Lưu ý khi thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (Đối với CPTPP và EVFTA)

Thứ sáu - 12/05/2023 03:55
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
 
CPTPP
CPTPP
CPTPP là Hiệp định thương mại tự do bao gồm 11 nước thành viên là Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.  Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.
Đối với lĩnh vực cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam theo cam kết của hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch xuất khẩu); sau 7 năm, cam kết xóa bỏ thuế quan với 91,8% số dòng thuế, sau 10 năm, 98,3% số dòng thuế, còn lại 1,7% số dòng thuế còn lại của EU,Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết Wto hoặc không cam kết.
Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với 66%, sau 3 năm, cam kết xóa bỏ thuế quan với 86,5% số dòng thuế, các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm. Đối với một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng quota.
Đối với việc xóa bỏ thuế nhập khẩu của các nước đối tác, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, sau 7 năm, cam kết xóa bỏ thuế quan với 99,2% số dòng thuế, đối với các mặt hàng còn lại, tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Liên quan đến CPTPP, Canada cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế, tương đương 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada ngày khi hiệp định có hiệu lực. Trong đó, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay.
Nhật bản cam kết xóa bỏ thuế ngay đối với 86% số dòng thuế, tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật bản, sau 5 năm xóa bỏ gần 90% số dòng thuế. Đại đa số thuế nông, thủy sản xuất khẩu của Việt nam sang Nhật đều được xóa bỏ.
Peru cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 80,7% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, tương đương 62,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt nam sang Peru, vào năm thứ 17 của hiệp định, 99,4% dòng thuế sẽ được xóa bỏ.
Mexico cam kết xóa bỏ 77,2% dòng thuế nhập khẩu, tương đương 36,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt nam vào Mexico, vào năm thứ 10 của hiệp định sẽ xóa bỏ 98% số dòng thuế.
Chile cam kết xóa bỏ 95,1% dòng thuế nhập khẩu, tương đương 60,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt nam vào Chile, vào năm thứ 8 của hiệp định sẽ xóa bỏ 99,9% số dòng thuế.
Australia cam kết xóa bỏ 93% dòng thuế nhập khẩu, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt nam vào Australia, tối đa vào năm thứ 4 của hiệp định các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ dòng thuế.
Newzealand cam kết xóa bỏ 94,6% dòng thuế nhập khẩu, tương đương 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt nam vào Newzealand, vào năm thứ 7 của hiệp định sẽ xóa bỏ 98% số dòng thuế.
Singapore cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Malaysia cam kết xóa bỏ 84,7% dòng thuế nhập khẩu, vào năm thứ 11 của hiệp định sẽ xóa bỏ 99,9% số dòng thuế.
Bruney cam kết xóa bỏ 92% dòng thuế nhập khẩu, tương đương 7639 dòng thuế, vào năm thứ 7 của hiệp định sẽ xóa bỏ 99,9% số dòng thuế, năm thứ 11 xóa bỏ hoàn toàn các dòng thuế.
Đối với quy tắc xuất xứ, EVFTA cho phép áp dụng các cơ chế: tự chứng nhận xuất xứ, quy tắc cộng gộp. Đối với mặt hàng dệt may, yêu cầu về quy tắc xuất xứ 2 công đoạn (từ vải trở đi), tức là để được hưởng ưu đãi thuế quan thì hàng dệt may Việt nam phải được làm từ vải có xuất xứ từ Việt nam.
Đối với CPTPP, cho phép áp dụng các cơ chế: tự chứng nhận xuất xứ (Việt nam có  thời gian chuyển đổi là 5 năm cho hàng nhập khẩu và tối đa 10 năm cho hàng xuất khẩu, sau 10 năm phải áp dụng tự chứng nhận xuất xứ hoàn toàn. Quy tắc cộng gộp đối với mặt hàng dệt may yêu cầu sử dụng sợi (nguyên tắc “từ sợi” trở đi) và vải từ khu vực CPTPP, tuy nhiên linh hoạt về cơ chế khi nguồn cung thiếu hụt.
Đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ và hoạt động đầu tư, hình thức cam kết được thực hiện theo cách tiếp cận chọn – cho, tức là liệt kê các ngành, phân ngành có cam kết mở cửa thị trường. Biểu cam kết cụ thể của EVFTA chỉ phải chịu nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng (tức là trong trường hợp chính sách trong nước cho phép mở cửa hơn so với mức độ cam kết thì trong tương lai nếu thay đổi chính sách này sẽ không được kém hơn cam kết tại thời điểm hiệp định có hiệu lực). Còn CPTPP áp dụng nguyên tắc chọn bỏ, tức là liệt kê các ngành, phân ngành bị hạn chế mở cửa thị trường. các nước cũng cam kết áp dụng nguyên tắc “Chỉ tiến không lùi”, tức là chỉ được điều chỉnh, thay đổi chính sách theo hướng tốt hơn mức đã áp dụng trước đó, riêng Việt nam có thời gian chuyển đổi 3 năm mới phải áp dụng nguyên tắc này.
Về mức độ mở cửa thị trường một số ngành cụ thể, cả hai hiệp định đều có mức độ mở cửa thị trường cao hơn trong WTO ở một số ngành như viễn thông, tài chính, phân phối, vận tải...
Về dịch vụ tài chính, EVFTA có mức cam kết cao hơn khi cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức năm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 02 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt nam trong vòng 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, cam kết này ngoại trừ BIDV, VCB, Vietinbank và Agribank. Đối với CPTPP, tổng mức góp vốn mua cổ phần của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại từng ngân hàng thương mại cổ phần của Việt nam không được vượt quá 30% vốn điều lệ.
Đối với dịch vụ vận tải, theo cam kết của EVFTA, dịch vụ gom hàng và dịch vụ tái phân phối container rỗng, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, cho phép các nhà cung ứng dịch vụ vận tải biển quốc tế của EU hoặc thành viên EU thực hiện các dịch vụ này trên tuyến Quy Nhơn – Cái Mép. Sau 5 năm, cho phép thực hiện dịch vụ tái phân phối container rỗng trên tất cả các tuyến. Với dịch vụ nạo vét, cho phép doanh nghiệp EU lập liên doanh tới 51% để cung cấp dịch vụ tại Việt nam. Đối với dịch vụ mặt đất tại sân bay, cam kết sau 5 năm kể từ khi Việt nam mở cửa cho khu vực tư nhân sẽ cho phép doanh nghiệp EU lập liên doanh với đối tác Việt nam, trong đó vốn của phía nước ngoài không vượt quá 49%, để đấu thầu cung cấp dịch vụ này. 3 năm sau đó, hạn chế vốn nước ngoài sẽ là 51%.
Theo cam kết của CPTPP, không cam kết đối với dịch vụ gom hàng và dịch vụ tái phân phối container rỗng cũng như dịch vụ nạo vét và bảo lưu toàn bộ dịch vụ điều hành mặt đất.
Đối với dịch vụ phân phối, EVFTA bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế ENT sau 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, bảo lưu quyền áp dụng các biện pháp kinh tế và quy hoạch không phân biệt đối xử, sẽ tiến hành diện bảo lưu đối với 9 mặt hàng tương tự WTO. Đối với sản phẩm rượu trong EVFTA, Việt nam cam kết sẽ có cam kết cụ thể về không phân biệt đối xử trong hoạt động sản xuất, phân phối, nhập khẩu rượu, cho phép các doanh nghiệp EU được bảo lưu điều kiện hoạt động theo các giấy phép hiện hành và chỉ cần một giấy phép để thực hiện hoạt động phân phối, nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ. Dịch vụ phân phối đối với hiệp định CPTPP, các bên cam kết bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế ENT sau 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, không bảo lưu các biện pháp kế hoạch và quy hoạch, bảo lưu 07 mặt hàng, ít hơn 2 so với EVFTA là gạo và đường mía, không có cam kết cụ thể đối với dịch vụ phân phối mặt hàng rượu.
Về mua sắm Chính phủ, diện cam kết, ngưỡng mở cửa, dược phẩm thì EVFTA mở cửa mua sắm đối với 21 Bộ, ngành trung ương, một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (ngoại trừ hàng hóa và dịch vụ phục vụ mục tiêu an ninh quốc phòng); 02 địa phương là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị tập đoàn điện lực Việt Nam, tổng công ty đường sắt Việt Nam, 34 bệnh viện thuộc Bộ y tế, đại học quốc gia Hà Nội, đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và một số viện trung ương khác. CPTPP cam kết mở cửa mua sắm đối với 21 Bộ, một số viện trung ương, 34 bệnh viện thuộc Bộ y tế và không cam kết mở cửa cơ quan cấp địa phương và các tập đoàn, tổng công ty, đại học.
Đối với cam kết ngưỡng mở cửa, EVFTA cam kết lộ trình 15 năm để mở cửa dần các hoạt động mua sắm, sau 15 năm, ngưỡng mua sắm của các cơ quan cấp trung ương là 1,5 triệu SDR, tương đương khoảng 46 tỉ đồng, EVFTA bảo lưu một tỉ lệ nhất định giá trị các gói thầu để dành riêng cho các nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước trong vòng 18 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Trong vòng 10 năm đầu, tỉ lệ này lên đến 40%, từ năm thứ 11 tới năm thứ 18, tỉ lệ này là 30%. Từ năm thứ 19 trở đi, tỉ lệ này bị bãi bỏ.
Đối với cam kết ngưỡng mở cửa của CPTPP, lộ trình 15 năm để mở cửa dần các hoạt động mua sắm, tuy nhiên, sau 15 năm ngưỡng mua sắm của các cơ quan cấp trung ương là 8.5 triệu SDR (tương đương 260 tỉ đồng), đồng thời, bảo lưu yêu cầu, xem xét, áp dụng hoặc thực hiện bất kỳ hình thức ưu đãi trong nước trong bất kì giai đoạn nào của quy trình lựa chọn nhà thầu trong 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, kể cả cơ chế ưu đãi về giá, ở mức tối đa 40% tổng giá trị hợp đồng của các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của từng năm. Tỷ lệ này giảm xuống ở mức tối đa 30% kể từ năm thứ 11 cho đến năm thứ 25.
Đối với ngành dược phẩm, Việt Nam cam kết cho phép các doanh nghiệp EU được tham gia đấu thầu mua sắm dược phẩm của Bộ y tế với thời gian chuyển đổi 3 năm, sau lộ trình 15 năm, Việt nam cho phép các doanh nghiệp EU tham gia tới 50% tổng giá trị đấu thầu hàng năm. Trong hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp được tham gia đấu thầu mua sắm dược phẩm của Bộ y tế với thời gian chuyển đổi 3 năm. Việt nam cũng cam kết mở cửa với lộ trình 15 năm sau khi hiệp định có hiệu lực với 50% tổng giá trị hợp đồng.
Đối với các cam kết sở hữu trí tuệ, do tính thừa kế giữa hai hiệp định, nên CPTPP và EVFTA đều có mức bảo hộ cao đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên cơ sở hiệp định TRIPS của WTO. Thời hạn bảo hộ với kiểu dáng công nghiệp ít nhất là 15 năm với hiệp định EVFTA và 10 năm đối với CPTPP. Đối với cam kết về sáng chế, EVFTA yêu cầu phải có cơ chế đền bù thỏa đáng cho trường hợp thời gian khai thác bằng sáng chế đã có hiệu lực bị rút ngắn vì chậm trễ trong khâu xử lí đơn xin cấp phép lưu hành thuốc, riêng với CPTPPP cam kết này được tạm hoãn thi hành.
Hoạt động chỉ dẫn địa lý quy định trong EVFTA chỉ áp dụng đối với các chỉ dẫn địa lý về rượu vang, rượu mạnh, sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm. Việt nam cam kết công nhận bảo hộ địa lý đối với 169 chỉ dẫn địa lí của Châu Âu, chủ yếu dùng cho rượu và thực phẩm; EU công nhận và bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
CPTPP không yêu cầu các bên phải bảo hộ một danh sách các chỉ dẫn địa lý nhất định như EVFTA. Thay vào đó, các bên có thể bảo hộ chỉ dẫn địa lý qua hệ thống nhãn hiệu hoặc một hệ thống riêng.
Về biện pháp xử lý hình sự, EVFTA không yêu cầu chế tài hình sự, áp dụng theo TRIPS, theo đó yêu cầu các nước thành viên phải có các biện pháp hình sự và hình phạt được áp dụng ít nhất đối với các hành vi vi phạm cố ý giả mạo nhãn hiệu hoặc sao chép lậu với quy mô thương mại. Trong khi đó, CPTPP yêu cầu xử lí hình sự đối với một số hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tập trung vào vi phạm đối với nhãn hiệu thương mại, quyền tác giả, quyền liên quan và bí mật thương mại. Nước ta có thời gian chuyển đổi cụ thể đối với các nghĩa vụ này, thông thường là trong 3 năm.
Đối với cam kết về lao động, CPTPP và EVFTA đều không tạo ra nghĩa vụ mới, chỉ nhắc lại các quy định về tiêu chuẩn lao động của ILO.
Đối với cam kết về phát triển bền vững, các bên khẳng định cam kết thực hiện các hiệp định đa phương về môi trường mà mình là thành viên. Cơ chế giám sát của việc thực thi cam kết trong EVFTA là việc thành lập Ủy ban thương mại và phát triển bền vững và quy định cơ chế giám sát và tư vấn việc thực thi các cam kết về phát triển bền vững thông qua việc thành lập một hoặc nhiều nhóm tư vấn trong nước (DAG) mới hoặc tham vấn ý kiến của các nhóm tư vấn trong nước đã được thành lập trước đó về phát triển bền vững. DAG bao gồm các tổ chức mang tính đại diện và độc lập, bảo đảm sự đại diện cân bằng giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.
CPTPP thành lập các hội đồng/tiểu ban theo từng lĩnh vực như môi trường, lao động…CPTPP có các điều khoản tăng tính minh bạch và thực thi nghiêm túc các nghĩa vụ về phát triển bền vững, như  tạo điều kiện cho công chúng tham gia trong quá trình thực hiện thông qua việc tiếp thu các ý kiến, quan điểm về việc triển khai, tiếp nhận và xem xét yêu cầu bằng văn bản liên quan đến các cam kết về phát triển bền vững, chia sẻ công khai các thông tin về việc thực hiện nghĩa vụ và cho phép công chúng tham gia giám sát quá trình thực thi các cam kết.

  

 

Nguồn tin: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phòng Quản lý thương mại

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hoi dap
Idesk
Email
Chuyen doi so
ISO
LICH TIEP CONG DAN
Code Buy Transfer Sell
AUD 16,121.66 16,284.50 16,820.26
CAD 18,077.48 18,260.08 18,860.83
CNY 3,423.46 3,458.04 3,572.35
EUR 26,475.36 26,742.79 27,949.19
GBP 30,873.52 31,185.37 32,211.36
HKD 3,153.19 3,185.04 3,289.82
JPY 156.74 158.32 166.02
SGD 18,143.91 18,327.18 18,930.14
USD 25,088.00 25,118.00 25,458.00
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây