Nhiều chính sách đã được ban hành nhằm phát trình ngành công nghiệp nói chung và ngành cơ khí nói riêng như Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 09/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 09/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp việt nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035…
Hiện trạng ngành cơ khí tỉnh Đắk Lắk
Sự phát triển ngành cơ khí tỉnh Đắk Lắk đã qua nhiều giai đoạn, đến nay đã phát triển ổn định và đóng góp nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay tỉnh Đắk Lắk có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp, cơ sở cơ khí, thành phố Buôn Ma Thuột chiếm tỷ lệ cao khoảng 35,9% so với tổng doanh nghiệp, cơ sở cơ khí của các huyện, thị xã của tỉnh. Một số doanh nghiệp tích cực tham gia hoạt động khoa học công nghệ và đã được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ như Công ty TNHH SX TM DV – XNK Đăng Phong, Công ty TNHH Đắc Hải, Công ty TNHH cơ khí Xuân Hoà.
Về Quy mô sảnh xuất của các doanh nghiệp, cơ sở cơ khí chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, các cơ sở nhỏ và hộ gia đình chiếm khoảng 90% trên tổng số doanh nghiệp, cơ sở. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn đã sản xuất các sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, những máy, dây chuyền thiết bị chế biến nông – lâm sản trước đây phải nhập từ các tỉnh ngoài hoặc nhập khẩu thì đến nay cơ khí Đắk Lắk đã làm chủ được công nghệ, quy trình sản xuất. Các sản phẩm như bơm tưới, bét tưới, thiết bị chế biến cà phê khô, hệ thống dây chuyền chế biến cà phê ướt, thiết bị phân loại cà phê nhân xô đã chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh và khả năng cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước.
Sản phẩm cơ khí ngành cơ khí tỉnh Đắk Lắk đa dạng cung cấp hầu hết các lĩnh vực nông lâm nghiệp, giao thông, thuỷ lợi, dân dụng… Trong đó sản phẩm cơ khí cho ngành nông lâm nghiệp đã chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh, ước tính năm 2024 số lượng sản phẩm cơ khí tỉnh Đắk Lắk đối với thiết bị chế biến nông sản đạt khoảng 18.000 chiếc, bơm nước các loại đạt khoảng 68.000 chiếc, luyện cán thép đạt khoảng 390 ngàn tấn, cán tôn đạt khoảng 820 ngàn m2. Nhiều sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh cao trên thị trường nhất là các sản phẩm phục vụ cho ngành cà phê. Một số sản phẩm chủ yếu ngành cơ khí tỉnh sau đây:
- Ngành cà phê, tiêu: Hệ thống dây chuyền chế biến cà phê ướt công suất lớn, thiết bị chế biến cà phê ướt cho hộ gia đình, thiết bị xát vỏ cà phê tươi và khô, thiết bị xát hồ tiêu, các loại thiết bị phân loại cà phê nhân xô (bao gồm thiết bị phân loại màu), thiết bị sấy cà phê…
- Thiết bị bơm tưới: Sản phẩm đa dạng về chủng loại, công suất cung cấp nhiều lĩnh vực, điển hình một số loại như: Bơm hoả tiễn, bơm cơ, bơm điện thả chìm, bơm công suất lớn phục vụ thuỷ lợi, bét tưới…
- Sản phẩm cho xây dựng dân dụng, tiêu dùng: Cửa nhôm, cổng tường rào, thiết bị nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, bồn nước inox…
- Thiết bị điện, công nghiệp hỗ trợ: Động cơ điện, máy biến áp, sản phẩm phôi gang đúc…
- Các sản phẩm khác: Thép xây dựng, rơ moóc, thiết bị tỉa hạt bón phân, tuốt chế biến các loại nông lâm sản…
Bên cạnh những lợi thế là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn thứ 4 cả nước với hơn 13.000 km2 với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn (khoảng hơn 276.000 ha cây công nghiệp cà phê cao su, hồ tiêu, trên 43.000 ha cây ăn quả, khoảng 110.000 ha lúa) tạo nên thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm cơ khí nông nghiệp; mục tiêu xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm khu vực Tây Nguyên có nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm tạo ra nhiều dịch vụ duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa máy móc, thiết bị; kinh tế xã hội phát triển nhu cầu sản phẩm cơ khí tiêu dùng, dân dụng ngày càng tăng. Tuy nhiêu ngành cơ khí tỉnh có nhiều hạn chế và yếu tố không thuận lợi ảnh hưởng đến phát triển:
- Doanh nghiệp, cơ sở cơ khí trong tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, các sản phẩm của cơ sở cơ khí cung cấp chủ yếu thị trường trong tỉnh, đầu tư công nghệ, trang thiết bị sản xuất chưa hiện đại, đồng bộ, sản xuất theo hình thức đơn chiếc và kiểu dáng công nghiệp chưa cao; mặc dùng các doanh nghiệp quy mô vừa đã đầu tư lớn tuy nhiên so với yêu cầu đầu tư về nguồn vốn, trình độ khoa học công nghệ, tính chuyên môn hóa, hợp tác hóa thì các doanh nghiệp trong tỉnh cũng khó tạo ra các sản phẩm không có lợi thế của địa phương để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài.
- Năng lực quản lý doanh nghiệp, cơ sở cơ khí còn hạn chế, tư duy của lãnh đạo về thay đổi công nghệ sản xuất, kiểu dáng sản phẩm, điều hành sản xuất, phát triển thị trường theo lề lối cũ và không có nhiêu sự thay đổi.
- Hợp tác hoá, chuyên môn hoá và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí của tỉnh hạn chế, xuất phát từ đặc điểm hình thành các doanh nghiệp, cơ sở cơ khí là nhỏ và các sản phẩm của ngành cơ khí trong tỉnh không yêu cầu nhiều chi tiết phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao cần phải nghiên cứu, chế tạo và sản xuất hàng loạt. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh việc hợp tác hoá, chuyên môn hoá các doanh nghiệp, cơ sở cơ khí cũng chỉ dừng ở mức độ một vài chi tiết, công đoạn như các đơn vị chuyên đúc phôi cung cấp cho các đơn vị sản xuất máy, thiết bị nông nghiệp.
- Sản phẩm chưa được tiêu thụ rỗng rãi mặc dù năng lực sản xuất có khả năng đáp ứng.
Những nguyên nhân hạn chế sự phát triển ngành cơ khí tỉnh như sau:
- Các quy định của pháp luật phát triển ngành cơ khí chưa đồng bộ, các chính sách để hỗ trợ ngành công nghiệp cơ khí còn chồng chéo chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn, thủ tục hành chính chưa tinh gọn gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện.
- Vị trí địa lý tỉnh Đắk Lắk nằm cách xa vùng kinh tế phát triển, không có cảng biển, đường sắt và cảng hàng không quốc tế. Yếu tố này ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến lưu thông hàng hoá, nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp như thép và các loại hợp kim màu, hầu hết các nguyên phụ liệu này trong nước chưa sản xuất được nên phải nhập khẩu. Đối với sản phẩm ngành cơ khí không tiêu thụ trực tiếp tại tỉnh phải vận chuyển đến thị trường khác làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh.
- Nguồn lực của các chủ doanh nghiệp, cơ sở cơ khí tỉnh còn hạn chế không đủ năng lực để mở rộng quy mô công suất, thay đổi công nghệ để gia công các sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao.
- Chưa có các dự án đầu tư sản xuất cơ khí có quy mô lớn, các tập đoàn sản xuất các máy, thiết bị có nhiều chi tiết phức tạp, do đó không hình thành được loại hình công nghiệp hỗ trợ phát triển mặc dù Đắk Lắk có lợi thế về số lượng doanh nghiệp cơ khí nhỏ.
- Nguồn nhân lực và trình độ: Công tác đào tạo chuyên ngành cơ khí chưa được quan tâm đúng mức, giáo trình đào tạo chưa được cập nhật thường xuyên, liên tục kiến thức tiến bộ của khoa học – kỹ thuật, nội dung đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu làm việc tại địa phương thiếu sự kết nối giữa các đơn vị đào tạo và các doanh nghiệp, cơ sở cơ khí trong tỉnh. Nhân lực sau đào tạo làm việc không ổn định, mức lương và chế độ đãi ngộ chưa thu hút được lực lượng sản suất ngành cơ khí.
- Thị trường tiêu thụ các sản phẩm cơ khí vẫn còn hạn chế, các chủ doanh nghiệp chưa chú trọng về quảng bá thương hiệu, ít quan tâm về xúc tiến thương mại đến các thị trường có tiềm năng.
Các giải pháp để từng bước phát triển ngành cơ khí:
- Xây dựng ban hành quy phạm pháp luật về phát triển ngành cơ khí, phát triển các sản phẩm công nghiệp trọng điểm, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn. Cải cách thủ tục hành chính tinh gọn để thực hiện các chính sách chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, áp dụng công nghệ và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cơ khí.
- Đầu tư hạ tầng kỹ thuật bao gồm hình thành các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhầ đầu tư dự án có quy mô lớn; nâng cấp hạ tầng giao thông tạo điều kiện thuận lợi giao thương, kết nối các vùng miền và xoá dần khoảng cách địa lý của tỉnh đối với cảng biển, các trung tâm công nghiệp lớn của các tỉnh, thành phố.
- Nhà nước có cơ chế về lãi suất tín dụng để đầu tư và thời hạn vay vốn lưu động cho các nhà sản xuất thiết bị cơ khí; xây dựng các chính sách, chương trình hỗ trợ các phát triển ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ;
- Thu hút các công ty, tập đoàn chế tạo lớn trong và ngoài nước (FDI) có tiềm lực và thương hiệu với các ưu đãi có sức hấp dẫn nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong đó đặc biệt tập trung vào các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí có lợi thế của địa phương, có khả năng cạnh tranh, có dung lượng thị trường đủ lớn; đồng thời, chú trọng xúc tiến đầu tư đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; hình thành chuỗi liên kết các doanh nghiệp, cơ sở cơ khí nhằm nâng cao năng lực chuyên môn hoá, hợp tác hoá.
- Ưu tiên đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo ngành cơ khí, gắn đào tạo với thực hành; hỗ trợ kinh phí cử cán bộ, công nhân giỏi đi đào tạo và thực tập tại nước ngoài theo các Chương trình, dự án được phê duyệt, đặc biệt là các chương trình hợp tác với Hiệp hội Jeolabuk của Hàn Quốc là tỉnh đã kết nghĩa với tỉnh Đắk Lắk;
- Khai thác các lợi thế sẵn có, gắn kết sản xuất cơ khí với dịch vụ, thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị, sản xuất công nghiệp trong và ngoài tỉnh, tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại nhằm quảng báo mạnh mẽ các sản phẩm chủ lực của tỉnh./.