Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 22/11/2021 02:09
Hiện nay việc mua bán điện giữa bên mua và bên bán được thực hiện theo hợp đồng, hợp đồng này được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành theo mẫu và đây là loại hợp đồng song vụ.
Ngoài những nội dung của hợp đồng mẫu, các bên tham gia mua bán điện được quyền bổ sung thêm nội dung của hợp đồng để làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bên, những nội dung bổ sung này phải thống nhất và không trái với nội dung mẫu của hợp đồng, đồng thời không trái với các qui định hiện hành của pháp luật có liên quan. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có phát sinh tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, pháp luật hiện hành qui định chủ thể có thẩm quyền giải quyết việc tranh chấp hợp đồng mua bán điện ở một số trường hợp.
Về Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hành chính sự nghiệp, bơm nước tưới tiêu và hợp đồng bán buôn điện thuộc đối tượng áp dụng giá bán điện theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đây là hợp đồng được ban hành theo Thông tư số 19/2014/TT-BCT ngày 18/6/2014 của Bộ Công Thương. Đối với loại hợp đồng này, thẩm quyền giải quyết tranh chấp mà hợp đồng mua bán điện có cấp điện áp dưới 110 kV thuộc về Sở Công Thương, và có cấp điện áp trên 110 kV thuộc thẩm quyền của Cục Điều tiết điện lực, nếu các bên chưa tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự hoặc trọng tài thương mại. Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng này thực hiện theo Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 31/10/2013 của Bộ Công Thương quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 31/2018/TT-BCT ngày 05/10/2018 của Bộ Công Thương).
Về Hợp đồng mua bán điện cho dự án điện mặt trời, đây là hợp đồng được thực hiện theo hợp đồng mẫu, ban hành kèm theo Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công Thương, việc giải quyết tranh chấp được thực hiện bằng biện pháp thương lượng và giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật, thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là Cục Điều tiết điện lực, trình tự giải quyết thực hiện theo Thông tư số 40/2010/TT-BCT ngày 13/12/2010 của Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trên thị trường điện lực. Ngoài ra các bên có thể thống nhất lựa chọn cơ quan khác để giải quyết tranh chấp.
Về Hợp đồng mua bán điện cho hệ thống điện mặt trời mái nhà, đây cũng là hợp đồng được thực hiện theo hợp đồng mẫu, ban hành kèm theo Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công Thương. Đối với loại hợp đồng này, khi xảy ra tranh chấp các bên cũng có thể giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thương lượng hoặc giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật. Trong trường hợp các bên đã thoả thuận như điều khoản trong hợp đồng mẫu thì việc giải quyết tranh chấp khi phát sinh sẽ là Đơn vị điện lực cấp trên của bên mua điện hoặc Bộ Công Thương. Điều kiện để giải quyết tranh chấp của hợp đồng này là phải có biên bản thương lượng giữa các bên nhưng không thành và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Về Hợp đồng mua bán điện áp dụng cho các dự án điện gió, đây là hợp đồng được ban hành theo Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 của Bộ Công Thương. Cơ chế giải quyết vẫn dựa trên biện pháp thương lượng giữa các bên khi xảy ra tranh chấp, đối với biện pháp này nếu cần có sự hỗ trợ giải quyết vướng mắc, các bên có thể đề nghị Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hỗ trợ. Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thương lượng, các bên có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp theo Thông tư số 40/2010/TT-BCT ngày 13/12/2010 của Bộ Công Thương, và cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp này là Cục Điều tiết điện lực.
Về Hợp đồng mua bán điện cho các nhà máy thuỷ điện nhỏ, đây là hợp đồng được ban hành theo Thông tư số 29/2019/TT-BCT ngày 15/11/219 của Bộ Công Thương. Đối với việc giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các bên trong hợp đồng này vẫn áp dụng biện pháp thương lượng, tuy nhiên trường hợp hai bên không thể giải quyết tranh chấp bằng thương lượng thì hai bên thống nhất chuyển vụ việc tranh chấp đến Cục Điều tiết điện lực hoặc cơ quan giải quyết tranh chấp khác do hai bên thống nhất lựa chọn để giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, theo quy định tại Luật Thương mại 2005 và Bộ Luật Dân sự 2015, chủ thể giải quyết tranh chấp về hợp đồng còn có Trọng tài thương mại và Toà án, một khi các bên của hợp đồng không lựa chọn chủ thể giải quyết tranh chấp như nêu trên./.