Ngoài thế mạnh về phát triển các loại cây công nghiệp, như: cà phê, cao su, hồ tiêu... thì trong những năm gần đây các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng, cụ thể: năm 2018, tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh là 20.489 ha thì đến năm 2022 là 43.324 ha, tăng 22.835 ha so với năm 2018, trong đó chủ lực vẫn là cây sầu riêng với diện tích trên 15.000 ha, chiếm 35% diện tích cây ăn quả của tỉnh.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã cấp được 28 cơ sở đóng gói và 47 mã số vùng trồng, với tổng diện tích là 2.308,6 ha, trên các loại cây trồng, như: Sầu riêng, vải, xoài, chuối, thanh long và ớt để xuất khẩu chính ngạch đi một số nước, như: Úc, Newzealand, Mỹ và Trung Quốc. Trong đó có 04 mã cơ sở đóng gói sầu riêng và 23 mã số vùng trồng (chiếm 45% mã số vùng trồng cả nước được phê duyệt), với diện tích 1.500 ha (chiếm 18,3% diện tích sầu riêng cho thu hoạch của tỉnh).
Để công tác thiết lập, quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng của tỉnh theo quy mô sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, góp phần xây dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững. Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác thiết lập quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, với mục đích là tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, kịp thời và đồng bộ các quy định của nước nhập khẩu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra, đánh giá, giám sát, kiểm soát chất lượng, quản lý sinh vật gây hại tại những mã số vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trong việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra, đánh giá, giám sát, kiểm soát chất lượng, quản lý sinh vật gây hại tại những mã số vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; Nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trong việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm; Thiết lập các vùng trồng nói chung và cây trồng trọng điểm của tỉnh nói riêng với mục tiêu đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc tiêu thụ nội địa trong tình hình mới. Đáp ứng quy định về Kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm; Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển, thành lập mới các Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất phát triển mạnh cả về chiều sâu và chiều rộng; Đối với thị trường trong nước: hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản, gắn với chỉ dẫn địa lý; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm; Đối với thị trường xuất khẩu: tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, ngành Trung ương, cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu; tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường các nước; Đẩy mạnh chuyển đổi số đối với công tác quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ truy suất nguồn gốc sản phẩm.
Theo đó phân công Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối của tỉnh tổ chức thực hiện công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn về quy trình canh tác theo tiêu chuẩn Viet Gap, GAP, Global GAP…, quy trình kiểm soát dịch hại, ghi chép hồ sơ, cập nhật thông tin mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong quá trình sản xuất để truy suất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của nước nhập; Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh giải quyết các rào cản kỹ thuật và xử lý các thông báo không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm hoặc phòng chống Covid-19…; Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quy trình phòng trừ dịch hại đối với cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu…, đặc biệt là các loại sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm; hướng dẫn sử dụng phầm mền quản lý từ khâu sản xuất đến xuất khẩu sản phẩm; Phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, THT liên kết chặt chẽ với người dân; giữa liên kết với người dân và giữa người dân với người dân để đảm bảo quy mô diện tích vùng trồng; Khẩn trương xây dựng Đề án mã số vùng trồng cho một số cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng, bơ giai đoạn 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện; Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch triển khai công tác quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói xuất khẩu của các đơn vị, kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết đối với các nội dung vượt thẩm quyền.
Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn lực thực hiện việc thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân liên quan; thực hiện các chương trình giám sát sinh vật gây hại, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số theo quy định.
Sở Công Thương thường xuyên nắm bắt dự tính, dự báo tình hình xuất nhập khẩu nông sản, các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong quá trình xuất khẩu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản của tỉnh. Đẩy mạnh công tác mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại; Phối hợp với Cục Hải quan Đắk Lắk hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo chí địa phương; hệ thống Đài truyền thanh - Truyền hình cấp huyện; Đài truyền thanh cấp xã và các phương tiện truyền thông khác trên địa bàn tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của thị trường nhập khẩu. Thông tin kịp thời về tình hình xuất khẩu của tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất đưa các nội dung về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc, đăng ký thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm sầu riêng của tỉnh lên hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia; Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, THT để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các Hội, Hiệp hội liên quan trên địa bàn tỉnh phối hợp với cơ quan quản lý tại phương tập trung hỗ trợ thành lập mới các HTX, THT. Tổng hợp danh sách HTX trồng, sản xuất sầu riêng, giới thiệu cho Sở Nông nghiệp và PTNT để các HTX được tiếp cận, hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng; Phối hợp với với cơ quan quản lý tại phương trong việc thiết lập, giám sát sinh vật gây hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng. Đồng thời, tuyên truyền phổ biến cho thành viên các quy định về mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, đặc biệt là quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.
Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng, cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; Chịu trách nhiệm là đầu mối tại địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn, quản lý, giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu; Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói liên kết nông dân, HTX, THT để cấp mã số vùng trồng; Hàng năm bố trí nguồn lực (nhân lực và tài chính) thực hiện giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng các biện pháp sức khoẻ cây trồng tổng hợp; duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói thực hiện liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Tuân thủ, thực hiện và duy trì các vùng trồng đảm bảo các quy định của thị trường nhập khẩu.