Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 26/10/2021 00:35
Một trong những nguyên tắc của việc xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh (1) là phải được gửi, chuyển đến đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trong thực tiễn, những người làm công tác xử lý đơn thư vẫn gặp nhiều trường hợp khó khăn trong việc xác định người, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trong việc giải quyết đơn, đó là những đơn được gửi cho nhiều cơ quan, đơn vị; đơn có nhiều nội dung liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị để giải quyết; đơn có tiêu đề là tố cáo, khiếu nại, kêu cứu khẩn cấp, kiến nghị khẩn cấp... nhưng nội dung thì hoàn toàn không phải như vậy.
Trước hết, xử lý đơn được hiểu là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền (người xử lý đơn) căn cứ vào nội dung vụ việc được trình bày trong đơn mà phân loại nhằm thụ lý giải quyết đơn thuộc thẩm quyền, hướng dẫn hoặc chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Còn giải quyết đơn là việc cơ quan, người có thẩm quyền căn cứ và đối chiếu với quy định của pháp luật để thụ lý giải quyết nếu thuộc thẩm quyền của mình. Người làm công tác xử lý đơn của thanh tra chuyên ngành cấp sở, khi tiếp nhận đơn thư từ các nguồn khác nhau chuyển đến, trước hết cần phải phân loại, xác định đó là đơn tố cáo, khiếu nại hay kiến nghị, phản ánh ... mà không phụ thuộc vào tiêu đề của đơn, thứ hai là xác định đơn đó có thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, thủ trưởng đơn vị mình hay không.
Quy trình, thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo đã được pháp luật về khiếu nại và tố cáo hướng dẫn khá đầy đủ và rõ ràng, ở góc độ bài viết chỉ trao đổi nội dung làm thế nào để người xử lý đơn xác định chính xác thẩm quyền giải quyết của ai, cơ quan, đơn vị nào để tham mưu, hướng dẫn, chuyển đơn đến đúng cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền đó để giải quyết. Qua thực tiễn làm công tác xử lý đơn của cơ quan thanh tra chuyên ngành cấp sở, người xử lý có thể áp dụng phương pháp loại trừ bằng cách khi xác định sự ảnh hưởng của từng nhân tố này thì loại trừ ảnh hưởng của nhân tố khác, có nghĩa là để xác định thẩm quyền giải quyết đơn thuộc về ai, thì phải xác định nhân tố ảnh hưởng và loại dần những nhân tố khác, cụ thể:
Nếu là đơn tố cáo, việc xác định thẩm quyền giải quyết dựa vào hai hành vi tố cáo, một là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của thủ trưởng đơn vị hoặc là người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Thứ hai là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý được giao của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc chấp hành quy định của pháp luật. Nếu nội dung tố cáo rơi vào một trong hai hành vi tố cáo nêu trên mà thuộc thẩm quyền quản lý đối với cán bộ, công chức, người được giao nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị mình thì người xử lý đơn xác định thẩm quyền giải quyết đơn thuộc thẩm quyền của thủ trưởng đơn vị mình.
Nếu là đơn khiếu nại, cũng xảy ra hai trường hợp, một là khiếu nại quyết định hành chính và hai là hành vi hành chính của thủ trưởng đơn vị mình (Giám đốc Sở). Thẩm quyền giải quyết đơn trong trường hợp này là giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính và hành vi hành chính của thủ trưởng đơn vị mình; của cán bộ, công chức do thủ trưởng đơn vị mình trực tiếp quản lý và giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính và hành vi hành chính của thủ trưởng cơ quan thuộc Sở đã giải quyết lần đầu còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết. Nếu là đơn kiến nghị, phản ánh thì những nội dung kiến nghị phản ánh đó thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị mình, thì người xử lý đơn báo cáo, đề xuất người đứng đầu giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật. Trường hợp này việc xác định thẩm quyền giải quyết phải căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình.
Như vậy nhân tố ảnh hưởng ở đây được hiểu, (i) nếu là đơn tố cáo thì tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ thuộc thẩm quyền quản lý và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực được giao quản lý, những nhân tố khác sẽ được loại bỏ; (ii) nếu là đơn khiếu nại thì khiếu nại quyết định hành chính và hành vi hành chính của thủ trưởng đơn vị mình hoặc khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính và hành vi hành chính của thủ trưởng đơn vị trực thuộc đã giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết, những nhân tố khác sẽ được loại bỏ; (iii) nếu là đơn kiến nghị, phản ánh thì kiến nghị, phản ánh này phải thuộc thẩm quyền quản lý của thủ trưởng đơn vị mình, lúc này những nhân tố ảnh hưởng khác sẽ bị loại bỏ. Ngoài việc căn cứ vào các quy định của pháp luật về xử lý đơn (2), người làm công tác xử lý đơn của cơ quan thanh tra chuyên ngành cấp sở, có thể áp dụng phương pháp loại trừ để xác định thẩm quyền giải quyết của từng đơn mà tham mưu, hướng dẫn, chuyển đơn đến đúng người có thẩm quyền để giải quyết. Đây cũng là giải pháp giúp giảm thiểu số đơn chuyển vượt cấp, vượt thẩm quyền, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay.
([1]) phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được tiếp nhận, xử lý theo quy định của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2008 của Chính phủ
([2]) Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ về quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh