Những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thi hành luật an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công Thương

Thứ hai - 08/04/2024 00:10
An toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm và coi đây là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, về an toàn xã hội, sức khoẻ cộng động, về bảo vệ môi trường và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam.
Luật ATTP năm 2020, có hiệu lực thi hành từ tháng 01/2021, đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng tương đối đầy đủ và kịp thời; đã được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tế; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ATTP về cơ bản đầy đủ, sát thực với tình hình thực tế của địa phương và hội nhập quốc tế; theo hướng đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, đã thay đổi phương thức kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh từ bị động, rời rạc của từng địa phương sang kiểm tra chủ động, có hệ thống dựa trên đánh giá rủi ro, phân loại cơ sở để tập trung nguồn lực kiểm soát, xử lý các cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các qui định về chất lượng, ATTP. Việc ban hành các văn bản đảm bảo tính đồng bộ trong chỉ đạo và triển khai thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Nhìn chung, hệ thống văn bản pháp luật ATTP ban hành giai đoạn 2011-2021 đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về ATTP, đặc biệt là Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 21/10/2011; Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; cơ bản phù hợp các Điều ước, Hiệp định quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia, thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành cơ bản phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đã xây dựng được một hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về thực phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước áp dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm cũng như kiểm soát ATTP. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATTP cơ bản phù hợp với tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (Codex); Tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đã từng bước được củng cố và hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý, khắc phục được tình trạng bất cập trọng phân công, phân cấp quản lý ATTP. Công tác thông tin giáo dục truyền thông được đẩy mạnh; các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và phối hợp liên ngành có hiệu quả; thông qua hệ thống Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã đã được thành lập, kiện toàn vận hành thống nhất và hiệu quả.
Nhận thức của các cấp, các ngành về tầm quan trọng của ATTP được nâng cao; ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và hiểu biết của người dân trong đảm bảo ATTP từng bước được cải thiện. Các quy định về ATTP trong hoạt động thương mại hiện hành đã tạo hành lang pháp lý tích cực cho hoạt động kinh doanh thực phẩm trong nước cũng như quốc tế.
1
Tập huấn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Hệ thống văn bản về quản lý chất lượng, ATTP tương đối đầy đủ nhưng số lượng văn bản còn nhiều gây khó khăn khi tra cứu, áp dụng phục vụ công tác quản lý ATTP của cơ quan quản lý và việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cơ sở. Nội dung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ATTP tập trung nhiều vào các quy định về quản lý và kỹ thuật mà ít đề cập đến các quy định về nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu ATTP. Còn thiếu quy định về quản lý như: quy định về chỉ tiêu ATTP đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật còn thiếu, chưa đồng bộ để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; quy định về phân cấp trong điều tra NĐTP, chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP còn thiếu nhất là đối với các sản phẩm truyền thống của địa phương như tinh bột nghệ, dụng cụ ăn uống bằng tre, men rượu... Do lĩnh vực ATTP rộng, liên quan đến nhiều quy định của nhiều pháp luật khác nhau nên một số quy định hướng dẫn Luật ATTP còn chưa đồng bộ. Ví dụ: quy định việc quản lý về ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP của 03 ngành chưa có sự thống nhất; chưa thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về ATTP đối với loại hình chợ. Một số khái niệm còn chưa thống nhất giữa các luật như khái niệm “sản xuất thực phẩm” và “kinh doanh thực phẩm” chưa thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật ATTP; khái niệm “cấm sử dụng”, “danh mục được phép sử dụng ”,“chưa được phép sử dụng”, “chưa được phép lưu hành tại Việt Nam”...chưa được thống nhất và giải thích rõ ràng trong các tiêu chuẩn và quy chuẩn để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện Luật ATTP.
Một số quy định còn chưa rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn và không khả thi, cụ thể: tại điểm a, Khoản 1 Điều 36 Luật ATTP, quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong đó quy định hồ sơ cấp có “Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về ATTP của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành”, khoản 1 Điều 10 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP quy định “Người trực tiếp sản xuất phải được tập huấn kiến thức ATTP và được chủ cơ sở xác nhận”. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn Luật ATTP chưa quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm thuộc cơ quan nào thực hiện tập huấn kiến thức ATTP. Việc giao cho các doanh nghiệp, cá nhân tự tổ chức tập huấn không đảm bảo tính khách quan và tính hiệu quả trong thi hành pháp luật.
2
Người tiêu dùng tham quan, mua sắm tại siêu thị
Tỷ lệ các sản phẩm thực phẩm có áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP so với sản phẩm thực phẩm được sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ trên thị trường còn thấp, việc quy định công bố sản phẩm còn mang nặng tính hồ sơ, thủ tục hành chính đối với cơ sở sản xuất. Hiện nay, việc sản xuất sản phẩm rất đa dạng nhưng số lượng tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đảm bảo cho công tác quản lý vẫn còn thiếu, đặc biệt là đối với những thực phẩm truyền thống. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được ban hành không phù hợp, gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm để lựa chọn các chỉ tiêu kiểm nghiệm trong công bố sản phẩm; nhiều thực phẩm mang tính đặc sản vùng miền đang được các địa phương trong tỉnh phát triển thương hiệu hoặc sản phẩm OCOP nhưng vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật để áp dụng, quản lý. Việc thay đổi phương thức quản lý ATTP được quy định trong Nghị định 15/2018/NĐ-CP với việc chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhưng lại đặt ra mối lo ngại về quản lý chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường. Các sản phẩm tự công bố một cách dễ dàng, không qua xét duyệt của các cơ quan chuyên môn. Trong khi đó hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm do thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị cần thiết, thiếu kinh phí nên hoạt động hậu kiểm của cơ quan quản lý chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu so với thực tế, nhất là trong bối cảnh lượng sản phẩm tự công bố ngày càng phong phú. Vì vậy, từ khi thực hiện tự công bố đã tồn tại nhiều các sản phẩm công bố không đúng, không đầy đủ, dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm. Phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP còn hạn chế; phần lớn cán bộ làm công tác ATTP cấp huyện, cấp xã hoạt động kiêm nhiệm nên hiệu quả chưa cao.
3
Đoàn TTKT liên ngành về ATTP làm việc tại cơ sở kinh doanh thực phẩm
Phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu là hộ gia đình, cơ sở nhỏ lẻ và hoạt động theo mùa vụ nên việc tiếp nhận và duy trì quy định về ATTP hạn chế. Việc xây dựng và hình thành các vùng sản xuất tập trung còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tích tụ, tập trung đất đai; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được hoàn thiện.... Số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh rất nhiều và thường xuyên biến động, trong khi Nghị định số số 15/20218/NĐ-CP quy định các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, nhà hàng trong khách sạn, bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm thuộc diện không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Ở tuyến huyện: trừ ngành Y tế có Phòng Y tế, Trung tâm y tế; còn ngành Nông nghiệp và Công thương, tuy được giao quản lý ATTP nhưng không có bộ phận chuyên trách quản lý, nhiều địa phương quản lý ATTP của lĩnh vực Nông nghiệp được giao cho phòng Kinh tế nên chưa bố trí cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý về ATTP mà chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, lực lượng cán bộ mỏng nên việc tham mưu, quản lý còn nhiều hạn chế. Ở tuyến tỉnh: công tác quản lý nhà nước về ATTP giao cho các phòng thuộc Sở Công Thương kiêm nhiệm, trong đó Phòng Quản lý Công nghiệp là đầu mối về quản lý ATTP và thực hiện quản lý nhà nước về ATTP trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồng thời phối hợp với Thanh tra Sở và các phòng chuyên môn thực hiện việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về ATTP nhưng không có bộ phận chuyên trách về ATTP dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra về ATTP. Thực phẩm liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, ngành, nên còn có tình trạng văn bản quy phạm mang tính cục bộ, lĩnh vực của bộ nào thì bộ đó quản lý, ít quan tâm đến tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý thực phẩm. Sự hợp tác, phối hợp giữa các bộ trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chưa được quan tâm đúng mức nên việc thực hiện pháp luật gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện Quyết định số 17/2020/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2020 Quy định quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Sở Công Thương thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các chợ, siêu thị trên địa bàn quản lý; tích cực tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành quản lý, thực hiện tốt việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và ký cam kết ATTP thuộc lĩnh vực Công Thương quản lý. Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu, bia trên địa bàn tỉnh; đã phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và địa phương đã thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu giám sát các siêu thị, cửa hàng tiện ích, hệ thống Bách hóa Xanh, cửa hàng tạp hóa tại các chợ truyền thống....để kiểm tra ngẫu nhiên về hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, nhất là hạn sử dụng các sản phẩm ghi trên bao bì. 
4
Nhân viên Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung đang vận hành máy chiết bia
Đối với quản lý ATTP trong sản xuất rượu: trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phần lớn không thực hiện đăng ký kinh doanh thuộc trách nhiệm quản lý ATTP của Ủy ban nhân dân cấp huyện; sản phẩm rượu đóng can không dán nhãn, không thực hiện tự công bố sản phẩm, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, nắm bắt, kiểm tra, giám sát… Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nằm rải rác ở địa bàn nông thôn, sản xuất không thường xuyên, không đăng ký kinh doanh; điều kiện về địa điểm sản xuất, điều kiện về trang thiết bị dụng cụ chưa phù hợp theo quy định của pháp luật. Do đó tình hình thực hiện cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu thủ công trên địa bàn tỉnh cũng còn hạn chế; một số cơ sở muốn thực hiện cấp phép nhưng không đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật. Mặc dù đã có Nghị định số 105/2017/NĐ-CP quản lý nhưng chưa có quy định riêng về quản lý ATTP đối với sản xuất rượu thủ công do đó rất khó kiểm soát chất lượng; gây thất thu ngân sách Nhà nước; thiếu công bằng với các cơ sở kinh doanh rượu có giấy phép do không phải chịu các chi phí về tuân thủ pháp luật (cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; giấy phép sản xuất rượu; tem rượu; thuế tiêu thụ đặc biệt…); đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và các hệ luỵ từ sử dụng rượu, ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn xã hội.  
Qua 10 năm tổ chức triển khai, thực hiện Luật ATTP, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ngành Công Thương được duy trì thường xuyên, phát huy hiệu quả; năng lực, vai trò và trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, công chức quản lý trong công tác quản lý nhà nước về ATTP được cải thiện; nhận thức của chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm được nâng cao; ý thức người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn ngày càng tiến bộ.... Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ngành Công Thương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành Luật an toàn thực phẩm, do đó cần có các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để quản lý ATTP.
Cần tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực thi Luật ATTP và các văn bản pháp luật có liên quan để sửa đổi Luật ATTP theo hướng: thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước trong công tác ATTP, bảo đảm an toàn, sức khỏe cho con người, phát triển kinh tế - xã hội; góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với pháp luật quốc tế.
Đổi mới phương thức quản lý ATTP từ tiền kiểm, sang hậu kiểm, dựa trên kiểm soát nguy cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tăng cường truyền thông, minh bạch hóa thông tin quá trình sản xuất, kinh doanh  thực phẩm; tăng cường trách nhiệm đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý ATTP đủ mạnh, tập trung, thống nhất một đầu mối trong quản lý ATTP; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật về kiểm nghiệm, xét nghiệm thực phẩm đủ mạnh phục vụ kiểm soát nguy cơ và xử phạt vi phạm pháp luật.
Tăng cường nguồn lực cho hoạt động xây dựng pháp luật trong quản lý ATTP; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác, rà soát, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ATTP; bảo đảm cấp đủ ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu, xây dựng, ban hành pháp luật về quản lý ATTP; tăng cường quản lý ATTP cấp xã, phường.
Đầu tư xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về ATTP phù hợp với quốc tế; đẩy mạnh công tác đánh giá sự phù hợp, công nhận và thừa nhận lẫn nhau trong quản lý ATTP; xây dựng TCVN đối với các sản phẩm thực phẩm được sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh có số lượng lớn, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng (dựa theo kết quả thanh tra, kiểm tra, đăng ký tự công bố/đăng ký công bố, giám sát chất lượng sản phẩm kết hợp với đánh giá điều kiện bảo đảm ATTP tại cơ sở và các quy định có liên quan) để làm căn cứ trong sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước về ATTP theo quy định vì hiện nay, sản phẩm thực phẩm được sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh rất đa dạng.
Rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách cho người dân và doanh nghiệp liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; chính sách đầu tư hạ tầng và hỗ trợ phát triển các mô hình chuỗi giá trị thực phẩm theo hướng sản xuất quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu; đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hữu cơ tạo nguồn thực phẩm an toàn cho tiêu dùng và chế biến công nghiệp; tăng cường áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu song song với hoạt động giám sát mối nguy, giám sát chất lượng của các cơ quan quản lý; xây dựng ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định của trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã, phường về lĩnh vực ATTP.
Căn cứ tình hình thực tế địa phương để có các chương trình, đề án phù hợp địa phương; giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng; tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập lậu, đặc biệt là các huyện có biên giới. Tiếp tục xây dựng mô hình điểm và duy trì có hiệu quả các mô hình điểm điển hình về ATTP. Đánh giá kết quả, hiệu quả hoạt động của mô hình điểm, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình tại các địa phương. Tăng cường công tác giám sát để phát hiện, cảnh báo cho người tiêu dùng biết không sử dụng những sản phẩm mất an toàn. Thực hiện có hiệu quả các nội dung Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí Thư về “tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”; triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình về ATTP, thực hiện điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới; củng cố tổ chức, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ATTP.
Đẩy mạnh việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giải pháp công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý ATTP; tuyên truyền, vận động, khuyến khích, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; bố trí đủ ngân sách cho công tác quản lý ATTP. Đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính thực hiện công tác đảm bảo ATTP .

Tác giả: Nguyễn Thị Cẩm Tú - Phòng QLCN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây