Huyện Krông Pắc nằm ở phía Đông tỉnh Đắk Lắk, dọc hai bên Quốc lộ 26, từ km 12 đến km 50, trung tâm huyện cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 30 km, theo Niên giám thống kê huyện Kông Pắc có tổng diện tích tự nhiên là 62.576 Ha, dân số 197.605 người. Huyện Krông Pắc được nối liền với trung tâm các huyện trong tỉnh bởi hệ thống Quốc lộ và Tỉnh lộ, rất thuận lợi trong giao lưu kinh tế - xã hội, thương mại, dịch vụ, du lịch... Nằm trên trục Quốc lộ 26, cách thành phố Nha Trang - tỉnh Khánh Hoà khoảng 160 km, cách sân bay Buôn Ma Thuột khoảng 30 km, đây chính là điều kiện thuận lợi tăng cường các mối quan hệ hợp tác đầu tư phát triển Kinh tế - Xã hội của huyện.
Trao đổi các vấn đề liên quan đến buổi nghiệm thu
Trong những năm qua tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất công nghiệp nông thôn được áp dụng rộng rãi tại địa phương, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, tuy nhiên vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng, lợi thế để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với ngành nuôi yến và sản xuất các sản phẩm từ yến của huyện Krông Pắc đang từng bước chuyển mình, năm 2003 từ những hộ nuôi nhỏ lẻ với một số nhà dẫn dụ chim yến thì đến nay trên đị bàn huyện đã có trên 150 nhà yến và trải đều trên địa bàn 16 xã, thị trấn, sản lượng bình quân thu hoạch hàng năm của mỗi nhà là 50kg tổ yến/nhà, do vậy nguồn cung cấp đầu vào đối với ngành sản xuất yến sào là rất lớn, đồng thời cũng góp phần ổn định nguồn nguyên liệu tại địa phương.
Máy móc thiết bị được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023
Công ty TNHH Thành Dung được thành lập vào năm 2007 và dành một thời gian dài để nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình kinh doanh khác nhau. Sau thời gian tìm hiểu nhận thấy tiềm năng phát triển Yến Tây nguyên là rất lớn, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng Tây Nguyên, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo viêc làm cho lao động tại địa phương.Tuy nhiên, những năm qua Công ty còn thiếu vốn đầu tư nên đang thuê thiết bị gia công sản xuất sản phẩm yến sào, hạn chế về năng suất sản xuất, tốn nhiều thời gian và chi phí sản xuất, chưa nâng cao được sức cạnh tranh về giá và chất lượng. Với mục tiêu tạo ra các dòng sản phẩm yến sào chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Sau khi hoàn tất hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền xem xét, Sở Công Thương đã phê duyệt hỗ trợ 160 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 để triển khai thực hiện hoạt động hỗ trợ này, cụ thể hỗ trợ 01 máy hấp tiệt trùng 100L, model: HTK-100; 01 máy rửa hũ, model: CTC-04MR; 01 máy dán tem tự động băng chuyền, model: CTC-1500Y; 01 máy chiết rót 2 vòi, model: CTC-2NC; 01 máy siết nắp tự động, model: NKCS-80 phụ vụ cho việc chế biến nhằm chủ động trong khâu sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm yến sào
Đoàn nghiệm thu theo dõi quá trình hoạt động của máy móc thiết bị tại cơ sở
Qua theo dõi quá trình vận hành máy móc thiết bị và cho ra sản phẩm yến sào đạt yêu cầu tại cơ sở, đại diện các bên tham gia nghiệm thu thống nhất nghiệm thu hoàn thành và đưa ra các yêu cầu cần đáp ứng trong quá trình sản xuất tại cơ sở nhằm đảm bảo an toàn về môi trường, vệ sinh thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn chất lượng, bao bì đóng gói, nhãn hiệu… trước khi ra thị trường tiêu thụ.
Thực hiện việc hỗ trợ trên đã góp phần phát triển sản xuất sản phẩm mới, cung cấp sản phẩm sau chế biến có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo được nhu cầu tiêu thụ tại địa phương và thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu. Giải quyết đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm, định hướng phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn huyện, góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.