước uống đóng chai 30.650 thùng và 539 tấn các mặt hàng thiết yếu khác. Xăng 1.880.000 lít, dầu diezen 2.190.000 lít.
Các đơn vị tham gia dự trữ hàng hóa: Mặt hàng lương thực (gạo), lương khô, thực phẩm khác: Hệ thống các siêu thị như: Co.op Mart Buôn Ma Thuột; Co.op Mart Buôn Hồ; Co.op Mart Cư Mgar; siêu thị Go; MM Mega Market; Siêu thị VinMart; hệ thống Bách Hoá Xanh…Nước uống đóng chai: Ngoài dự trữ của hệ thống các siêu thị, một số cơ sở sản xuất nước đóng chai khác trên địa bàn (như Dawa, Serepok…) vẫn duy trì sản xuất thường xuyên, với số lượng lớn, đảm bảo ổn định nguồn hàng phục vụ nhân dân khi có sự cố xảy ra dài ngày.
Nhiên liệu: Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên; Chi nhánh 4- Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Nai tại Tây Nguyên và hệ thống các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hằng năm của từng địa phương, trong đó có kế hoạch dự trữ và cung ứng hàng hóa tại chỗ trong trường hợp xảy ra thiên tai, bão lụt.
Phương án dự trữ hàng hoá thiết yếu: Chủ yếu được dự trữ tại các cửa hàng, các siêu thị, cơ sở sản xuất và kho của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, các siêu thị, cơ sở sản xuất đóng chân trên địa bàn chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, đồng thời tính toán dự trữ chuẩn bị một lượng hàng hoá thiết yếu nhất định. Chủ động xây dựng phương án bảo quản hàng hoá tại kho hàng, tại điểm kinh doanh và cung ứng khi có sự cố thiên tai bão lụt xảy ra (theo phương châm 4 tại chỗ). Chủ động phân nhỏ lượng hàng dự trữ ở các kho khác nhau, gia cố đảm bảo an toàn, chống ngập lụt, đặc biệt ưu tiên khu vực vùng trũng, thấp, dễ bị chia cắt. Sở Công Thương làm việc với các đơn vị tham gia cung ứng hàng hóa, đảm bảo nguồn hàng cung ứng trong trường hợp cần thiết. Phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống các hành vi lợi dụng thiên tai để đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý và thu lợi bất chính, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
*Tổ chức thực hiện:
Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu: Đối với các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ: Chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh, cung ứng, dự trữ hàng hóa của đơn vị mình, đảm bảo hoạt động cung ứng hàng hóa xuyên suốt, liên tục. Đồng thời tăng cường các kênh bán hàng trực tuyến: Hotline, Zalo, Facebook,... để phục vụ người dân. Đối với các doanh nghiệp xăng dầu: Chủ động dự trữ và có phương án cung ứng xăng dầu cho toàn hệ thống đại lý bán lẻ xăng dầu và các cửa hàng trực thuộc, đặc biệt chú trọng đến khu vực thường xảy ra thiên tai, lũ lụt, khu vực có nhiều công trình trọng điểm đang thi công, đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh và an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh sản xuất, tăng cường dự trữ hàng hóa thường xuyên tại cơ sở; không lợi dụng tình hình thiên tai, lụt bão để tăng giá thu lợi bất chính.
Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chủ động xây dựng Kế hoạch dự trữ hàng hoá phòng chống thiên tai, bão lụt phù hợp với tình hình của từng địa phương. Chủ động nắm tình hình dự trữ hàng hoá thiết yếu của các nhà phân phối, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn để chủ động cung cầu hàng hoá tại chỗ trong mùa mưa bão. Chỉ đạo Ban quản lý các chợ và các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra, giám sát thị trường hàng hóa trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ và các hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan.
Sở Công Thương cũng sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường trong mùa mưa bão, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình thiên tai, lụt bão, khan hiếm hàng hoá để tăng giá thu lợi bất chính, các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; Đôn đốc các doanh nghiệp chuẩn bị tốt việc sản xuất, dự trữ hàng hoá thiết yếu; phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố nắm bắt tình hình cung cầu, hàng hóa trên địa bàn để kịp thời triển khai phương án đảm bảo hàng hóa, phục vụ nhu cầu người dân.