Một số nội dung cần lưu ý khi triển khai Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực

Thứ năm - 17/02/2022 22:10
Ngày 31/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Ở lĩnh vực điện lực, Nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, cụ thể đã sửa đổi, bổ sung 32 điều (từ điều 1 đến điều 32), bổ sung mới 1 điều (điều 1a) và sửa đổi cả Chương III từ 13 điều (từ Điều 33 đến Điều 45) còn lại 8 điều. Nghị định thay đổi tên gọi của Nghị định 134/2013/NĐ-CP là quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, như vậy lĩnh vực an toàn đập thuỷ điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được gọi chung là lĩnh vực điện lực. Đồng thời bổ sung nhiều điểm mới như quy định rõ đối tượng là tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực điện lực là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức; bổ sung một số hành vi vi phạm mới, hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động dán nhãn năng lượng có thời hạn; qui định mức phạt đối với hành vi trộm cắp điện; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; bãi bỏ thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm hành chính của lực lượng Kiểm tra viên điện lực ở các đơn vị điện lực (Điều 42 Nghị định 134/2013/NĐ-CP)... Đáng lưu ý ở 2 nội dung đó là:
1
Hoạt động kiểm tra sử dụng điện của KTVĐL
Thay đổi đối với hành vi trộm cắp điện (khoản 8 Điều 12): hành vi trộm cắp điện không phân chia ra 10 mức trộm cắp về sản lượng điện (tính theo kWh) như Nghị định trước khi sửa đổi mà hành vi trộm cắp điện được xác định theo giá trị sản lượng điện trộm cắp ở 2 mức. Nếu hành vi trộm cắp điện có giá trị sản lượng điện trộm cắp dưới 1 triệu đồng sẽ phạt tiền từ 4 triệu đến 10 triệu đồng; từ 1 triệu đồng đến dưới 2 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Khi phát hiện hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2 triệu đồng trở lên ( trước đây là trộm cắp điện từ 20.000 kWh) thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ra một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 62, Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt tiền quy định tại điểm b khoản 8 Điều 12.
2
Vi phạm về xây dựng, lắp đặt công trình điện mặt trời mái nhà
Thay đổi về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính: Theo Điều 33, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính là những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm quy định tại các điều từ Điều 34 đến Điều 37 của Nghị định này và những người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, công chức, viên chức thuộc các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang thi hành công vụ, nhiệm vụ. Như vậy, đội ngũ Kiểm tra viên điện lực ở các đơn vị hoạt động điện lực không còn thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) và biên bản tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm hành chính (TGPTVPHC) trong trường hợp trộm cắp điện. Do vậy, trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương, thiết nghĩ đội ngũ Kiểm tra viên điện lực vẫn tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 31/10/2013 của Bộ Công Thương (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 31/2018/TT-BCT ngày 05/10/2018), khi tiến hành kiểm tra sử dụng điện thì Kiểm tra viên điện lực ở đơn vị bán buôn, bán lẻ điện áp dụng mẫu biên bản số 02 (Biên bản kiểm tra sử dụng điện) để ghi nhận sự việc, nếu phát hiện vụ việc vi phạm hành chính thì chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành lập Biên bản VPHC và xử lý vụ việc theo qui định pháp luật./.
Nghị định 17/2022/NĐ-CP xem chi tiết tại đây!

Nguồn tin: Nguyễn Ngọc Lâm - Thanh tra Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây