Những năm gần đây, tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, mực nước tại các hồ chứa
thủy điện tại Đắk Lắk có nhiều biến động, một số thời điểm tăng cao đột biến... Trong mùa mưa năm nay, công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn hồ đập, vùng hạ du được các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đặt lên hàng đầu, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, mưa lũ.
Trên địa bàn Đắk Lắk hiện có 20 nhà máy thuỷ điện đã và đang vận hành và 05 nhà máy thuỷ điện trên địa bàn tỉnh khác có chung lưu vực sông hoặc đấu nối vào lưới điện truyền tải của cả hệ thống điện tỉnh. Hàng năm, các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được khoảng 3,5 - 4,5 tỷ KWh/năm, góp phần bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng nhu cầu cung cấp điện trên điện bàn; việc đầu tư phát triển thuỷ điện đã khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh, đem lại hiệu quả và đã đóng góp nguồn thuế ổn định cho tỉnh như thuế VAT khoảng 300-500 tỷ/đồng/năm; thuế tài nguyên nước khoảng 70-80 tỷ đồng/năm.
Theo Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia, trước tình hình biến đổi khí hậu cực đoan như hiện nay, từ tháng 9-11 năm 2023, bảo và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó có các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên.
Giải pháp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước thuỷ điện phải đảm bảo an toàn công trình hồ đập thuỷ điện, công trình đầu mối, thiết bị cơ khí thuỷ công, nguồn điện dự phòng trong mùa mưa lũ; góp phần giảm lũ cho phía hạ du thuỷ điện và không gây biến động dòng chảy vùng biên giới; đảm bảo hiệu quả cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân phía hạ du thuỷ điện và đảm bảo hiệu quả, phát điện, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối.
Đồng thời triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân có liên quan về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa thuỷ điện để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện.