Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Ngày 01/12/2015, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 01/02/2016, văn bản hiệp định được công bố. Ngày 26/06/2018, một bước đi mới của EVFTA được thống nhất. Theo đó, EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA); đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý đối với Hiệp định EVFTA. Hai Hiệp định được ký kết ngày 30/06/2019. EVFTA và EVIPA được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu vào ngày 12/2/2020, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020. Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu cũng đã thông qua EVFTA.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã chính thức hoàn tất đàm phán vào ngày 11/12/2020 và ký kết vào tối 29/12/2020. Hiệp định được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh. Hiệp định đã có hiệu lực tạm thời từ 23h tối 31/12/2020 (tức 6h sáng ngày 01/01/2021 theo giờ Việt Nam), và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/05/2021.
Đối với lĩnh vực thương mại hàng hóa, hiệp định EVFTA cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch xuất khẩu); sau 7 năm, cam kết xóa bỏ thuế quan với 91,8% số dòng thuế, sau 10 năm, 98,3% số dòng thuế, còn lại 1,7% số dòng thuế còn lại của EU,Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết Wto hoặc không cam kết. Còn với UKVFTA, về cơ bản, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xuất khẩu từ UK vào Việt Nam sẽ bằng với thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xuất khẩu từ EU vào Việt Nam tại bất kì thời điểm nào bắt đầu từ khi UKVFTA có hiệu lực.
Đối với việc xóa bỏ thuế nhập khẩu của các nước đối tác, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, sau 7 năm, cam kết xóa bỏ thuế quan với 99,2% số dòng thuế, đối với các mặt hàng còn lại, tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu, Eu cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Còn với UKVFTA, về cơ bản, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào UK sẽ bằng với thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào EU tại bất kì thời điểm nào bắt đầu từ khi UKVFTA có hiệu lực.
Đối với hạn ngạch thuế quan ưu đãi (TRQ), trong hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch thuế quan ưu đãi đối với một số mặt hàng với mức thuế nhập khẩu là 0%. Việc UK rời khỏi EU không làm ảnh hưởng tới lượng TRQ này trong EVFTA. Ngược lại, trong UKVFTA, UK cũng dành một lượng TRQ đối với các mặt hàng tương tự được nhận TRQ trong EVFTA.
Đơn vị tính: tấn
Mặt hàng |
Hạn ngạch trong EVFTA |
Hạn ngạch trong UKVFTA |
Tổng lượng hạn ngạch mới của hai hiệp định |
Trứng và lòng đỏ trứng gia cầm |
500 |
68 |
568 |
Tỏi |
400 |
54 |
454 |
Ngô ngọt |
5.000 |
681 |
5.681 |
Gạo đã xát |
20.000 |
3.356 |
23.356 |
Gạo đã xay đáp ứng theo yêu cầu chủng lọai |
30.000 |
5.001 |
35.001 |
Tinh bột sắn |
30.000 |
12.215 |
42.215 |
Cá ngừ |
11.500 |
1.566 |
13.066 |
Surimi |
500 |
68 |
568 |
Đường và các sản phẩm khác có hàm lượng đường cao |
20.000 |
2.724 |
22.724 |
Đường đặc biệt |
400 |
54 |
454 |
Nấm |
350 |
48 |
398 |
Ethanol |
1.000 |
136 |
1.136 |
Manithol, sorbitol, dextrin và các dạng tinh bột biến tính khác |
2.000 |
272 |
2.272 |
Đối với quy tắc xuất xứ, UKVFTA và EVFTA có quy tắc tương tự về xuất xứ, theo đó, hai hiệp định cho phép áp dụng các cơ chế: tự chứng nhận xuất xứ, quy tắc cộng gộp. Đối với mặt hàng dệt may, yêu cầu về quy tắc xuất xứ 2 công đoạn (từ vải trở đi). Hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam theo hiệp định UKVFTA dùng chung mẫu C/O EUR.1. Đối với quy tắc cộng gộp, hai bên cam kết cơ chế cộng gộp xuất xứ mở rộng cho phép hàng hóa của hai bên được sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ các nước thành viên EU để sản xuất ra hàng hóa cuối cùng xuất khẩu đi các nước trong hiệp định và được hưởng thuế suất ưu đãi của UKVFTA.
Đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ và hoạt động đầu tư, hình thức cam kết được thực hiện theo cách tiếp cận chọn – cho, tức là liệt kê các ngành, phân ngành có cam kết mở cửa thị trường. Biểu cam kết cụ thể của EVFTA chỉ phải chịu nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng (tức là trong trường hợp chính sách trong nước cho phép mở cửa hơn so với mức độ cam kết thì trong tương lai nếu thay đổi chính sách này sẽ không được kém hơn cam kết tại thời điểm hiệp định có hiệu lực).
Hiệp định UKVFTA có quy định hình thức cam kết đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư tương tự EVFTA.
Về mức độ mở cửa thị trường một số ngành cụ thể, cả hai hiệp định đều có mức độ mở cửa thị trường giống nhau ở một số ngành như viễn thông, tài chính, phân phối, vận tải...Khác biệt chủ yếu liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tư vấn pháp lí, cho thuê máy bay kèm người lái, vận tải hàng hóa bằng đường biển, trừ vận tải nội địa do yếu tố UK rời liên minh Châu Âu.
Về mua sắm Chính phủ, diện cam kết, ngưỡng mở cửa, dược phẩm thì hai hiệp định có cam kết mở cửa tương tự nhau. Tuy nhiên, các điều chỉnh của UKVFTA so với EVFTA trong phạm vi mua sắm Chính phủ, với nghĩa vụ đăng tải nội dung tóm tắt của thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời quan tâm, thông báo mời thầu bằng tiếng Anh trên cổng thông tin điện tử, Anh vẫn cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi nghĩa vụ này. Tuy nhiên, nghĩa vụ này chỉ áp dụng đối với Việt Nam sau khi hệ thống tự động dịch và đăng tải thông báo tóm tắt bằng tiếng Anh được thiết lập và hoạt động tại Việt Nam nhờ sự hỗ trợ kĩ thuật và tài chính của EU. UK sẽ thông tin chi tiết về phương tiện đăng tải thông tin về đấu thầu của UK.
Đối với sở hữu trí tuệ, do tính thừa kế giữa hai hiệp định, nên UKVFTA và EVFTA đều có mức bảo hộ cao đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên cơ sở hiệp định TRIPS của WTO. Về biện pháp thực thi xử lí hình sự với các vi phạm về sở hữu trí tuệ, EVFTA và UKVFTA không yêu cầu chế tài hình sự, áp dụng theo TRIPS, theo đó yêu cầu các nước thành viên phải có các biện pháp hình sự và hình phạt được áp dụng ít nhất đối với các hành vi vi phạm cố ý giả mạo nhãn hiệu hoặc sao chép lậu với quy mô thương mại.