Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), trong thời gian qua, lượng cà phê tiêu thụ trên thị trường nội địa đang tăng và hiện đã chiếm trên 10% sản lượng cà phê cả nước. Tiêu thụ nội địa tăng lên nhờ trên thị trường trong nước có sự xuất hiện của rất nhiều thương hiệu Việt và chuỗi cung ứng quốc tế đến từ các công ty trong ngành. Năm 2021và những năm tiếp theo, VICOFA sẽ tiếp tục triển khai chương trình “Đẩy mạnh tiêu dùng cà phê nội địa của Việt Nam” do Tổ chức cà phê thế giới (ICO) cấp kinh phí từ Quỹ Đặc biệt nhằm tăng tỷ lệ tiêu dùng cà phê nội địa của Việt Nam, nhất là cà phê rang xay và hòa tan. Với các hoạt động của VICOFA và sự phát triển của các chuỗi cửa hàng cà phê trong nước, khả năng đến cuối năm 2023 nâng mức tiêu thụ cà phê ở thị trường nội địa lên 3 kg/người năm, so với mức 1,68 kg/người năm 2009. Theo thống kê hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 500.000 quán cà phê (bao gồm cả chuỗi quán, quán cà phê lẻ, quán cà phê vỉa hè…) tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…
Khai mạc Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê 2023
Sản lượng cà phê niên vụ 2021-2022 của Việt Nam đạt 1,74 triệu tấn, năng suất 2,73 tấn/ha, gấp trên 3 lần mức năng suất bình quân của cà phê thế giới. Đắk Lắk có diện tích cà phê là trên 210.000 ha, sản lượng đạt trên 550.000 tấn/năm, là địa phương diện tích, sản lượng cà phê lớn nhất nước. Trong bối cảnh dịch bệnh, chiến tranh Nga – Ukraine diễn biến phức tạp, ảnh hưởng toàn cầu; nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Tuy nhiên xuất khẩu cà phê năm 2021 đạt 3 tỷ USD, năm 2022 đạt 3,9 tỷ USD. Xuất khẩu cà phê Đắk Lắk năm 2021 đạt xấp xỉ 300.000 tấn, năm 2022 đạt 380.000 tấn với kim ngạch trên 800 triệu USD. Cây cà phê không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội mà còn có ý nghĩa to lớn về văn hóa du lịch, quá trình phát triển ngành cà phê kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, văn hóa bản địa, đã thu hút ngày càng tăng lượng du khách đến thăm quan du lịch tại Đắk Lắk. Về cà phê chế biến, tính đến cuối năm 2022 Đắk Lắk có trên 250 cơ sở chế biến cà phê, trong đó có 235 cơ sở chế biến cà phê bột, cà phê hạt rang và 15 cơ sở chế biến cà phê hòa tan, đồng nghĩa với hơn 250 nhãn hiệu cà phê chế biến cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Quảng bá cà phê tại các sự kiện trong nước
Trong xu hướng hội nhập kinh tế Quốc tế hiện nay, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã đạt được những đột phá quan trọng, tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đồng thời xảy ra tình trạng cạnh tranh trên thị trường trong nước sẽ ngày càng gay gắt; nước ta là một nước đang phát triển, nền kinh tế có độ mở cao, chịu tác động lớn của nền kinh tế thế giới, vì vậy phát triển thị trường trong nước là hướng đi bền vững, lâu dài; cùng theo đó chiến tranh Nga - Ukraine còn diễn biến phức tạp, khôn lường thì việc phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu thụ cà phê nội địa là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp cà phê phát triển. Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Chiến lược “Phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Phát triển thương mại trong nước trở thành cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong định hướng, dẫn dắt cho sản xuất trong nước phát triển theo tín hiệu thị trường; xác định thị trường trong nước đóng vai trò động lực chủ yếu phát huy năng lực, sức mạnh nội sinh, tăng cường khai thác có hiệu quả thị trường trong nước với trên 100 triệu dân; tập trung thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt thời kỳ chiến lược, giảm phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.
Các nhà sản xuất có sản phẩm từ cà phê và các nhà kinh doanh thương mại tập trung xây dựng phát triển thương hiệu, nhanh chóng đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu trong nước và ra nước ngoài. Tranh thủ sự hỗ trợ phía cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ của Trung ương, để được hướng dẫn, giúp đỡ và trợ giúp về mặt thủ tục để bảo vệ tài sản trí tuệ. Chúng ta biết rằng khách hàng chọn cà phê Buôn Ma Thuột, nhưng không phải nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp nào cũng như nhau, mà sẽ chọn nhãn hiệu khẳng định về hình ảnh và danh tiếng của sản phẩm hàng hóa, uy tín của doanh nghiệp tạo niềm tin cho khách hàng hoặc người tiêu dùng. Người tiêu dùng thị trường trong nước hiện nay ngày càng quan tâm đến điều kiện sản xuất và chế biến cà phê, để họ có thể tin tưởng rằng bất kỳ nhãn hiệu sản phẩm cà phê nào mà họ sử dụng đều không có nguy cơ gây hại cho sức khỏe, kể cả nguy cơ tiềm ẩn.
Tập trung tuyên tuyền, xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu doanh nghiêp, thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp xây dựng nhãn hàng hóa, tạo dựng và quảng bá hình ảnh của đơn vị mình, từng bước tiếp cận với giải thưởng doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia. Một trong những yếu tố nâng cao thương hiệu của hàng hóa đó là đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối cao cấp.
Doanh nghiệp cà phê nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, mở mang thị trường nội địa làm nền tảng để xây dựng thương hiệu quốc gia; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm (hàng hóa/dịch vụ), mở rộng nhà xưởng sản xuất, mua sắm máy móc thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát triển mạng lưới bán hàng, quản lý thương hiệu một cách chặt chẽ, đảm bảo uy tín và hình ảnh của thương hiệu cà phê không ngừng được nâng cao, đầu tư vào việc duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tạo cho nhãn hiệu trở thành vai trò quan trọng trong các chiến lược định vị thương hiệu và Marketing của doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào trong sản xuất cũng như kinh doanh. Tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới với Amazon.com.
Cà phê chế biến tham gia các sàn thương mại điện tử
Nhà sản xuất cà phê cần quan tâm hơn nữa đến việc nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, có nghĩa là chúng ta phải bán những sản phẩm mà thị trường cần, chứ không phả chúng ta bán những sản phẩm mà chúng ta có. Từ đó chúng ta đầu tư vào chất lượng, nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, đầu tư vào bao bì nhãn mác hàng hóa, Tham gia các chương trình xúc tiến thương mại như: khảo sát thị trường, kết nối giao thương, nâng cao năng lực bán hàng, hàng Việt về nông thôn… Phân khúc thị trường, phân khúc chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm cà phê: Cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại giúp các thành phần kinh tế, đào tạo nghề, tham gia hội chợ, khảo sát thị trường trong và ngoài nước để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê và các sản phẩm liên quan đến cà phê. Thông qua công tác xúc tiến thương mại và hoạt động khuyến công, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu trên thị trường trong, ngoài nước; phát triển thị trường trong nước, tường bước phát triển thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê chân chính buộc phải quan tâm đế vấn đề chất lượng, mang lại chất lượng cà phê Việt Nam ngày càng được cải thiện dưới con mắt của người tiêu dùng, tăng cường bảo vệ thương hiệu của mình trên cơ sở kiểm soát giá thành chế biến sản phẩm cà phê tiêu thụ trong nước để người tiêu dùng được dùng cà phê sạch, nguyên chất, hương vị Việt Nam và bằng công nghệ Việt Nam.
Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các chính sách và môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế, kể cả thị trường trong nước để doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, nỗ lực của chính bản thân các doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định để thương hiệu của sản phẩm cà phê và doanh nghiệp cà phê mình được công nhận trên thị trường trong và ngoài nước.