Đề án FTA Index được triển khai dựa trên Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025, Nghị quyết 06/NQ-TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh Việt nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Chỉ thị số 25/CT-TW, ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, sự hình thành các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là một xu thế đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Việt Nam đã tham gia và ký kết hơn 16 FTA ở cả cấp độ song và đa phương, qua đó thiết lập được quan hệ thương mại tự do với nhiều nước đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới, việc tham gia đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm nhẹ các khó khăn đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, việc triển khai các FTA cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư từ các đối tác có FTA với Việt Nam.
Tuy nhiên, từ những khó khăn, thác thức đối với việc tham gia FTA , đơn cử như dư địa để tận dụng hiệu quả và cơ hội từ các FTA còn rất lớn, trong thời gian vừa qua, mặc dù nhận thức về công tác hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực thi FTA nói riêng đã được cải thiện ở các địa phương, nhưng sự quan tâm, đánh giá đúng mức phạm vi tác động của hội nhập và thực thi FTA còn nhiều hạn chế, chưa có tính hệ thống và kịp thời, ngoài ra, hiện nay Việt Nam chưa có cơ chế đánh giá chi tiết, khách quan và liên tục về kết quả thực hiện FTA tại từng địa phương, vì vậy, việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá FTA Index là rất cần thiết.
Mục tiêu xây dựng FTA index được Bộ Công Thương nhằm phản ánh mức độ hiệu quả của các FTA mang tới cho các địa phương, là thông tin bổ sung tin cậy cho các nhà đầu tư định hướng và đưa ra quyết định đầu tư, đối với Quốc hội là cơ sở thông tin quan trọng để tăng cường chỉ đạo, giám sát công tác thực thi FTA tại địa phương, đối với các cơ quan trung ương, FTA index giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, vai trò của các cơ quan trung ương, với các địa phương, FTA index giúp đánh giá kết quả thực hiện các FTA tại địa phương mình, tạo động lực tăng cường sự quan tâm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, kể cả người dân đối với các FTA đã ký kết.
Theo Đề án đưa ra, việc xây dựng các chỉ số đánh giá FTA sẽ được thực hiện bởi Bộ Công Thương thông qua các hoạt động khảo sát, thu thập dữ liệu sơ cấp doanh nghiệp thuộc cả khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước tại địa phương, thu thập dữ liệu thứ cấp từ các nguồn thông tin đáng tin cậy từ trong và ngoài nước, phân tích, xây dựng và kiểm định mô hình tính toán Bộ chỉ số, đánh giá và đưa ra giải pháp thúc đẩy việc thực thi FTA tại từng địa phương thông qua Bộ chỉ số của địa phương đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập, xử lý dữ liệu vừa trực tuyến vừa trực tiếp.
Đề án cũng đưa ra mục tiêu của phương pháp thực hiện, cách thức chọn mẫu, cách thức điều tra, nội dung khảo sát....
Kết quả khảo sát trong thời gian trước đây đã đưa ra một số thông tin về tiếp cận thông tin về các FTA, thực thi các quy định pháp luật hướng dẫn các FTA, đánh giá một số chương trình hỗ trợ hội nhập FTA, việc thực hiện quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo các cam kết của các FTA, các cam kết về phát triển bền vững...Việc thực hiện đánh giá hiệu quả của các FTA thông qua Bộ chỉ số có những thuận lợi và khó khăn, tuy nhiên, đây là mô hình mới, chưa có tiền lệ trên thế giới, vì vậy, trong quá trình thực hiện, phải tự tìm hiểu, nghiên cứu và thử nghiệm chứ không có mô hình cụ thể để tham khảo. Nguồn kinh phí thực hiện Bộ chỉ số FTA Index sẽ được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ nước ngoài, nguồn kinh phí xã hội hóa.