Theo đó, Hiệp hội đã thành lập 2 hội đồng đánh giá chất lượng cà phê (mỗi niên vụ 1 hội đồng) với sự tham gia của các chuyên gia thử nếm có chứng nhận quốc tế. Vào mùa thu hoạch cà phê, thành viên của hội đồng xuống tận vườn của các nông hộ tham gia sản xuất cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột để thu hái và sơ chế, chế biến cà phê theo quy trình nhất định. Sau đó, các mẫu cà phê được các chuyên gia thử nếm kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn quốc tế. Qua 130 mẫu kiểm nghiệm chất lượng của 2 niên vụ cho thấy có trên 10% số mẫu cà phê đạt trên 80 điểm theo thang đánh giá chất lượng cà phê Robusta của Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới (Specialty Coffee Assiciation - SCA). Điều đó có nghĩa là những vườn cà phê nằm trong số 10% mẫu trên là những nguyên liệu lý tưởng để sản xuất sản phẩm cà phê đặc sản. Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, từ trước đến nay việc đánh giá chất lượng cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột chủ yếu mới chỉ đánh giá ở phương diện các chỉ tiêu chất lượng vật lý: màu sắc, cỡ sàng, mùi vị chung... Đánh giá chất lượng theo cách thử nếm còn hạn chế và chủ yếu được các chuyên gia trong nước thực hiện hoặc người tiêu dùng bình chọn. Việc gửi mẫu cho các chuyên gia thử nếm thế giới đánh giá chất lượng rất hạn chế do thiếu kinh phí nên tính thuyết phục chưa cao. Do đó, việc tổ chức khảo sát, lấy mẫu để các chuyên gia có bằng chứng nhận thử nếm quốc tế đánh giá lần này mang ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển chung của ngành cà phê Việt Nam cũng như việc quảng bá, nâng tầm hạt cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.
Nông dân huyện Krông Pắc thu hoạch cà phê.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cà phê, thị trường cà phê hiện nay đang phân chia ra nhiều phân khúc khác nhau bao gồm cà phê đặc sản cao cấp, cà phê cùng một nguồn gốc có chỉ dẫn địa lý, cà phê bền vững có chứng nhận. Hiện nay, Đắk Lắk đã và đang sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, cà phê mang chỉ dẫn địa lý. Việc tham gia thị trường cà phê đặc sản là một bước tiến mới của ngành trong việc khẳng định chất lượng cà phê Robusta được sản xuất ở Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Các vùng nguyên liệu đạt trên 80 điểm có thể sản xuất dòng cà phê theo phân khúc hẹp cao cấp – cà phê đặc sản đáp để ứng nhu cầu của một lượng khách hàng cao cấp nhất định.
Cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột có màu xanh xám, xanh lục hoặc xám lục nhạt; kích thước dài 10-11mm, dày 3-4mm; khi rang đến độ chín thích hợp thì có hương thơm đặc trưng của cà phê, vị nước đắng dịu, không chát; hàm lượng cafein từ 2-2,2% chất khô. |
Rõ ràng, con đường từ tiềm năng đến sản phẩm ngoài thị trường rất khó bởi nó đòi hỏi quy trình sản xuất, chế biến nghiêm ngặt từ giống, quy trình trồng, chăm sóc, chế biến và lấy mẫu đánh giá phải thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, đây là một hướng mở, có thể sản xuất cà phê đặc sản theo quy mô nông hộ hoặc quy mô công nghiệp với nhiều dòng sản phẩm khác nhau như cà phê mật ong, cà phê chế biến ướt, cà phê truyền thống. Chi phí sản xuất cà phê đặc sản sẽ cao hơn so với cà phê thông thường bởi vườn cây phải được chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản theo một quy trình nhất định để giữ được hương vị thơm, ngon vốn có của nó nhưng khi tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao, tiếp cận được phân khúc hẹp, cao cấp thì sản phẩm sẽ mang một giá trị khác, xứng tầm của nó. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp quan tâm đến việc phát triển sản phẩm cà phê đặc sản như Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Kiết… Do đó, nông dân khi phát triển được mạng lưới vườn cây đáp ứng tiêu chuẩn cà phê đặc sản có thể bán trực tiếp cho các nhà rang xay trong nước để gia tăng giá trị cho vườn cây của mình.
Chế biến cà phê tại một doanh nghiệp ở huyện Cư M’gar.
Trong giới rang xay cà phê thì từ trước đến nay Robusta chủ yếu được xem như là một dạng nguyên liệu phối trộn với Arabica để sản xuất cà phê thành phẩm. Tuy nhiên, sự kiểm nghiệm chất lượng cà phê Robusta có thể sản xuất ra cà phê đặc sản bởi các chuyên gia thử nếm có chứng nhận quốc tế đã chứng minh được rằng, chất lượng cà phê Robusta cũng không thua kém gì Arabica, từ đó thay đổi cách nhìn của các “thượng đế” đối với dòng cà phê này. Lẽ dĩ nhiên, để khẳng định chất lượng cà phê Robusta thì ngành cà phê Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng đây sẽ là dấu mốc quan trọng để giúp ngành cà phê bước sang một trang mới trong tiến trình phát triển của mình.
Tác giả: Phan Hữu Thành - TTKC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn