Theo Kế hoạch, Đại hội Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ diễn ra từ ngày 20-21/7/2023 với 130 đại biểu chính thức đại diện cho trên 4.000 ngàn đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá toàn diện, khách quan những kết quả đã đạt được; chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, rút ra những bài học quý giá từ quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ qua; thảo luận, thống nhất nội dung chủ yếu cho mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đại hội sẽ lựa chọn, bầu các đồng chí có đủ tiêu chuẩn vào Ban Chấp hành Công đoàn ngành khóa VII, bầu những đồng chí ưu tú tiêu biểu cho ý chí nguyện vọng của đoàn viên, CNVCLĐ đi dự Đại hội Công đoàn cấp trên.
Với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk từng bước đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động; thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động, góp phần nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn cũng như thực hiện nhiệm vụ chung của cơ quan, doanh nghiệp. Xác định công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, người lao động là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, nhiệm kỳ 2017-2023 Công đoàn ngành đã quan tâm triển khai thực hiện và đạt nhiều hiệu quả thiết thực cụ thể:
Trong nhiệm kỳ toàn ngành đã tổ chức thăm, tặng 4.224 suất quà cho đoàn viên, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 2,8 tỷ đồng. CNLĐ trong toàn ngành mua 07 tấn dưa hấu ủng hộ bà con nông dân trồng dưa huyện Krông Ana gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; vận động CNVCLĐ tham gia Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023” do Tổng Liên đoàn tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk và trao tặng 1.670 phiếu mua hàng, phiếu 0 đồng; 260 phiếu khám bệnh và phát thuốc miễn phí với kinh phí hàng trăm triệu đồng cho đoàn viên và người lao động.
Lãnh đạo Công đoàn ngành thăm tặng quà cho đoàn viên, người lao động
Cùng với việc chăm lo cho đoàn viên, người lao động, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Công đoàn ngành đã chỉ đạo các CĐCS tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ nhu yếu phẩm đến đoàn viên, người lao động trong ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Công đoàn ngành đã tổ chức thăm, tặng 300 suất quà bằng nhu yếu phẩm cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại 14 đơn vị bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền là 90 triệu đồng, hỗ trợ cho 105 đoàn viên, người lao động trong ngành là F0, F1, bị cách ly y tế tại nhà với tổng số tiền là 123 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí bữa ăn cho đoàn viên, người lao động thực hiện làm việc “3 tại chỗ” với tổng số tiền trên 43 triệu đồng.
Lãnh đạo Sở Công Thương thăm nơi làm việc tại Công ty May mặc Able Yoy Đắk Lắk
Chương trình Nhà ở “Mái ấm Công đoàn” đã được Công đoàn ngành triển khai đến các CĐCS trực thuộc và được đoàn viên tham gia ủng hộ. Trong nhiệm kỳ, thông qua Chương trình đã triển khai hỗ trợ kinh phí xây dựng 21 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ là 960 triệu đồng. Chương trình Nhà ở “Mái ấm công đoàn” đã được triển khai có hiệu quả, là nguồn động viên lớn cho gia đình đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, góp phần tạo niềm tin và sự gắn bó của đoàn viên đối với tổ chức Công đoàn.
Quỹ “Đoàn kết tương trợ Công đoàn”: Đến nay tổng số tiền Quỹ tại các CĐCS trực thuộc là 1,2 tỷ đồng đã cho 286 đoàn viên, CNLĐ vay không tính lãi để giải quyết những khó khăn đột xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Song song đó, các phong trào thi đua như phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; phong trào “Học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp để hội nhập và phát triển”; phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân, viên chức, lao động; Chương trình “Một triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid -19” do Tổng Liên đoàn Việt Nam phát động… đã được các đơn vị phát động, tổ chức thường xuyên có hiệu quả, tạo động lực cho cán bộ, đoàn viên, người lao động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, qua đó trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ của đoàn viên, CNVCLĐ ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác cũng như sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Hàng năm, Công đoàn ngành đã tổ chức tổ chức Chương trình gặp mặt cán bộ Nữ công nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3; Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10 với các hoạt động tọa đàm, tặng quà, giao lưu văn nghệ, chơi trò chơi thu hút 8.469 lượt chị em tham gia, với tổng kinh phí là 2,9 tỷ đồng; Tháng “Hành động vì trẻ em” các CĐCS đã phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức các hoạt động vui chơi, xem phim, liên hoan, tặng quà, khen thưởng… cho 8.862 lượt cháu thiếu nhi tại cơ sở với tổng kinh phí tổ chức là 2,1 tỷ đồng.
Những năm tới, nhiệm kỳ 2023 - 2028, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như phong trào công nhân lao động và hoạt động Công đoàn. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản là hệ thống chính trị ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững, kinh tế - xã hội có bước phát triển, cùng với những định hướng của Trung ương trong xây dựng phát triển Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng; Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, thực hiện đầy đủ hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có việc phê chuẩn, thực thi các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); Tình hình hội nhập quốc tế có thể xuất hiện một số tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam… Tuy nhiên, tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; an ninh trật tự trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Các doanh nghiệp trong ngành Công Thương chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp từ Ngân hàng, các chi phí sản xuất tăng, hàng hoá tồn kho khó tiêu thụ... nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh; một bộ phận người lao động chưa được đào tạo nghề, đời sống khó khăn là những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư, tạo việc làm ổn định trên địa bàn cũng như việc tổ chức và hoạt động công đoàn trong tình hình hiện nay.
Thường trực CĐN tặng quà cho đoàn viên nhân dịp Tết sum vầy 2023
Với mục tiêu tổng quát là: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn theo hướng thiết thực, hiệu quả; chú trọng thực hiện chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động xã hội của tổ chức Công đoàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của CĐCS; xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển của ngành và địa phương trong tình hình mới”. Đại hội Công đoàn ngành Công Thương lần này đã đề ra 10 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó nhiều chỉ tiêu phấn đấu cao như: Hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây mới từ 15 nhà “Mái ấm Công đoàn” trở lên cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; 100% doanh nghiệp nhà nước, 80% doanh nghiệp ngoài nhà nước có thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể; phấn đấu 100% các bản Thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết có những điều khoản có lợi cho người lao động; Hàng năm, phấn đấu bình quân mỗi CĐCS có tổ chức Đảng giới thiệu ít nhất một đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét bồi dưỡng, kết nạp…
Nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đã được đề ra nhằm thực hiện thành công các chỉ tiêu, mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Công đoàn ngành lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023 – 2028, cụ thể: Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua xuất phát từ các nhiệm vụ chính trị chung ngành; mỗi đoàn viên, CNVCLĐ phấn đấu, rèn luyện mọi mặt, tạo việc làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống của đoàn viên, người lao động, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; quan tâm hơn nữa trong công tác chăm lo, hỗ trợ các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp, thiết thực của đoàn viên, người lao động; tăng cường các hoạt động về cơ sở, nắm chắc tình hình đời sống, việc làm, diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; đặc biệt chú trọng, thường xuyên nắm bắt tình hình lao động tại các Khu,Cụm Công nghiệp, các doanh nghiệp có đông lao động; quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh cho người lao động; tập trung mọi nguồn lực chăm lo cho lợi ích của đoàn viên, người lao động; nhất là đoàn viên, CNVCLĐ khó khăn, đặc biệt khó khăn. Nâng cao hiệu quả Chương trình nhà “Mái ấm Công đoàn”, Quỹ “Đoàn kết tương trợ” theo hướng đa số đoàn viên, người lao động tham gia; mọi đoàn viên, người lao động khó khăn, đặc biệt khó khăn đều được giúp đỡ, hỗ trợ./.