Công tác phòng, chống tham nhũng 5 năm qua và nhiệm vụ trong thời gian tới của ngành Công Thương Đắk Lắk

Thứ hai - 10/01/2022 04:19
Trong thời gian qua, nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và đã phát huy hiệu quả trong toàn ngành Công Thương Đắk Lắk. Việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch, nhất là trong thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính, quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, ....ngày càng chặt chẽ, nghiêm túc hơn.
Việc xây dựng và thực hiện các định mức, tiêu chuẩn đã đi vào nề nếp, đúng quy định; những người làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, cấp phép... trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Việc tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập đối với các đối tượng thuộc diện kê khai theo quy định và được công khai đầy đủ, kịp thời. Đồng thời cũng đã rà soát, đề nghị sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương trong quản lý nhà nước của ngành Công Thương. Tổ chức thực hiện hơn 40 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đột xuất đối với 232 đơn vị; qua công tác thanh tra, kiểm tra đã ban hành 234 quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước  hơn 2 tỷ đồng. Triển khai 05 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với các đơn vị trực thuộc Sở.
z3095952728613 a22c43df3539657fefa8307fed5af43f
Tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương năm 2021, công tác về PCTN và thực hành tiết kiệm được quán triệt
Cấp ủy, lãnh đạo cơ quan đã quán triệt thực hiện trong toàn Ngành các qui định của Đảng và Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm như Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) của Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí’; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-5-2012 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X, Chỉ thị số 50-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10-01-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cũng như Luật Phòng, chống tham nhũng 2018; các Nghị định của Chính phủ có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng như Nghị định 59/2019/NĐ-CP, Nghị định 130/2020/NĐ-CP ... Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động cho cán bộ, đảng viên và người lao động về về công tác này. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được triển khai theo quy đinh; hoạt động của cơ quan, đơn vị ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch; công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý tiêu cực, tham nhũng được tăng cường, với nhiều kết quả rõ nét, góp phần quan trọng trong việc giữ nghiêm kỷ cương và chấp hành pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành Công Thương Đắk Lắk.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu, việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật Nhà nước về phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao, chưa đi vào chiều sâu, chưa thực sự đi vào ý thức tự giác của mỗi người; chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tham nhũng, chưa phát huy được hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng nhìn chung còn chưa đi vào chiều sâu; công tác tự kiểm tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, toàn Ngành tiếp tục triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng để đạt được kết quả cao hơn, đó là:
z3095954237500 f2071643e55ef3751cb49218d1a2dd55
Công tác phổ biến, GDPL được tổ chức thường xuyên của Ngành
Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trong toàn Ngành các qui định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, cũng như các văn bản chỉ đạo, điều hành của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đối với công tác này. Tăng cường kiểm tra, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công vụ. Hàng năm đưa nội dung phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào chương trình công tác và lấy kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi phòng, đơn vị trong toàn Ngành.

Thứ hai, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị như sử dụng tài chính, mua sắm tài sản công, xây dựng cơ bản; công khai trong công tác tuyển dụng; quy hoạch, đào tạo, đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, khen thưởng, kỷ luật, nâng lương, chuyển ngạch lương, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, bãi nhiệm, hưu trí đối với công chức, viên chức và người lao động. Hình thức công khai, minh bạch có thể niêm yết tại trụ sở, trên trang thông tin điện tử, thông qua các cuộc họp giao ban, hội nghị sơ kết, tổng kết, hội nghị cán bộ công chức và được giám sát bởi người lao động, Ban Thanh tra nhân dân của cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, đơn vị. Rà soát quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý, sử dụng tài sản công đã ban hành, nếu các qui định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ ... chưa phù hợp với các quy định hiện hành thì điều chỉnh cho phù hợp hoặc thay thế. Tạo mọi điều kiện để công chức, viên chức, người lao động tham gia giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí, ngân sách nhà nước và thực hiện các chế độ, chính sách tại cơ quan, đơn vị; các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc và từng công chức, viên chức phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu hành chính; sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả ngân sách nhà nước và tài sản, phương tiện công tác được giao.
z3095956157372 46cec73e6a6e5af52f5e4e7023b8941c
Công tác phổ biến, GDPL được tổ chức thường xuyên của Ngành
Thứ tư, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị. Thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm bảo đảm việc kê khai trung thực, đầy đủ; rà soát lại người có nghĩa vụ kê khai theo quy định, nhất là đối với người có nghĩa vụ kê khai hàng năm và kê khai khi thực hiện bổ nhiệm cán bộ. Tổ chức công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại trụ sở cơ quan hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức biết, giám sát.

Thứ năm, cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt: Tiếp tục thực hiện việc kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC); tiến hành cập nhật các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp tỉnh, huyện, xã, đồng thời xem xét rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với qui định; thực hiện niêm yết công khai các TTHC mới ban hành. Làm tốt hơn nữa công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về công tác quản lý nhà nước của Sở. Thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC công trực tuyến từ mức độ 3 trở lên. Tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và kế hoạch chuyển đổi số trong hoạt động cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng; thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Tổ chức chi trả lương qua hệ thống tài khoản, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động của cơ quan, đơn vị theo qui định./.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Lâm - Thanh tra Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây