Quyết định nhằm mục đích: Cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình về hội nhập quốc tế, chú trọng triển khai các kế hoạch, giải pháp liên quan đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường tính chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị đối với công tác hội nhập quốc tế; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tận dụng tốt cơ hội và giảm thiểu các thách thức, tác động tiêu cực mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại. Đồng thời, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tranh thủ tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh tỉnh Đắk Lắk.
Ngoài ra, quyết định này giúp tăng cường việc nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí của pháp luật và các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta; chủ động, tích cực tham gia xây dựng quy tắc pháp lý quốc tế; tận dụng tối đa pháp luật quốc tế trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng trong quan hệ kinh tế quốc tế, nhất là trong giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh, đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, tích cực tham gia hội nhập kinh tế số, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Tham gia xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Tỉnh Đắk Lắk tiếp tục hoàn thiện các chính sách thương mại của tỉnh phù hợp với điều kiện của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Khắc phục triệt để tình trạng thiếu trách nhiệm, thiếu quyết liệt của các ngành, đơn vị được phân công phụ trách; có cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức, trong đó, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với từng cấp, từng ngành trong công tác kinh tế quốc tế. Nâng cao trách nhiệm, trình độ, năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, các Cấp ủy đảng, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhận thức của người tiêu dùng nhằm đạt được những kết quả cụ thể trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế quốc tế.
Được xây dựng trên nguyên tắc toàn diện, sâu sát, linh hoạt, chủ động, sáng tạo, có tính dự báo nhằm mang lại hiệu quả thực chất, có sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên, liên tục giữa địa phương và Trung ương; giữa các cơ quan Sở, Ban, ngành; các huyện, thị xã, thành phố; giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; giữa việc triển khai công tác hội nhập trong nước và công tác hội nhập ngoài nước, nâng cao tính chủ động, tích cực của các thành viên Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh, các ngành, các cấp trong tỉnh nhằm xây dựng kế hoạch cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, có thời hạn hoàn thành tổ chức thực hiện và báo cáo kịp thời, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc để giải quyết thỏa đáng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và cơ quan quản lý nhà nước trong công tác hội nhập quốc tế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thể chế kinh tế, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực thi hiệu quả các FTA, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.
Theo Quyết định ban hành, các sở, ngành: Công Thương (chủ trì), phối hợp cùng với các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại vụ, Khoa học Công nghệ, Y tế, Tư pháp, Thông tin Truyền thông, Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành thực hiện. Trong đó, Sở Công Thương là cơ quan chỉ trì, phối hợp với các sở, ngành, các cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch này; Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, cung cấp đầy đủ, cập nhật các thông tin về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế và hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp và người dân nắm bắt, hiểu biết và có thể tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức bằng nhiều hình thức khác nhau; Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 93/NQ-CP gày 05/7/2023 của Chính phủ định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu.
Tính đến nay Việt Nam đàm phán và ký kết thành công nhiều Hiệp định thương mại tự do ( FTA) với các đối tác thương mại song phương và đa phương, trong đó đã ký kết và thực thi 16 FTA, đang trong quá trình đàm phán và khởi động đàm phán là 03 FTA, là quốc gia duy nhất ký kết Hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga...