Xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hoá bất hợp lý

Thứ hai - 26/07/2021 04:12
Ngày 23/07/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Công văn số 6822/UBND-KGVX về việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Cư Kuin.
Cũng tại mục 7 của văn bản này, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục kiểm soát tốt thị trường, duy trì sản xuất, phân phối tốt mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, các mặt hàng thiết yếu phục vụ, đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá trong thời gian diễn ra dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật. Pháp luật hiện hành quy định về các hành vi này như sau:
z2640518638521 28a9645f4a7c2486266bcfee581bb269
Các mặt hàng thiết yếu (ảnh:BH Coop mart)
Hành vi đầu cơ hàng hoá: theo Điều 31 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất buôn bán hàng giá, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Nghị định số 98/2020/NĐ-CP) có mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự: (1) Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá; (2) Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác. Cũng đối với hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên. Đồng thời bị các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng; đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
z2640386481071 5dca5c7caf0cb728f73dd5ba202b9ecb
Các mặt hàng thiết yếu (ảnh:BH Coop mart)
Hành vi găm hàng: theo Điều 32 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 31 của Nghị định này mà không có lý do chính đáng như: (1) Cắt giảm địa điểm bán hàng; (2) Cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ) khác với thời gian trước đó; (3) Quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó; (4) Cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 31 của Nghị định này mà không có lý do chính đáng: (1) Cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; (2) Ngừng bán hàng hóa ra thị trường; (3)  Không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; (4) Mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 31 của Nghị định này. Đồng thời bị hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
z2640386734627 76be37e4c4a817469d85ace39e7ce023
Hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường (Ảnh: Thanh Hùng)
Hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý: theo Điều 13 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí và hoá đơn (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ) sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50.000.000 đồng, đối với một trong những hành vi tăng giá sau: (1) Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; (2) Tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị trên 500.000.000 đồng. Ngoài ra còn bị buộc  nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điều này./.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Lâm - Thanh tra Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây