Hội nghị tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA Thành quả – Tồn tại – Giải pháp tận dụng hiệu quả

Thứ năm - 29/12/2022 23:03
Vào ngày 27/12/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết hai năm thực thi hiệp định EVFTA – những thành quả đã đạt được, những vấn đề còn tồn tại và giải pháp tận dụng hiệu quả hiệp định với chủ đề cụ thể “Kết nối để vươn xa hơn”. Hội nghị đã được tổ chức với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương – Ông Trần Quốc Khánh, trưởng đoàn đàm phán chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, cùng các đại diện của các bộ, ngành như: Ông Ngô Chung Khanh, Ông Tạ Mạnh Cường, cùng các diễn giả của cộng đồng doanh nghiệp như: Ông Nguyễn Văn Hiếu từ tập đoàn Lộc Trời, Ông Nguyễn Đình Thăng - Nhật Việt Vento Hải phòng, Ông Phạm Thanh Hà – tập đoàn Phú Gia, Ông Phạm Đình Thưởng – Công ty Tư vấn đầu tư và tận dụng Hiệp định thương mại tự do KTPC và đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp.
Tại hội nghị, các diễn giả mang đến các câu chuyện thành công và khó khăn từ việc tận dụng hiệu quả của các hiệp định thương mại tự do cho tới thời điểm này sau 2 năm thực hiện.
z3999516158297 2414220d8d4108b4be0269232c79bb8f
Quang cảnh Hội nghị

Ông Trần Quốc Khánh đã tái khẳng định tại Hội nghị: EVFTA được xây dựng dựa trên các kết cấu cân bằng giữa hai đối tác, là sức bật quan trọng, hiện thực hoá những kỳ vọng phát triển kinh tế, trao đổi thương mại 2 chiều và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh Châu Âu. Qua đó, trao đổi thương mại năm đầu tiên của hiệp định đạt 55 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,1% so với cùng kỳ; năm thứ 2 đạt 61 tỉ đô la Mỹ, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 57 tỉ đô la Mỹ cho tới thời điểm tháng 10 năm 2022, tăng 14$ so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng trong 3 năm liền đạt 3 con số. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ hiệp định khá cao, thông qua thực tế rằng giấy chứng nhận xuất xứ EU 1 đã đạt 8,1 tỉ đô la Mỹ, chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang EU (đi 17 nước EU) trong 10 tháng năm 2022.
Theo thông tin từ VCCI, khoảng 41% các doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã từng hưởng lợi một cách gián tiếp hoặc trực tiếp từ hiệp định, mức độ hiểu biết của doanh nghiệp với hiệp định tăng gấp 2 lần so với năm đầu tiên (đạt hơn 94%).
Dư địa từ thị trường, cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư còn lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỉ trọng xuất khẩu còn thấp với chỉ khoảng 11-12%, chỉ có 50% các tỉnh thành có quan hệ thương mại với liên minh Châu Âu với tỉ trọng khá thấp. Doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục thực hiện việc gia công, một số còn e ngại các đòi hỏi về chất lượng từ EU, doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự xây dựng được thương hiệu và hình ảnh tại thị trường Châu Âu.
Theo Ông Ngô Chung Khanh: Các mặt hàng như gạo, nếu không có EVFTA, mức thuế suất sẽ khoảng 200 Euro/tấn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gần như không thể cạnh tranh được với các nước khác như: Campuchia, Thái Lan, thậm chí cả gạo nội địa...Theo Ông Khanh, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể làm gia công nhưng phải tận dụng công nghệ thông tin và sự phát triển của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển hoạt động xây dựng thương hiệu, mang lại giá trị bền vững về lâu dài. Hiện nay, hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan ban, ngành trung ương và địa phương (xây dựng kế hoạch thực hiện từ địa phương) còn chưa hiệu quả vì không có kinh phí và nguồn lực. Từ đó, định hướng và giải pháp mà Ông Khanh đưa ra bao gồm 4 hướng: (1) xử lí vấn đề kết nối hiệu quả, khi doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin về lao động, môi trường, nông nghiệp...Bộ Công Thương sẽ kết nối các cơ quan có liên quan với nhau để cung cấp thông tin mang tính chính xác, thiết thực và đầy đủ, thông tin của các cán bộ, chuyên gia thực hiện chuyên trách với doanh nghiệp, xây dựng cổng thông tin kết nối về FTA, (2) phối hợp xây dựng chỉ số đánh giá FTA để các tỉnh, thành quan tâm hơn tới việc thực thi các FTA...từ đó doanh nghiệp sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ các hiệp định nói chung; (3) đổi mới hình thức tuyên truyền bằng cách tổ chức các hội nghị mang tính chuyên sâu, thu nhỏ, kết nối các CEO, chủ doanh nghiệp; (4) Xây dựng các video clip theo chủ đề để có độ lan toả sâu rộng hơn.
Ông Tạ Mạnh Cường, từ Cục Xúc tiến Thương mại cho biết Cục hiện đang rất tích cực tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia như hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ như: Cian Paris, BioFes – Đức, “PLMA's World of Private Label” - Hà Lan, tổ chức giao ban thường xuyên với các thương vụ các nước theo hình thức hybrid (vừa trực tuyến vừa trực tiếp), kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức nước ngoài, phát triển kết nối cung cầu, phiên tư vấn trong và ngoài nước, các phiên dành riêng cho từng địa phương, các sản phẩm đặc thù cùng các chương trình truyền thông cho các sản phẩm trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong và ngoài nước, các tạp chí, truyền hình uy tín, các tài liệu truyền thông được dịch thành 6 ngôn ngữ phổ biến...Tuy nhiên, phải tạo ra mối quan hệ hữu cơ giữa doanh nghiệp và các tổ chức xúc tiến để làm cho các hoạt động xúc tiến thương mại được hiệu quả, đặc biệt trong hoạt động phát triển thương hiệu địa phương.
Đối với kinh nghiệm trong xuất khẩu từ việc tận dụng hiệp định EVFTA, Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc kinh doanh xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời đã chia sẻ, trước đây, gạo Việt Nam nói chung còn mức dư lượng thuốc trừ sâu khá cao, mức thuế suất nhập khẩu trước năm 2020 là trở ngại cho việc xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, từ khi EVFTA có hiệu lực, gạo được miễn thuế 0%, cơ hội được mở rộng, cạnh tranh công bằng, tăng diện tích vùng trồng, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng các quy chuẩn phù hợp với thị trường, xây dựng chuỗi giá trị xuất khẩu bền vững từ khâu chọn giống trồng trọt, xây dựng hình ảnh, xây dựng thương hiệu...Trong những năm qua, tập đoàn này đã xuất khẩu 55.000 tấn năm 2020, năm 2021: 65.000 tấn, năm 2022: hơn 100.000 tấn gạo vào thị trường EU.
Theo sự chia sẻ, thị trường EU chia làm 2 mảng hoạt động: B2B (người mua và người bán tiếp xúc trực tiếp) và Mass Market (hệ thống siêu thị), muốn vào thị trường này, cần biết luật chơi, trong đó, nếu gạo đạt chuẩn sẽ xuất được vào thị trường này (với B2B), còn đối với Mass Market, cần phải cam kết đạt chuẩn theo mẫu (sample) sản phẩm đã đạt được với thị trường này, ngoài ra, phải kiên định theo đuổi các điều kiện tiêu chuẩn (chất lượng sản phẩm), cam kết thị trường và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu với thị trường này. “Cơm Việt Nam Rice” đã được định hướng xây dựng và đã xuất được đi hệ thống siêu thị Pháp (Carrefour và Le Clair), Lộc trời đã mất hơn 2 năm để định hình chất lượng, truy xuất nguồn gốc, hàm lượng khí thải CO2 thải ra khi trồng trọt, ngoài ra, đã tiêu tốn nguồn lực tài chính khổng lồ cho hoạt động quảng bá sản phẩm, người tiêu dùng mua gạo Lộc trời từ 2 hệ thống này luôn mới, người mua có thể tới các địa điểm sản xuất, tiếp xúc người nông dân để tìm hiểu thực tế.
Một trong những ưu thế khi xuất khẩu vào EU, doanh nghiệp Việt Nam không cần phải qua con đường đàm phán cho từng sản phẩm như Mỹ, Trung Quốc, tuy nhiên, EU lại kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng mặt hàng nhập khẩu, sản phẩm rau, củ quả trái cây phải có công nghệ bảo quản hiện đại phải đáp ứng được trên 45 ngày bảo quản mà không làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, điều này làm hạn chế tỉ trọng xuất khẩu mặt hàng này, ngoài ra, tiếng vang về mặt thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam chưa đạt, chưa có thương hiệu quốc gia cho mặt hàng trái cây chung, vì vậy, cần lưu ý với các chương trình xây dựng thương hiệu như tuần lễ trái cây Việt Nam tại các nước EU, đây là các chia sẻ của Ông Nguyễn Đình Tùng – TGĐ Vina T&T, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam.
Cũng tại hội nghị, Ông Phạm Thanh Hà - Tập đoàn Phú Gia đã chia sẻ các khó khăn, thách thức khi có EVFTA, cán cân thương mại cân bằng là điều Ông trăn trở khi xuất đi thực phẩm từ Việt Nam là điều rất khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, thách thức khi xuất khẩu đi EU chính là những điều kiện ràng buộc về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và sự bảo hộ ngành nông nghiệp của các nước đối tác chứ không phải là vấn đề thủ tục, giấy tờ.
Kết thúc Hội nghị, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp cho vấn đề tồn tại hiện nay, trong đó, Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, khi vẫn còn tồn tại việc gia công, thì cản trở chính của doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường EU chính là việc xây dựng thương hiệu và việc quảng bá, đẩy mạnh hình ảnh sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và thương hiệu Việt Nam nói riêng cần sự tham gia của toàn bộ hệ thống, không chỉ riêng doanh nghiệp. Riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tận dụng việc quảng bá thông qua các kênh thương mại điện tử và các đối tác trung gian hoạt động thương mại điện tử

Nguồn tin: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Phòng Quản lý thương mại

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây