Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành: Một số nội dung cần lưu ý về hoạt động uỷ quyền của doanh nghiệp

Thứ tư - 28/04/2021 03:13
Pháp luật hiện hành qui định về hoạt động uỷ quyền của tổ chức, cá nhân trong các mối quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế, hành chính ... Các hoạt động uỷ quyền này tuỳ theo nội dung, tính chất ..., có thể được uỷ quyền bằng nhiều hình thức, kể cả uỷ quyền bằng miệng, tuy nhiên ở nhiều nhiều lĩnh vực, pháp luật có liên quan quy định việc uỷ quyền bằng văn bản mới có giá trị pháp lý. Trong quan hệ dân sự, Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về hình thức uỷ quyền bằng hợp đồng uỷ quyền, còn đối với hình thức giấy uỷ quyền không đề cập, tuy nhiên cũng có một số văn bản qui phạm pháp luật đề cập đến giấy uỷ quyền hoặc hình thức văn bản uỷ quyền (1). Trong nội dung bài viết này, chỉ giới hạn tìm hiểu về uỷ quyền của doanh nghiệp khi làm việc với đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 qui định(2), người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp  thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, vì nhiều lý do khác nhau, hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đôi khi không thể làm việc trực tiếp được với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mà phải làm việc với người được doanh nghiệp uỷ quyền. Thông thường, việc uỷ quyền này doanh nghiệp thường dùng hình thức uỷ quyền bằng văn bản (giấy uỷ quyền) để người được uỷ quyền làm việc với đoàn thanh tra kiểm tra. Qua theo dõi, đôi khi doanh nghiệp lập giấy uỷ quyền cho người được uỷ quyền làm việc có nội dung lại chưa phù hợp, hoặc còn thiếu nội dung cần thiết để làm việc với đoàn thanh tra, kiểm tra. Do vậy, trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành cần lưu ý để có hướng dẫn cho phù hợp với quy định của pháp luật, tránh tình trạng hoạt động uỷ quyền làm việc của doanh nghiệp bị vô hiệu. Một số điểm cần lưu ý như sau:
          1. Về căn cứ pháp lý cho việc uỷ quyền: người đại diện pháp luật của doanh nghiệp thường căn cứ vào Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, Điều lệ của Công ty ... để làm căn cứ pháp lý cho việc uỷ quyền của mình cho người được uỷ quyền. Đối với nội dung này cần xem xét hiệu lực của các văn bản làm căn cứ uỷ quyền, vì một lý do nào đó, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp căn cứ vào văn bản hết hiệu lực sẽ làm cho hoạt động uỷ quyền này bị vô hiệu một phần, hoặc toàn phần (3)
          2. Về nội dung và phạm vi uỷ quyền: cần lưu ý ủy quyền về việc gì, quyền hạn và nghĩa vụ của người nhận ủy quyền đến đâu. Trong trường hợp uỷ quyền “làm việc” với đoàn thanh tra, kiểm tra, thì xem xét đến phạm vi uỷ quyền có được ký tất cả các biên bản làm việc hay không, hay sau khi làm việc với đoàn thanh tra, kiểm tra, kết quả phải báo cáo với người uỷ quyền để người uỷ quyền ký các biên bản, chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung đã làm việc.
          3. Về thời hạn uỷ quyền: thông thường doanh nghiệp xác định mốc thời gian cụ thể khi thực hiện uỷ quyền, hoặc thực hiện cho đến khi kết thúc vụ việc với đoàn thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên cũng có trường hợp trong giấy uỷ quyền không xác định thời hạn uỷ quyền, trường hợp này pháp luật hiện hành qui định(4) thời hạn uỷ quyền có hiệu lực 1 năm kể từ ngày xác lập việc uỷ quyền.
(1) như: khoản 5 Điều 9 Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe; khoản 2 Điều 12 Thông tư 21/2020/TT-BCT ngày 09/9/2020 của Bộ Công Thương quy định về trình tự thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực; điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; Điều 107 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; ...)
(2) khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020
(3)như Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 được Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thay thế, Bộ luật Dân sự năm 2005 được Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 thay thế.

(4)Điều 563 Bộ luật Dân sự năm 2015.
1 13
Ảnh minh họa Mẫu giấy ủy quyền

Tác giả: Nguyễn Ngọc Lâm - Thanh tra Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây