Quy định nhập khẩu vào Nhật Bản đối với mặt hàng cà phê

Thứ hai - 15/05/2023 05:01
Tại thời điểm nhập khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm cà phê vào thị trường Nhật Bản sẽ chịu sự điều chỉnh bởi các luật như: Luật Bảo vệ thực vật; Luật Vệ sinh thực phẩm; Luật Hải quan.
Lễ hội cà phê BMT lần thứ 8
Lễ hội cà phê BMT lần thứ 8
Danh mục Mô tả Mã HS
Cà phê chưa rang (cà phê nhân) Đã khử chất caffeine 0901.11-000
Chưa khử chất caffeine 0901.12-000
Cà phê đã rang Đã khử chất caffeine 0901.21-000
Chưa khử chất caffeine 0901.22-000
Cà phê hòa tan Cà phê hòa tan 2101.11-210
2101.12-121
Chiết xuất từ cà phê Chất chiết xuất, tinh chất và các chất cô đặc từ cà phê và các chế phẩm có thành phần cơ bản từ các chất chiết xuất, tinh chất hoặc các chất cô đặc này hoặc có thành phần cơ bản là cà phê 2101.11-110,190
2101.11-290
2101.12-111,112
2101.12-122
Tại thời điểm nhập khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm cà phê vào thị trường Nhật Bản sẽ chịu sự điều chỉnh bởi các luật như: Luật Bảo vệ thực vật; Luật Vệ sinh thực phẩm; Luật Hải quan.
Theo Luật Bảo vệ thực vật, cà phê nhân khô chưa qua xử lý nhiệt được coi như là sản phẩm dạng tươi sống, và là đối tượng chịu kiểm dịch về cả sâu bệnh và thực vật gây hại theo quy định của Luật Bảo vệ thực vật. Quá trình kiểm dịch được thực hiện tại các cảng hàng không và cảng biển dưới sự điều phối của Trạm Kiểm dịch khu vực. Cà phê rang xay và sản phẩm cà phê chế biến được miễn trừ khỏi việc kiểm dịch thực vật theo quy định của Luật Bảo vệ thực vật, nhưng vẫn là đối tượng chịu kiểm dịch vệ sinh thực phẩm theo quy định của Luật Vệ sinh thực phẩm.
Theo như quy định của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, “Các tiêu chuẩn và tiêu chí cho thực phẩm và chất phụ gia” được ban hành theo Luật Vệ sinh thực phẩm, và các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu (bao gồm phụ gia thức ăn gia súc và thuốc cho động vật), cà phê là mặt hàng cần phải được đảm bảo vệ sinh thực phẩm, cần được kiểm tra kiểm dịch theo chủng loại và tính chất của các thành phần thô, chủng loại và hàm lượng chất phụ gia, dư lượng thuốc trừ sâu, v.v.
Lệnh cấm nhập khẩu có thể được áp dụng đối với những lô hàng cà phê nhập khẩu chứa hàm lượng chất phụ gia, thuốc trừ sâu… vượt quá mức cho phép. Cà phê và sản phẩm chế biến từ cà phê cần được kiểm tra kỹ càng ngay tại nơi sản xuất trước khi tiến hành quá trình nhập khẩu.
Cho đến năm 2006, Nhật Bản áp dụng nguyên tắc “chọn bỏ” đối với tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu, có nghĩa là việc nhập khẩu một sản phẩm có chứa dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cũng không bị hạn chế nếu như không có các quy định cụ thể nào áp dụng cho các loại thuốc trừ sâu đó. Luật được sửa đổi những năm sau đó chuyển sang hình thức “chọn cho”, nghĩa là việc nhập khẩu và phân phối các sản phẩm có chứa dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức sẽ bị cấm, kể cả khi không có quy định cụ thể nào áp dụng cho các loại thuốc trừ sâu đó.
Cà phê nhân là mặt hàng chịu kiểm dịch định kỳ hàng năm bởi Trạm Kiểm dịch của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi. Nếu như trong quá trình kiểm dịch phát hiện việc vi phạm các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu, tần suất và mức độ kiểm dịch sẽ được gia tăng. Nếu hành vi vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn, việc kiểm dịch bắt buộc với tất cả các lô hàng sẽ được áp dụng, với mọi chi phí do nhà nhập khẩu phải gánh chịu.
web quy trinh nhap khau ca phe vao NB page 0
Theo Luật Hải quan, Nhật Bản nghiêm cấm việc nhập khẩu các lô hàng cà phê ghi nhãn sai lệch về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Tại thời điểm bán hàng, Các luật và quy định liên quan đến việc bán hàng cà phê tại Nhật Bản được áp dụng chi tiết như sau:
Theo Luật Vệ sinh thực phẩm, việc bán các sản phẩm chứa các thành phần độc hại hoặc sản phẩm kém vệ sinh hoàn toàn bị nghiêm cấm tại Nhật Bản. Hàng cà phê khi được đóng gói, vận chuyển trong container phải tuân thủ quy địnhdán nhãn bắt buộc theo Luật Vệ sinh thực phẩm và các quy định liên quan đến ghi nhãn an toàn như: phải nêu rõ tên chất phụ gia thực phẩm, chất gây dị ứng, thành phần thô và nguồn gốc của chúng, thông tin về biến đổi gen…
Theo Luật Trách nhiệm sản phẩm, Nhật Bản quy định trách nhiệm của nhà sản xuất đối với những tổn hại có thể xảy ra cho người tiêu dùng do những khiếm khuyết của sản phẩm. Theo Luật này thì nhà nhập khẩu cũng có trách nhiệm tương tự như nhà sản xuất vì người tiêu dùng bị tổn hại sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đòi bồi thường trực tiếp từ các nhà sản xuất nước ngoài. Việc đòi bồi thường từ nhà sản xuất nước ngoài được coi là trách nhiệm của nhà nhập khẩu. Mặt hàng cà phê khi được bán dưới dạng thực phẩm chế biến phải chịu sự điều chỉnh của Luật Trách nhiệm sản phẩm, và cần luôn bảo đảm có sự quản lý an toàn trong quá trình chế biến, vận chuyển và đóng gói sản phẩm.
Theo Luật Giao dịch thương mại cụ thể, Nhật Bản đưa ra các quy định bảo vệ quyền lợi của bên mua hàng trong các giao dịch thương mại trực tiếp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng. Việc bán hàng cà phê theo các kênh như đặt hàng qua email, dịch vụ door-to-door, tiếp thị qua điện thoại, v.v. phải chịu sự điều chỉnh của Luật Giao dịch thương mại cụ thể.
Luật Khuyến khích phân loại rác và tái chế bao bì, các nhà nhập khẩu bán hàng hóa được đóng gói trong hộp đựng và bao bì (hộp giấy, hộp nhựa, v.v.) sẽ có trách nhiệm tái chế hộp đựng và bao bì đó (tuy vậy quy định này miễn trừ cho các doanh nghiệp nhỏ ở dưới một mức quy mô nhất định).
Quy trình và thủ tục cấp phép nhập khẩu cà phê phải tuân thủ: kiểm dịch thực vật, kiểm dịch vệ sinh thực phẩm, thông quan.  
Theo đó, Luật Bảo vệ thực vật quy định việc nhập khẩu số lượng lớn cà phê nhân (bulk-import) chỉ được tiến hành tại một số cảng biển và cảng hàng không nhất định nơi có đủ khả năng thực hiện công tác kiểm dịch thực vật với mục đích ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào đất nước, do vậy nhà nhập khẩu cần lựa chọn cảng biển/cảng hàng không phù hợp trước khi hàng hóa xuất phát từ nước xuất khẩu (cần chú ý rằng không phải tất cả các Trạm Kiểm dịch đều có khả năng thực hiện việc kiểm dịch thực vật). Để nộp hồ sơ xin kiểm dịch thực vật với Trạm Kiểm dịch của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp, nhà nhập khẩu cần phải nộp các hồ sơ như quy định tại mục 2.2 dưới đây, ngay sau khi hàng cập cảng. Nếu trong quá trình kiểm dịch phát hiện có vấn đề về dịch bệnh hoặc sâu bệnh, các biện pháp hun trùng hoặc tiêu hủy hàng hóa có thể được yêu cầu áp dụng.
Theo Luật kiểm dịch vệ sinh thực phẩm, các giấy tờ liên quan phải được nộp kèm với đơn xin kiểm dịch vệ sinh thực phẩm tới Trạm Kiểm dịch thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi.
Tại bước rà soát hồ sơ và kiểm dịch ban đầu, nếu không phát hiện vi phạm gì đối với các tiêu chuẩn hay các vấn đề về an toàn thực phẩm, hồ sơ sẽ được trả lại để người nộp đơn tiếp tục tiến hành làm thủ tục thông quan hàng hóa. Nếu như phát hiện vi phạm và lô hàng bị đánh giá là không phù hợp để được nhập khẩu, các biện pháp như tiêu hủy hàng hoặc trả lại bên vận chuyển sẽ được áp dụng.
Theo Luật Hải quan, thủ tục thông quan cho hàng hóa nhập khẩu phải được thực hiện bởi chính các nhà nhập khẩu hoặc các chuyên gia hải quan được ủy quyền (bao gồm cả môi giới hải quan). Trước khi lô hàng từ nước ngoài cập cảng Nhật Bản, một thông báo nhập khẩu phải được thông báo cho Văn phòng Hải quan tại kho ngoại quan nơi hàng đến. Trước tiên lô hàng nhập khẩu sẽ được kiểm tra hải quan, sau đó nhà nhập khẩu phải nộp đầy đủ lệ phí hải quan và các loại thuế tiêu dùng để có thể nhận được giấy phép nhập khẩu.
Thủ tục dán nhãn đối với mặt hàng cà phê phải được ghi bằng tiếng Nhật và tuân thủ các luật và quy định sau:
1) Luật Tiêu chuẩn hóa và dán nhãn thích hợp cho hàng nông lâm sản
2) Luật Vệ sinh thực phẩm
3) Luật Đo lường
4) Luật Bảo vệ sức khỏe
5) Luật Khuyến khích sử dụng hiệu quả tài nguyên
6) Luật chống việc bán hàng có thưởng không chính đáng và cách trình bày gây hiểu lầm
 7) Các luật liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh, Luật Thương hiệu).
Khi nhập khẩu và bán hàng cà phê nhân, nhà nhập khẩu phải dán nhãn chất lượng hàng thực phẩm tươi sống (theo quy định của Luật Tiêu chuẩn hóa và dán nhãn thích hợp cho hàng nông lâm sản) với đầy đủ các thông tin bao gồm: 1) Tên sản phẩm, 2) Nước xuất xứ, 3) Hàm lượng dinh dưỡng, 4) Tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu.
Khi nhập khẩu và bán hàng cà phê đã qua xử lý nhiệt, nhà nhập khẩu phải dán nhãn chất lượng hàng thực phẩm chế biến (theo quy định của Luật Tiêu chuẩn hóa và dán nhãn thích hợp cho hàng nông lâm sản) với đầy đủ các thông tin bao gồm: 1) Tên sản phẩm, 2) Tên thành phần, 3) Hàm lượng dinh dưỡng, 4) Hạn sử dụng, 5) Phương thức bảo quản, 6) Nước xuất xứ, 7) Tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu.
Tên sản phẩm phải được ghi trên nhãn, theo quy định của Luật Tiêu chuẩn hóa và dán nhãn thích hợp cho nông lâm sản và Luật Vệ sinh thực phẩm.
Thành phần của sản phẩm phải được liệt kê theo thứ tự giảm dần của tỷ lệ hàm lượng dinh dưỡng, theo quy định của Luật Tiêu chuẩn hóa và dán nhãn thích hợp cho nông lâm sản và Luật Vệ sinh thực phẩm. Các chất phụ gia phải được liệt kê theo thứ tự giảm dần của tỷ lệ hàm lượng dinh dưỡng, theo quy định của Luật Vệ sinh thực phẩm. Tên và cách sử dụng các chất phụ gia sau phải được ghi rõ trên nhãn: chất làm ngọt, chất chống oxy hóa, màu nhân tạo, chất tạo màu, chất bảo quản, chất làm trắng, chất làm đặc/chất ổn định/chất tạo gel/chất chống nấm/chất chống đông.
Khi nhập khẩu và bán hàng sản phẩm cà phê, nhà nhập khẩu cần đo lường khối lượng sản phẩm theo quy định của Luật Đo lường và ghi rõ trên nhãn khối lượng sản phẩm theo gram. Khối lượng sản phẩm cần được đo lường sao cho sự sai khác giữa khối lượng thực tế và khối lượng ghi trên nhãn nằm trong mức dung sai cho phép.
Hạn sử dụng của sản phẩm khi bảo quản theo phương thức thông thường trong tình trạng đóng gói kín phải được ghi rõ trên nhãn, theo quy định của Luật Tiêu chuẩn hóa và dán nhãn thích hợp cho nông lâm sản và Luật Vệ sinh thực phẩm. Do hàng cà phê có thể sử dụng trong thời gian lâu dài, tốt nhất nên ghi hạn sử dụng dưới dạng “Sử dụng trước ngày…”
Phương thức bảo quản nhằm duy trì hương vị sản phẩm trong trạng thái đóng gói kín cho đến thời điểm hết hạn sử dụng phải được ghi rõ trên nhãn theo quy định của Luật Tiêu chuẩn hóa và dán nhãn thích hợp cho nông lâm sản. Với sản phẩm cà phê có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng thì có thể không cần ghi rõ phương thức bảo quản trên nhãn.
Các tiêu chuẩn ghi nhãn chất lượng theo quy định của Luật Tiêu chuẩn hóa và dán nhãn thích hợp cho nông lâm sản yêu cầu tên nước xuất xứ phải được ghi trên nhãn hàng thực phẩm nhập khẩu.
Tên và địa chỉ nhà nhập khẩu phải được ghi trên nhãn theo quy định của Luật Tiêu chuẩn hóa và dán nhãn thích hợp cho nông lâm sản và Luật Vệ sinh thực phẩm. Với các sản phẩm chế biến tại Nhật Bản nhưng nguyên liệu là nhập khẩu, tên và địa chỉ của nhà sản xuất phải được ghi trên nhãn.
Thành phần dinh dưỡng và lượng calo phải được ghi trên nhãn của hàng cà phê phù hợp với quy định về ghi nhãn dinh dưỡng của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi.
Các thông tin bắt buộc bao gồm thành phần dinh dưỡng, thành phần cấu trúc (ví dụ: amino axit trong protein), và loại thành phần (ví dụ: các axit béo). Thành phần dinh dưỡng phải được ghi nhãn theo thứ tự như sau:
- Calories (kcal hoặc kilocalories)
- Protein (g hoặc grams)
 - Chất béo (g hoặc grams)
- Carbohydrate (g hoặc grams)
- Sodium
- Thành phần dinh dưỡng khác
 Luật Tiêu chuẩn hóa và dán nhãn thích hợp cho nông lâm sản quy định nông sản hữu cơ và thực phẩm chế biến từ nông sản hữu cơ, bao gồm cả cà phê, có thể được dán ký hiệu JAS hữu cơ. Chỉ những sản phẩm cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn và được dán ký hiệu JAS hữu cơ thì mới được dán thêm nhãn “cà phê hữu cơ” bằng tiếng Nhật.
Nông sản hữu cơ sản xuất tại nước ngoài và nhập khẩu vào Nhật Bản phải được đánh giá theo một trong các phương thức sau để có thể nhận được ký hiệu JAS hữu cơ, từ đó mới được phép dán nhãn hữu cơ:
a) Việc cấp ký hiệu JAS hữu cơ cho sản phẩm được sản xuất tại nước ngoài sẽ được thực hiện bởi các cơ quan chứng nhận trong và ngoài Nhật Bản.
b) Việc cấp ký hiệu JAS hữu cơ cho sản phẩm được phân phối bởi nhà nhập khẩu sẽ được thực hiện bởi cơ quan chứng nhận trong phạm vi Nhật Bản (chỉ áp dụng cho các nông sản hữu cơ và thực phẩm chế biến từ nông sản hữu cơ).
Luật Nhật Bản khuyến khích sử dụng hiệu quả tài nguyên yêu cầu dán nhãn phân loại đối với các loại hộp đựng và bao bì cụ thể. Khi sản phẩm cà phê được đóng gói trong hộp đựng, bao bì làm từ nhựa hoặc giấy thì phải được dán các ký hiệu sau đây theo quy định.
Việc ghi mô tả sản phẩm với các thông tin sai lệch hoặc dễ gây hiểu nhầm sẽ bị cấm theo quy định của Luật Bảo vệ sức khỏe, Luật Chống việc bán hàng có thưởng không chính đáng và cách trình bày gây hiểu lầm, và các luật liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh, Luật Thương hiệu).

Nguồn tin: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phòng Quản lý thương mại:

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây