Tại hội thảo đánh giá, các diễn giả cho rằng, hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đem lại nhiều kết quả tích cực, tạo dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tạo động lực đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh hình ảnh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Châu Âu là thị trường xúc tiến xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Thực tế cho thấy, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam nếu có thương hiệu tại thị trường EU thì không chỉ giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững tại thị trường EU mà còn có các điều kiện và cơ hội để lan tỏa thương hiệu cũng như lan tỏa sản phẩm ở các thị trường khác trên thế giới.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, trong 3 năm qua, các FTA có hiệu lực đã giúp kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng mạnh. Điển hình như, đối với Hiệp định CPTPP, trong giai đoạn 2020 - 2021, xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP tiếp tục đà tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tăng 18,1% so với năm trước đó. Trong khi đó, Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU năm 2021 vẫn tăng 14,5% so với năm 2020. Kết quả ấn tượng này cho thấy sự nỗ lực đáng kể trong việc tận dụng hiệu quả các FTA của các doanh nghiệp Việt Nam.Bên cạnh đó, nhờ quá trình đầu tư, chuyển đổi công nghệ để đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn cao của các Hiệp định như CPTPP, EVFTA… đã giúp năng lực nội tại của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Những yếu tố cản trở doanh nghiệp hưởng lợi từ FTA cũng còn tương đối nhiều với một số nhóm lý do chính như: năng lực cạnh tranh còn hạn chế; khó khăn về nguồn vốn và công nghệ dẫn tới hạn chế khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn tại các thị trường FTA khó tính, thiếu định vị thương hiệu tại thị trường các FTA…Chính vì vậy, rất nhiều diễn giả và chuyên gia, thông qua hội nghị đánh giá đã nhận định rằng, các doanh nghiệp của Việt Nam nên xây dựng thương hiệu riêng cho từng thị trường để khai thác lợi thế từ các FTA, ngoài ra, các doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, sẵn sàng cải tiến sản phẩm, chọn lọc sản phẩm để xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho riêng mình cũng như cải tiến quy trình để đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại.
Các hiệp định thương mại tự do đã tạo ra những thuận lợi về thuế quan. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp Việt chính là các hàng rào kỹ thuật. Theo đó, nhóm hàng nông sản vào thị trường Hoa Kỳ phải có nhà máy đóng gói, vùng trồng do nước này cấp chứng chỉ. Hay sản phẩm muốn vào thị trường EU phải đạt hơn 30 tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời có chứng nhận trách nhiệm xã hội, nhà máy đạt chuẩn ISO, HACCP…
Các tiêu chuẩn này cũng thường xuyên thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp phải thực sự mạnh về vốn và hiện đại về công nghệ mới có khả năng “trở mình” để đáp ứng kịp thời, ngoài ra, Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối mặt với hàng loạt rào cản kỹ thuật mới. Đơn cử, EU ngày càng đòi hỏi các quy trình sản xuất sạch hơn với lượng phát thải khí CO2 ít hơn. Tới năm 2026, các nhà nhập khẩu EU sẽ công bố sản lượng nhập khẩu cùng lượng khí thải tương ứng của năm trước đó, song song với các chứng chỉ CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon). Để đáp ứng yêu cầu này, doanh nghiệp phải chuyển đổi theo hướng xanh hóa sản xuất, đáp ứng đa dạng tiêu chuẩn của từng thị trường xuất khẩu. Bởi đây là lối đi duy nhất nếu doanh nghiệp không muốn bị loại khỏi sân chơi chung.
Trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp trong nước để thay đổi cách nhìn của người tiêu dùng thế giới với hàng Việt. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển ngành sản xuất sản phẩm hỗ trợ, nhất là lĩnh vực bao bì, thiết kế in ấn, khay đựng… để giúp doanh nghiệp xuất khẩu không bị mất đơn hàng vì lý do không đạt chuẩn đóng gói.