Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 09/09/2021 03:30
Ngày 01/01/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 67/2020/QH14) có hiệu lực thi hành, Luật này đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều (trong đó 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện), sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 04 điều, bãi bỏ 03 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành (Luật XLVPHC).
Nhằm góp phần triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 1480/KH-UBND ngày 22/02/2021 của UBND tỉnh Đắk Lắk về triển khai thi hành Luật này trên địa bàn tỉnh, xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật số 67/2020/QH14 như sau: 1. Về những quy định chung: Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm tái phạm (khoản 5 Điều 2 Luật XLVPHC); nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm hành chính nhiều lần (điểm d khoản 1 Điều 3 của Luật XLVPHC); thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính (Điều 6 Luật XLVPHC); thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (Điều 4 Luật XLVPHC); hành vi bị nghiêm cấm (Điều 12 Luật XLVPHC).
2. Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực: Luật số 67/2020/QH14 tăng mức phạt tối đa trong 10 lĩnh vực, trong đó đáng lưu ý có 2 lĩnh vực thuộc ngành công thương là lĩnh vực Điện lực tăng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng và lĩnh vực Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tăng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng. Đồng thời cũng đã chỉnh sửa tên gọi một số lĩnh vực cho phù hợp với các luật hiện hành ban hành sau Luật XLVPHC. 3. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung tên gọi và bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt theo Luật XLVPHC hiện hành như: Cục trưởng Cục Dự trữ khu vực, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Trưởng ban thi đua khen thưởng Trung ương (Điều 46), một số chức danh trong lực lượng Công an nhân dân (Điều 39) do thay đổi cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ…, đồng thời bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt như Kiểm ngư viên, Trạm trưởng trạm Kiểm ngư thuộc Chi cục Kiểm ngư vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Điều 43a), Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Điều 45a), Trưởng đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng (Điều 48a), một số chức danh trong lực lượng Công an nhân dân (Điều 39) và Quản lý thị trường (Điều 45) và bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt của cơ quan Thi hành án dân sự. Bên cạnh đó Luật cũng tăng thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch UBND cấp huyện (điểm b khoản 2 Điều 38) và Giám đốc Công an cấp tỉnh (điểm b khoản 5 Điều 39) từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng.
4. Về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính: Luật số 67/2020/QH14 tăng thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính từ 24 giờ lên 48 giờ (tại khoản 3 Điều 60 Luật XLVPHC). Sửa đổi Điều 66 Luật XLVPHC là quy định thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 7 ngày làm việc (thay cho 7 ngày) kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này. Đồng thời Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp và thủ tục giải trình (Điều 61 Luật XLVPHC). 5. Về việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Luật số 67/2020/QH14 quy định rõ hơn trường hợp không ra quyết xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn áp dụng tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định thì không bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm tính rõ ràng hơn khi áp dụng pháp luật tại Điều 65 Luật XLVPHC; sửa đổi, bổ sung quy định về hoãn, giảm, miễn tiền phạt tạiĐiều 76 và Điều 77 Luật XLVPHC; bổ sung quy định cụ thể về thời hạn, thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 88).
6. Về áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính:Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung các quy định về đối tượng, điều kiện, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (tại các Điều 90, 92, 94 và 96 Luật XLVPHC); về thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (khoản 1 Điều 98, khoản 3 Điều 99, khoản 3 Điều 101 và khoản 3 Điều 103); về việc quản lý đối tượng trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (Điều 131).
7. Về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính: Về biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính (khoản 1 Điều 122 Luật XLVPHC); về biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã bổ sung quy định cụ thể về thẩm quyền tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (khoản 3 Điều 125 Luật XLVPHC); sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề (khoản 4 và 9 Điều 125 Luật XLVPHC).
Ngoài ra, Luật số 67/2020/QH14 bổ sung biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng là một trong các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên (Điều 140a) nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên và bãi bỏ quy định về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ 06 tháng nhằm giảm bớt thủ tục (tại Điều 17 Luật XLVPHC)./.