Trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 104,5 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang các nước CPTPP đạt 53,5 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2021, kim ngạch nhập khẩu từ các nước CPTPP đạt 50,9 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021, cho thấy có sự tăng trưởng tích cực, tuy nhiên, một số thị trường ghi nhận mức giảm từ 0,5% tới 5,5%, Canada tăng tới gần 20,1%. Tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ CPTPP của hầu hết các mặt hàng chủ lực của Việt nam đều có sự tăng trưởng tích cực và tăng đáng kể so với năm 2021, Canada và Mehyco là 2 nước có tỷ lệ sử dụng C/O CPTPP nhiều nhất. Tỷ trọng các thị trường này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn rất khiêm tốn, cụ thể, Canada chỉ chiếm 1,7%, Mehico chiếm 1,22% và Peru chiếm 0,14%.
Các địa phương bao gồm: Tp Hồ Chí Minh, Bình Phước, Hà Nội và Thái Nguyên là một trong các địa phương được ghi nhận có sự trao đổi thương mại lớn nhất với các nước CPTPP.
Đối với EVFTA, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành minh Liên minh Châu Âu đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9.2% so với năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang các nước nước thành minh Liên minh Châu Âu đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2021, kim ngạch nhập khẩu từ các nước nước thành minh Liên minh Châu Âu đạt 15,4 tỷ USD, giảm 8,6% so với năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu sang nước thành minh Liên minh Châu Âu theo mẫu C/O EUR.1 đạt 12,1 tỷ USD, chiếm 25,9% xuất khẩu chung sang EU, tăng 49,4% so với năm 2021. Mức thặng dư thương mại dù lớn thứ 2, sau Hoa kỳ, nhưng tỷ trọng thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất và nhập khẩu của Việt Nam còn chưa cao. Trong số 49/63 tỉnh, thành có báo cáo, có: Tp Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội có tỷ trọng trao đổi thương mại lớn nhất cả nước.
Đối với UKVFTA, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Vương quốc Anh đạt 6,1 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021, kim ngạch nhập khẩu từ Vương quốc Anh đạt 771 triệu USD, giảm 9,8% so với năm 2021. Kim ngạch sử dụng mẫu C/O EUR.1 sang UK đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 23,5% xuất khẩu chung sang UK. Thặng dư thương mại đạt 5,6 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2021, tuy nhiên, tỷ trọng thị trường UK trong tổng kim ngạch xuất và nhập khẩu của Việt Nam còn thấp, chiếm lần lượt 1,6% và 0,2%. Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Lâm Đồng, Thải Nguyên là một trong số 44/63 tỉnh thành có báo cáo, có trao đổi thương mại lớn với UK.
Đối với các kết quả khác, về công tác phổ biến và tuyên truyền các Hiệp định, đã có 175 hội nghị, hội thảo và tập huấn được tổ chức, có 21/63 tỉnh thành không tổ chức hoạt động phổ biến và tuyên truyền, ngoài ra, Bộ Công Thương và các Bộ liên quan còn xây dựng các video clip, tổ chức thông tin báo cáo, xuất bản ấn phẩm về các vấn đề liên quan.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tổ chức thiết lập đầu mối thông tin về các FTA, củng cố mạng lưới, tăng cường năng lực và đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước.
Một hoạt động hết sức quan trọng khác là: xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, cung ứng khu vực và toàn cầu, hiện trong năm 2022, các bộ, ngành có liên quan đã triển khai được 22 chương trình, địa phương đã triển khai 209 chương trình có liên quan, đặc biệt có: chương trình hỗ trợ tài chính, bình ổn thị trường, cho vay, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp….Ngoài ra, hoạt động đẩy mạnh việc dạy nghề, gắn đào tạo với thực tiễn doanh nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các biện pháp kỹ thuật, tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp trong nước, góp phần vào việc hình thành chuỗi cung ứng,
Theo báo cáo, chỉ có 6/58 tỉnh thành có báo cáo đã triển khai chương trình kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, Bà rịa – Vũng tàu và Hà Nội.
Trong thời gian tới, các bộ, ngành sẽ tiếp tục triển khai việc hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật điều chỉnh các quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiến hành định lượng đánh giá những tác động của các hiệp định đối với ngành sản xuất, cung ứng dịch vụ để từ đó đề xuất các giải pháp cần thiết.
Đối với khó khăn, thuận lợi, Bộ Công Thương đã chỉ ra một số khó khăn như: các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện việc gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm thô, tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường FTA còn khiêm tốn, số lượng các doanh nghiệp nhập khẩu nhìn chung còn thấp so với số lượng doanh nghiệp xuất khẩu, ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tại các địa phương chỉ mới được thực hiện trong khuôn khổ chính sách chung của tỉnh, không phải dành riêng cho bất kỳ FTA nào, việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ còn dàn trải, không tập trung vào các ngành hàng cụ thể cũng như ngành hàng là thế mạnh của địa phương, doanh nghiệp có năng lực còn thiếu nguồn vốn để triển khai các chương trình ví dụ như thiết lập và xây dựng thương hiệu Việt, các hoạt động xúc tiến thương mại, cập nhật thông tin dù đã được triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, ngay chính bản thân các doanh nghiệp thì hoạt động kết nối còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ để tạo ra sức mạnh tập thể. Công tác thống kê các hoạt động xuất và nhập khẩu nói chung và thống kê cho các hoạt động xuất và nhập khẩu theo Hiệp định, ngành hàng và tỉnh, thành còn gặp nhiều thách thức, khó khăn…Hơn nữa, công tác tuyên truyền còn mang tính chất chung chung, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Đối với công tác xây dựng và ban hành thể chế, pháp luật, hiện nay, một số văn bản có liên quan đến việc ưu đãi thuế quan cho các nước mới phê chuẩn Hiệp định CPTPP như Malaysia, Chile, Brunei còn chưa được ban hành.
Về giải pháp, Bộ đã đề xuất một số nhóm giải pháp về tuyên truyền, phổ biến, nhóm giải pháp về thể chế, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhân lực, số liệu thống kê...
Theo đó, về nhóm giải pháp thể chế, Bộ Công Thương đã kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản thực thi các cam kết trong các FTA, đặc biệt liên quan đến vấn đề quy tắc xuất xứ, thuế quan...; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phê chuẩn các Công ước quốc tế và thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế có liên quan đảm bảo thực thi cam kết trong các Hiệp định.
Đối với nhóm giải pháp về tuyên truyền, phổ biến, Bộ Công Thương đề xuất hạn chế các hội thảo mang tính chung chung, khái quát về các Hiệp định, mà nên tập trung cho các nội dung mang tính chuyên đề, hướng vào các vấn đề doanh nghiệp quan tâm, cụ thể, sát với thực tế, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền các vấn đề về phát triển bền vững (môi trường, lao động...), hoạt động tuyên truyền cần đa dạng về mặt hình thức, mở rộng ra các hình thức khác như: sách, ấn phẩm cũng như các hình thức tuyên truyền trực tuyến đa dạng, sinh động, rõ ràng, dễ hiểu và có giá trị chuyên môn cao.
Các hoạt động tuyên truyền cần có sự phối hợp giữa Bộ Công Thương, các Hiệp hội ngành nghề, và có sự chia sẻ thông tin để các cơ quan nắm được, tránh sự chồng chéo, lặp lại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và tìm hiểu.
Đối với nhóm giải pháp về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng hệ sinh thái tận dụng cơ hội từ các FTA, xem xét nguồn vốn riêng để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA, có chính sách tổng thể để hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng nguồn nguyên liệu "nội khối" nhằm đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo quy định của từng FTA.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, hướng tới hoạt động xuất khẩu mang tính cân bằng hơn, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng tới ổn định, lâu dài, nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế.
Riêng với nhóm giải pháp về nhân lực, cần bổ sung nhân lực chuyên trách, triển khai các khóa đào tạo nhân lực chuyên sâu về FTA, tạo nguồn nhân lực lâu dài thông qua việc đào tạo từ cấp Đại học, cao đẳng bằng cách đưa các nội dung FTA vào nội dung đào tạo...