Sau khi nghe báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018; những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 do đồng chí Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên trình bày; báo cáo tham luận của một số Sở Công Thương, ý kiến phát biểu của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và của đại diện Bộ Tài Chính, đồng chí Thứ trưởng đã phát biểu chỉ đạo như sau:
1. Bộ Công Thương biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên để đạt được những kết quả trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018. Trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chịu ảnh hưởng rất lớn của biến động địa chính trị, biến động kinh tế khó dự báo, nhưng ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại và triển khai thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tái cơ cấu ngành Công Thương. Một số thành tựu nổi bật đã đạt được là:
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2017 đạt 442.970 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2016; 6/15 địa phương trong khu vực có chỉ số sản xuất công nghiệp cao hơn mức trung bình của cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước 6 tháng đầu năm 2018 có 5/15 địa phương trong khu vực tăng bằng và cao hơn so với mức tăng chung của cả nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn khu vực năm 2017 đạt 620.119 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2016, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (11/15 địa phương có tốc độ tăng trưởng bằng và cao hơn trung bình cả nước); 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 341.458 tỷ đồng và tăng 14,7% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 toàn khu vực đạt khoảng 8 triệu USD, tăng 5,3% so với năm 2016; 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt trên 4 triệu USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2016.
2. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có một số hạn chế như: Công nghiệp phát trển chưa ổn định, chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại còn chậm, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh còn thấp, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu còn thấp và tăng chậm so với các khu vực khác trong cả nước, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, các quy định và thể chế về phát triển ngành năng lượng tái tạo còn chưa rõ ràng, gây lúng túng trong triển khai thực hiện.
3. Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2018, góp phần quan trọng vào việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của ngành Công Thương, Bộ Công thương nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Báo cáo. Đề nghị các Sở Công Thương quan tâm một số nội dung sau:
3.1. Thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ như: Triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và Chương trình hành động ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
3.2. Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch trung và dài hạn đã được phê duyệt; nghiên cứu để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch một cách đồng bộ, hiệu quả, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
3.3. Nỗ lực trong công tác cải cách hành chính và tái cơ cấu ngành công nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp, hướng tới sản xuất và quản lý thông minh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
3.4. Tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp và doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; tăng cường thực hiện hoạt động khuyến công, bên cạnh nguồn hỗ trợ từ Trung ương, đề xuất hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương; quan tâm công tác xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí số 4 về điện nông thôn và tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.
3.5. Kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá cả hàng hóa trên thị trường; tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiền dùng hàng Việt Nam” gắn với thúc đẩy sản xuất và phát triện thị trường nội địa; tăng cường liện kết giữa các địa phương trong vùng và các địa phương trên cả nước để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tạo đầu ra cho sản xuất. Tăng cường công tác quản lý thị trường đối với công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và cắt giảm điều kiện kinh doanh.
3.6. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 định hướng đến năm 2030; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm ngành trong và ngoài nước, tập trung vào các ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh của khu vực nhằm củng cố, phát triển thị xuất khẩu truyền thống và khai thác thị trường xuất khẩu mới; theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin thị trường, tuyên truyền về Hiệp định thương mại tự do quan trọng mà Việt Nam đã tham gia ký kết chính thức được áp dụng để tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp trong việc chủ động nắm bắt cơ hội mới.
4. Đối với những kiến nghị của địa phương.
4.1 Đối với một số vướng mắc, kiến nghị phát sinh tại Hội nghị, đề nghị các Vụ, Cục thuộc Bộ ghi nhận những kiến nghị, vướng mắc của các Sở Công Thương, xử lý và sớm có ý kiến giải đáp bằng văn bản.
4.2. Các Sở Công Thương có báo cáo định kỳ hàng tháng quý bằng văn bản về vướng mắc, kiến nghị của địa phương gửi Bộ Công Thương (thông qua Cục Công Thương địa phương) để các đơn vị thuộc Bộ kịp thời xử lý, giải đáp.
5. Thống nhất về việc giao Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đăng cai, phối hợp với Cục Công Thương địa phương tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ VI, năm 2019 tại tỉnh Gia Lai.