Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 14/03/2024 22:24
Triển khai thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 23/6/2023 thực hiện chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 23/6/2023 của UBND tỉnh nhằm quán triệt, nắm vững các quan điểm và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị chức năng đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn nhân lực cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Nhằm triển khai đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp theo Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 23/6/2023 của UBND tỉnh Đắk Lắk. Năm 2023, Sở Công Thương đã tiếp nhận 137 hồ sơ đề nghị thực hiện TTHC thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm và rượu, tất cả hồ sơ đều được tiếp nhận trực tuyến, đã cấp 119 Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và tiếp nhận 168 hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm của các tổ chức, cá nhân. Tổ chức 08 đoàn thanh kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đã tiến hành thanh kiểm tra tại 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Ban hành 08 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 61.566.000 đồng. Đoàn thanh kiểm tra đã lấy 17 mẫu thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh gửi kiểm nghiệm đánh giá chất lượng ATTP tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định. Kết quả: 01/17 mẫu không đạt chỉ tiêu chất lượng ATTP theo quy định.
Phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương và Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại tổ chức 08 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm và phát triển nguồn nhân lực thương mại cho các cán bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ngành Công Thương; các cán bộ làm công tác quản lý thương mại; đơn vị quản lý chợ (Ban quản lý chợ, UBND các xã được giao quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý và khai thác chợ); các tiểu thương kinh doanh tại chợ; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025”, với số lượng tham gia là 516 học viên.
Triển khai sử dụng Hệ thống quản lý văn bản điện tử (Idesk) trong việc thực hiện hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, xử lý công việc liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tất cả văn bản do cơ quan hành chính nhà nước phát hành đều được tiếp nhận và xử lý bằng hệ thống quản lý văn bản điện tử. Việc phát hành văn bản điện tử được sử dụng chữ ký số chuyên dùng thông qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Việc giải quyết công việc trên môi trường điện tử đã giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian chuyển xử lý văn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công việc.
Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn; phát huy vai trò của hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistic, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành. Tham mưu phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, xây dựng và nhân rộng phát triển mô hình chợ an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; khuyến khích thương nhân áp dụng hình thức thanh toán điện tử trong kinh doanh, khuyến khích phát triển hoạt động thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm của tỉnh nhà; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp đối với thực phẩm.Tỉnh Đắk Lắk có diện tích rộng, địa hình phức tạp, dân cư đông với nhiều dân tộc sinh sống, đời sống kinh tế còn khó khăn, phong tục, tập quán trong sản xuất, chăn nuôi còn theo hộ gia đình nhỏ lẻ, do đó công tác quản lý an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù công tác quản lý an toàn thực phẩm được triển khai nhiều giải pháp, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn; tuy nhiên một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác tham mưu nhất là cấp xã, phường, thị trấn do còn thiếu về nhân lực và hạn chế về chuyên môn. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa được quan tâm đúng mức do việc đầu tư ngân sách phục vụ cho các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm chưa thực sự đủ sức răn đe (tại tuyến huyện, công tác thanh tra, kiểm tra còn chủ yếu nhắc nhở, cảnh cáo; còn tuyến xã, phường, thị trấn hầu như chưa triển khai công tác kiểm tra, giám sát). Bên cạnh đó, phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu và sự phối hợp liên ngành giữa các ban ngành, đoàn thể trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm chưa được thường xuyên.
Năm 2024, ngành Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về an ninh, an toàn thực phẩm vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Chủ động phối hợp thường xuyên với các cơ quan truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền pháp luật và các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; thông tin rộng rãi, dễ tiếp cận số điện thoại đường dây nóng và đầu mối tiếp nhận, xử lý tố giác, phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm việc kinh doanh các loại sản phẩm thực phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đủ các điều kiện lưu thông trên thị trường; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát về điều kiện an toàn thực phẩm đối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật thực hiện sản xuất, kinh doanh; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo lĩnh vực được phân công phụ trách.
Tiếp tục chủ động, rà soát, đánh giá hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh; phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định và Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế và các đơn vị, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội triển khai hiệu quả các hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.