Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện tháng 6 năm 2018 (giá so sánh 2010) đạt 1.309 tỷ đồng, luỹ kế 6 tháng đầu năm ước đạt 6.363 tỷ đồng, tăng 5,38 % so với 6 tháng đầu năm 2017, đạt 43% kế hoạch năm 2018. Dự kiến cả năm đạt hơn 15.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Có được kết quả trên phải kể đến sự gia tăng của các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Trong đó có các doanh nghiệp đăng ký mới, đi vào hoạt động đã góp phần làm cho hoạt động sản xuất công nghiệp thêm phong phú, sôi động. Tính đển hết tháng 6 năm 2018, toàn tỉnh có trên 7000 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, kinh doanh thương mại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tích cực tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, chủ động tìm được các khách hàng mới, lựa chọn khách hàng xuất khẩu, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm… nên giá trị xuất khẩu hàng hóa cũng đạt cao.
Từ tăng trưởng xuất khẩu nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được duy trì và phát triển ổn định. Ngoài ra, qua thống kê, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên thị trường ước thực hiện tháng 6 năm 2018 đạt 5.700 tỷ đồng, luỹ kế 6 tháng đầu năm ước đạt 32.293 tỷ đồng, tăng 3,1% so với 6 tháng đầu năm 2017, đạt 47,4% kế hoạch năm. Dự kiến cả năm 2018 đạt khoảng hơn 68.020 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh ổn định cũng dã tạo điều kiện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, kích thích tiêu dùng và sản xuất.
Ngoài những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn về vốn, đất, thuế và thị trường tiêu thụ, một số sản phẩm như: cà phê nhân, hạt tiêu, sản phẩm ong đều giảm cả về lượng và giá trị do giá xuất khẩu của các mặt hàng này giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017; cà phê hòa tan tăng về lượng nhưng giảm về giá trị; hạt điều, sản phẩm sắn và cao su tăng cả về lượng và giá trị… dù vẫn có người mua nhưng giá chưa cao. Đặc biệt, hoạt động sản xuất công nghiệp tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khan. Bên cạnh đó, do cơ chế, chính sách nên mối liên kết mua bán, cung cầu giữa người dân và doanh nghiệp vẫn chưa thông suốt, nhiều thủ tục hành chính gây khó khi người dân muốn bán hàng cho doanh nghiệp… cũng là những khó khăn, trở ngại cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
Trước những khó khăn trên, UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cơ cấu lại ngành công nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp có lợi thế của tỉnh gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ; hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp của tỉnh, phấn đấu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 15.000 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010).
Trên cơ sở đó, với vai trò quản lý, thời gian tới ngành Công Thương tăng cường công tác phối hợp nắm bắt tình hình hình sản xuất kinh doanh, tranh thủ tình hình thị trường thuận lợi đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở sản xuất kinh doanh bảo vệ môi trường; bảo đảm an toàn lao động; phòng chống cháy nổ. Bên cạnh đó, ngành Công Thương kịp thời tham mưu với UBND tỉnh các chính sách và biện pháp tháo gỡ khó khăn, động viên các doanh nghiệp phát triển sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại; hàng giả hàng kém chất lượng, tập trung kiểm tra trên các tuyến giao thông và địa bàn trọng điểm, kịp thời xử lý các vi phạm, ổn đinh thị trường bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất kinh doanh, đôn đốc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định về khai thác chế biến khoáng sản, thủy điện, kinh doanh xăng dầu khí hóa lỏng, vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến mại...; tiếp tục triển khai công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hoá cho một số doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.