Tiềm năng và định hướng xuất khẩu nông sản Đắk Lắk sang thị trường Trung Quốc

Chủ nhật - 12/09/2021 11:00
Đắk Lắk được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn đất đỏ bazan màu mở với hơn 300 ngàn ha cùng điều kiện khí hậu ôn hòa khá thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao, nhất là cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao, điều, tiêu và cây công nghiệp ngắn ngày bông vải, sắn, ngô, đậu tương, đậu đỗ các loại…
Nói đến Đắk Lắk là nói đến Cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng trong và ngoài nước về các lợi thế, điều kiện đặc thù tự nhiên, điều kiện sinh thái và kỷ năng của con người trên vùng đất này làm cho sản phẩm cà phê có chất lượng tốt hơn nhiều vùng sản xuất cà phê  Robusta khác trong và ngoài nước. Từ đó chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân Robusta đã được nhà nước Việt Nam công nhận và bảo hộ, trở thành tài sản Quốc gia từ tháng 10 năm 2005. Được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê Việt Nam” Đắk Lắk hiện có hơn 200.000 ha cà phê, với sản lượng đạt trên 550.000 tấn cà phê nhân hàng năm; được Hội kỷ lục gia Việt Nam công nhận cà phê chế biến nằm trong tóp 10 quà tặng đặc sản và cà phê nhân nằm trong tóp 15 sản phẩm nông sản được thế giới ưa thích.
2
Đắk Lắk tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN tại Thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc
Đắk Lắk còn có nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, đạt sản lương hàng năm như: Cao su trên 34000 tấn; Hồ tiêu 78.000 tấn/năm; Hạt điều 25.000 tấn;  Ong và sản phẩm từ ong mật trên 15.000; Tinh bột sắn 110.000 tấn; Ca Cao 2000 tấn ; Ngô 650.000 tấn. Với điều kiện khí hậu tự nhiên, đất đai màu mỡ cũng như điều kiện khí hậu rất thích hợp để phát triển nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, hiện tại có trên 36.500 ha cây ăn quả các loại, sản lượng bình quân hàng năm của các loại trái cây như: Sầu riêng trên 100.000 tấn, xoài 7000 tấn, vải 2.800 tấn, bơ 80.000 tấn, xoài 7.800 tấn; cây ăn quả còn có chôm chôm tróc vỏ, mít tố nữ, măng cụt, cây có múi, nhãn lòng, mãng cầu, dứa…

Xuất khẩu nông sản của Đắk Lắk trong những năm qua đã đạt được những thành tựu nổi bật, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt 2.948 triệu USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 4,5% với các mặt hàng cà phê nhân, cà phê hòa tan, cao su, tinh bột sắn, hạt điều và trái cây. Tuy nhiên nông sản Đắk Lắk xuất khẩu còn hạn chế qua thị trường Trung Quốc, một thị trường đông dân nhất thế giới, đầy tiềm năng với dân số hơn 1,4 tỷ người, có nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp rất lớn trong đời sống người dân Trung Quốc. Nhập khẩu nông sản chiếm 1/10 trong kim ngạch nhập khẩu toàn cầu vì vậy Trung Quốc vẫn tăng cường nhập khẩu và mở rộng hơn để đáp ứng nhu cầu người dân.
3
Giới thiệu, quảng bá cà phê tại Trung Quốc
Mặc dù thị trường Trung Quốc có nhiều tiềm năng là vậy, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn, việc xuất khẩu còn bấp bênh, hầu hết nông sản Việt xuất sang Trung Quốc hiện nay theo đường tiểu ngạch, không bền vững, rủi ro lớn, không chú ý truy xuất nguồn gốc, chất lượng, nhiều trường hợp hàng hóa ứ đọng rồi đổ bỏ nơi cửa khẩu, uy tín hàng Việt chưa như mong muốn.  Mới đây Trung Quốc đưa ra quy định về truy xuất nguồn gốc đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam; ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đang siết chặt quản lý về an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch; Bên cạnh những quy chuẩn ngày càng khắt khe về hàng hóa nhập khẩu, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cũng đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản. Mặt khác trong thời gian gần đây, phía Trung Quốc liên tục áp dụng các biện pháp nhằm siết chặt quản lý đối với nhập khẩu các mặt hàng nông sản, nghiêm cấm nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới các loại nông sản chưa được mở cửa thị trường.

Để tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, giữ vững và mở rộng thị trường, đòi hỏi doanh nghiệp Đắk Lắk cần tích cực tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Trung Quốc, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi phương thức bảo quản cũng như tăng cường kiểm tra lấy mẫu các lô hàng nông sản xuất khẩu, nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận. Nắm vững hệ thống chính sách của Trung Quốc, nắm bắt thông tin biên mậu, đặc biệt là cập nhật chính sách biên mậu để biết ngay những thay đổi từ phía bạn, biết rõ những quy định về thủ tục thông quan hàng hoá, quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu của Trung Quốc từ các điểm chung, đến những thủ tục về giấy phép, giấy chứng nhận; biết tường tận các loại dịch gây hại, và thông tin các cơ quan của Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực này; tiếp cận các chính sách xuất nhập khẩu, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của từng địa phương Trung Quốc để chủ động trong kế hoạch kinh doanh với thị trường này.
4
Doanh nghiệp Đắk Lắk tham dự hội nghị kết nối giao thương trong khuôn khổ Hội chợ biên giới Việt-Trung tại Lào Cai
Phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình, nhận thức rõ hơn về việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường và đảm bảo quy trình sản xuất theo các chuẩn mực thị trường Trung Quốc, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế để không bị phụ thuộc vào một thị trường và có thể chinh phục được những thị trường khó tính khác. Hàng nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng cao của phía Trung Quốc, cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch, hạn chế thấp nhất xuất khẩu tiểu ngạch nhằm tránh các rủi ro trong khâu thanh toán. Đẩy mạnh xây dựng và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm nông sản, góp phần nâng cao giá trị cho hàng hóa nông sản của chính doanh nghiệp, giúp người tiêu dùng Trung Quốc nhận biết và lựa chọn mua sản phẩm của doanh nghiệp được tốt hơn.

Trước hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng. Để nông sản của tỉnh xuất khẩu một cách bền vững, tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tổ chức sản xuất theo hướng tập trung để đảm bảo nguồn hàng nông sản có chất lượng, giá trị gia tăng cao, nâng cao công tác quản lý từ khâu sản xuất đến chế biến, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ đạo cho các ngành, các cấp tăng cường công tác tập huấn, phổ biến, cập nhật các thông tin về quy định xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt các quy định về kiểm dịch, kiểm nghiệm, thủ tục thông quan trong hoạt động nhập khẩu hàng nông sản của Trung Quốc cho các cơ quan quản lý, Hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Đắk Lắk.
5
Doanh nghiệp Đắk Lắk tham dự Hội nghị kết nối thương nhân xuất nhập khẩu hàng nông, thuỷ sản sang Trung Quốc tại Cao Bằng
Tổ chức tham gia các chương trình xúc tiến thương mại hàng năm tại Trung Quốc theo hướng tập trung trọng tâm, trọng điểm với từng chủng loại sản phẩm. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tham dự các Hội chợ, triển lãm lớn có uy tín, có tầm ảnh hưởng được tổ chức tại Trung Quốc như Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc tổ chức tại Thượng Hải; Hội chợ Trung Quốc – ASEAN tổ chức tại Quảng Tây; Hội chợ Trung Quốc – Nam Á (Hội chợ XNK hàng hóa Côn Minh); Hội chợ Quốc tế Miền Tây…, và các Hội chợ chuyên ngành về nông, thủy sản tại các địa phương của Trung Quốc để hỗ trợ doanh nghiệp Đắk Lắk trưng bày, quảng bá sản phẩm nông sản của ta kết hợp khảo sát thị trường, kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản của Trung Quốc. Đồng thời tỉnh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác đàm phán với các cơ quan hữu quan của phía Trung Quốc để mở rộng danh mục các sản phẩm trái cây của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó Đắk Lắk  có hai loại trái cây sản lượng lớn là quả sầu riêng và quả bơ.

Tác giả: Huỳnh Ngọc Dương - PGĐ Sở Công Thương

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây