Từ ngày 07 đến ngày 10/6/2018, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và các cuộc tiếp xúc song phương với Canada như: hội đàm với Thủ tướng Canada Trudeau, gặp Toàn quyền Canada, thăm và làm việc tại Đại học Laval, tổ chức “Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Canada”... Qua các buổi tiếp xúc cho thấy nhiều triển vọng, cơ hội trong việc phát triển quan hệ thương mại Việt Nam – Canada.
Việt Nam – Đối tác ưu tiên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Canada
Trong chiến lược toàn cầu, Canada ngày càng chú trọng tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Canada đã chủ động kết nối, gia tăng vai trò và ảnh hưởng của Canada trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc tham gia Hiệp định CPTPP, thảo luận Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Canada, tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu và chống khủng bố, tích cực vận động để trở thành thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).... Trong những bước đi chiến lược của Canada, Việt Nam trở thành một trong số các đối tác ưu tiên của Canada.
Năm 2017 là năm đặc biệt trong quan hệ hai nước với nhiều sự kiện được tổ chức để kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (21/8/1973 – 21/8/2018). Nhìn lại cả chặng đường phát triển, Việt Nam và Canada đã cùng nhau nỗ lực hợp tác và đạt được thành quả vô cùng to lớn trên tất cả các lĩnh vực và trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trudeau vào tháng 11 năm 2017, hai nước đã thống nhất nâng tầm quan hệ lên đối tác Toàn diện, mở ra nhiều cơ hội trong hợp tác về thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp hai nước.
Việt Nam cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh
Tại “Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Canada” với hơn 100 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và Canada tham dự, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, Việt Nam quyết tâm “xây dựng Chính phủ liêm chính và hành động kiến tạo”. Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách để môi trường đầu tư và kinh doanh ngày một tốt hơn, cam kết bảo vệ sở hữu trí tuệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, ưu tiên công nghệ cao. Việt Nam cũng đang tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, kể cả các lĩnh vực quan trọng như: điện, hàng không, dầu khí, viễn thông… Vì vậy, cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Việt Nam cho doanh nghiệp Canada là rất nhiều.
Theo thống kê của Tổng cục hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng từ 790 triệu USD năm 2010 lên 2,7 tỷ USD năm 2017, tăng 343%. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Canada đạt 3,49 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Canada đạt 1,1 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 819,8 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 302,8 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada gồm: hàng dệt may; giày dép; thủy sản; hạt điều; túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù; sản phẩm từ sắt thép… Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Canada là các sản phẩm đầu vào cho sản xuất, bao gồm: lúa mì; đậu tương; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phân bón các loại; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy; gỗ và sản phẩm từ gỗ… Từ cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu chính của hai nước cho thấy, cơ cấu ngành hàng của Việt Nam và Canada có sự bổ sung cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp. Đây là yếu tố thuận lợi trong hợp tác thương mại giữa hai nước, nhất là khi Hiệp định CPTTP có hiệu lực.
Giải đáp trước câu hỏi của doanh nghiệp Canada về cải cách của Việt Nam trong thuận lợi hóa thương mại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đang mạnh mẽ mở cửa nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đến nay, Việt Nam đã ký 12 FTA với các đối tác lớn, tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu cho các nhà đầu tư, thuế suất nhập khẩu vào Việt Nam cùng từng bước được cắt giảm. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin thêm: “Riêng CPTPP, chúng tôi cam kết cắt giảm 98% số dòng thuế trong 10 năm. Đó là sự khuyến khích khổng lồ với các nhà xuất khẩu Canada. Việt Nam và các nước thành viên cũng có thể tận dụng CPTPP để khai thác thị trường Canada. Qua Hiệp định này, hai nước có thể hình thành những chuỗi giá trị mới trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới, đặc biệt là những chuỗi giá trị cho phép khai thác thế mạnh của Việt Nam và Canada, đồng thời đóng góp cho quá trình tự do hóa thương mại dựa trên các nguyên tắc của hợp tác đa phương và của Tổ chức Thương mại thế giới”. Để tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam đang tiếp tục cải cách chính sách quản lý xuất nhập khẩu, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm với đa số các mặt hàng. Ngoài ra, Việt Nam cũng cải thiện môi trường kinh doanh. Bộ Công Thương vừa qua đã mạnh dạn cắt bỏ hơn 600 điều kiện kinh doanh, trong đó, nhiều ngành nghề không hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài.
Tác giả: Mai thanh - TTKC
Nguồn tin: (Theo Bộ Công Thương):
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn