Với nhu cầu xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc ngày càng phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, bài viết này cung cấp các thông tin cơ bản về việc đăng kí bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc cho các doanh nghiệp có nhu cầu được biết và thực hiện.
Hiện nay, việc Đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc có thể được thực hiện thông qua hai cách:
* Nộp đơn đăng ký trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc, là China National Intellectual Property Administration (CNIPA).
* Chỉ định bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc thông qua Hệ thống Madrid.
Hệ thống Madrid là một hệ thống quốc tế về nhãn hiệu và chịu sự quản lý của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (viết tắt là WIPO). Theo nguyên tắc hoạt động của hệ thống này, Văn phòng quốc tế sẽ chỉ chịu trách nhiệm kiểm tra tính phù hợp về hình thức của đơn đăng ký. Thẩm quyền xem xét nội dung đơn đăng ký (kiểm tra tính phù hợp với quy định pháp luật quốc gia về đăng ký nhãn hiệu) và cấp Văn bằng bảo hộ vẫn thuộc về Văn phòng Sở hữu Trí tuệ của Trung Quốc. Như vậy, trong trường hợp người nộp đơn mong muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nhiều quốc gia thì hệ thống Madrid sẽ là hệ thống mang lại hiệu quả về chi phí và thống nhất thủ tục.
Đối với trường hợp đăng ký bảo hộ trực tiếp tại Trung Quốc, tương tự như Việt Nam, việc nộp đơn bắt buộc được thực hiện thông qua một đơn vị cung cấp dịch vụ về đăng ký nhãn hiệu được thành lập theo quy định của pháp luật Trung Quốc.
Thẩm quyền thẩm định nội dung của đơn đăng ký và quyết định cấp Văn bằng bảo hộ luôn thuộc về cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc. Nếu chỉ có nhu cầu đăng ký bảo hộ tại một quốc gia, lựa chọn đăng ký trực tiếp tại Trung Quốc có thể giúp chủ đơn tiết kiệm thời gian, chi phí hơn so với việc đăng ký thông qua hệ thống Madrid.
Khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc, người nộp đơn sẽ phải đăng ký nhóm hàng hóa, dịch vụ mong muốn bảo hộ nhãn hiệu. Việc phân loại nhóm hàng hóa dịch vụ khi đăng ký nhãn hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc xác định phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu.
Tương tự như tại Việt Nam, hiện nay, hàng hóa dịch vụ sẽ được phân nhóm dựa trên Bảng phân nhóm quốc tế hàng hóa dịch vụ Nice. Sau đó, hàng hóa dịch vụ trên tiếp tục được phân nhóm dựa trên căn cứ phân nhóm do cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc ban hành.
Các bước thực hiện đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc:
Kiểm tra khả năng phân biệt của nhãn hiệu (tra cứu nhãn hiệu)
Kiểm tra tính phân biệt của nhãn hiệu là một trong những bước đầu tiên cần phải thực hiện khi làm thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Nhìn chung, một nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt với nhãn hiệu đã được đăng ký trước đó và không được mang các dấu hiệu thuộc trường hợp không được bảo hộ.
Việc chủ động kiểm tra khả năng phân biệt của nhãn hiệu hoàn toàn không bắt buộc và có khả năng làm phát sinh một số chi phí khác nằm ngoài dự kiến của người nộp đơn. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo các khâu thủ tục tiếp theo diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả cao, người nộp đơn nên cân nhắc thực hiện đối chiếu nhãn hiệu dự kiến đăng ký bảo hộ với nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Trung Quốc.
Người nộp đơn có thể chủ động tra cứu thông qua trang thông tin danh mục nhãn hiệu đã được bảo hộ tại trang web của Cục quản lý sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc (China National Intellectual Property Administration – CNIPA) hoặc liên hệ với các đơn vị cung cấp dịch vụ tra cứu nhãn hiệu tại Trung Quốc trong trường hợp không thể tự tiến hành tra cứu.
Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu
Sau khi hoàn tất giai đoạn kiểm tra nhãn hiệu, người nộp đơn sẽ bắt đầu chuẩn bị hồ sơ và tiến hành nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu. Theo quy định hiện nay, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu bắt buộc phải được soạn thảo bằng ngôn ngữ Trung Quốc. Đây là một trong những nguyên nhân mà người nộp đơn nước ngoài thường được khuyên là nên thuê bên cung cấp dịch vụ đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc thực hiện các công việc trong quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc.
Thông thường, bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu sẽ bao gồm các tài liệu sau:
Giấy ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc. Giấy ủy quyền này không cần phải công chứng hoặc hợp pháp hóa lãnh sự; Tờ khai đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc; Mẫu nhãn hiệu hàng hóa dịch vụ; Tài liệu về thông tin của chủ đơn đăng ký nhãn hiệu, bao gồm một bản sao chứng thực bản dịch tiếng Anh của Giấy phép đăng ký kinh doanh của chủ đơn, tên và địa chỉ của chủ đơn theo tiếng Trung và tiếng Anh; Bản mô tả nhãn hiệu và phân nhóm danh mục hàng hóa/dịch vụ theo bảng phân loại Nice; Bản sao có chứng thực của tài liệu xác nhận quyền ưu tiên (nếu có); Lệ phí. Tùy từng trường hợp cụ thể khi xử lý đơn mà cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc có thể yêu cầu chủ đơn phải cung cấp thêm các tài liệu khác. Đối với lệ phí đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn đăng ký trực tiếp tại Trung Quốc sẽ phải chịu một số khoản phí cơ bản gồm:
Lệ phí Nhà nước: Về thông tin lệ phí chi tiết, người nộp đơn có thể tham khảo thông tin tại trang web do Cục quản lý sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc công bố.
Các khoản phí dịch vụ: Người nộp đơn là người nước ngoài bắt buộc phải thuê một đơn vị cung cấp dịch vụ đăng ký nhãn hiệu của Trung Quốc (đại diện sở hữu công nghiệp) nên sẽ phải chịu thêm chi phí dịch vụ này. Khoản phí này có thể có sự chênh lệch tùy thuộc vào đơn vị dịch vụ mà người nộp đơn lựa chọn.Quy trình đăng ký nhãn hiệu tại Trung Quốc thường sẽ mất từ 14-18 tháng tính từ ngày nộp đơn, chủ yếu trải qua 02 giai đoạn chính sau đây:
Thẩm định hình thức: từ 01 đến 02 tháng kể từ ngày nộp đơn. Trường hợp hình thức đơn đăng ký đáp ứng yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ;
Thẩm định nội dung: từ 9 đến 12 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.
Sau khi hoàn tất thẩm định, đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được công bố. Trong vòng 03 tháng kể từ ngày xuất bản, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có thể nộp đơn phản đối đơn đăng ký của bạn. Hết thời hạn này, nếu không có sự phản đối nào, việc đăng ký sẽ được công bố trong Đăng ký nhãn hiệu. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ được cấp trong vòng 01 tháng sau đó.
Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có hiệu lực 10 năm kể từ ngày đơn đăng ký được chấp thuận. Việc gia hạn có thể được thực hiện trong vòng 06 tháng trước ngày hết hiệu lực cho đến hết thời hạn ân hạn không muộn hơn 6 tháng kể từ ngày hết hiệu lực, tuy nhiên, sau khi Văn bằng bảo hộ có hiệu lực, nếu trong vòng 03 năm liên tục mà chủ đơn không có hoạt động sử dụng nhãn hiệu, Văn bằng bảo hộ sẽ bị thu hồi.