Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 30/08/2021 20:44
Đắk Lắk là tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp với diện tích, đất đai rộng lớn 1.303.048 ha xếp thứ 4 cả nước, trong đó diện tích đất nông nghiệp 627.000 ha xếp thứ nhất cả nước, quỹ đất đỏ bazan chiếm khoảng 40% diện tích với điều kiện rất thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả và cây lương thực. Sản xuất nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn của địa phương, đất sản xuất nông nghiệp được mở rộng, đầu tư thâm canh luôn được chú trọng.
Cây lâu năm có cây cà phê diện tích 209.955 ha, sản lượng 557.659 tấn cao nhất cả nước; cây hồ tiêu diện tích 33.064 ha, sản lượng 76.956 tấn cũng cao nhất cả nước; cây cao su diện tích 32.602 ha, sản lượng 34.404 tấn; cây điều diện tích 26.426 ha, sản lượng 28.127 tấn; cây ca cao diện tích 1.380 ha, sản lượng 1.812 tấn; cây lâu năm khác diện tích 1.178 ha (chè 99 ha, cây gia vị lâu năm 162 ha, cây dược liệu lâu năm 192 ha, cây khác 725 ha); cây ăn quả diện tích 36.450 ha, rất đa dạng, trong đó tập trung một số cây ăn quả như: sầu riêng diện tích 12.224 ha, sản lượng 103.209 tấn; bơ diện tích 8.909 ha, sản lượng 82.120 tấn;
Chuối diện tích 1.903 ha, sản lượng 50.914 tấn; mít diện tích 2.081 ha, sản lượng 26.889 tấn; cây có múi diện tích 2.124 ha; xoài diện tích 971 ha, sản lượng 7.738 tấn; nhãn, vải, chôm chôm diện tích 3.238 ha; thanh long diện tích 340 ha, sản lượng 4.146 tấn; dứa diện tích 795 ha, sản lượng 7.808 tấn; mắc ca diện tích 1.795 ha, sản lượng 816 tấn; chanh dây diện tích 1.062 ha, sản lượng 14.743 tấn; cây ăn quả khác 1.008 ha…
Các sản phẩm nông sản của tỉnh từ trước đến nay được tiêu thụ ở hầu hết ở các tỉnh thành trong nước, tại các cửa hàng bán lẻ, chợ dân sinh, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại… Ngoài ra, nhiều sản phẩm xuất khẩu và cung ứng cho xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn giai đoạn 2016-2020 đạt 2.948 triệu USD, trong đó xuất khẩu một số sản phẩm điển hình như sau: cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh giá trị kim ngạch trên 400 triệu USD/năm, chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; cao su hàng năm xuất khẩu gần 7.000 tấn; hồ tiêu sản lượng xuất khẩu hàng năm hơn 5.200 tấn; trái cây Đắk Lắk khá phong phú, đa dạng, chủ lực là trái bơ, sầu riêng Những năm gần đây có thêm cam, quýt, mít, chuối, vải,…. Vào thời điểm chính vụ, sản lượng trái cây tại một điểm thu mua có thể đạt tới 20 đến trên 30 tấn/ngày, chủ yếu được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, xuất khẩu chủ yếu là thị trường Trung Quốc.
Những năm gần đây Đắk Lắk đã phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp , nhưng đa phần sản xuất vẫn còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, chưa quan tâm nhiều đến yếu tố thị trường, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn thực phẩm nên sức cạnh tranh chưa cao, kỹ thuật áp dụng không đồng bộ dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều; chưa hình thành được những vùng sản xuất tập trung, đồng nhất về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa dẫn đến không đủ sức cạnh tranh, khó tiêu thụ. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chưa có nhà máy có quy mô lớn chế biến các sản phẩm từ trái cây. Do vậy trái cây của tỉnh chủ yếu được phân loại, sơ chế và xuất đi tiêu thụ quả tươi giá cả bấp bênh và không ổn định, lại tiềm ẩn nhiều rủi ro khác. Quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, thiếu vốn, không xuất khẩu trực tiếp được mà phải thông qua đầu mối trung gian, khó tiếp cận vào thị trường quốc tế. Vai trò điều phối của Hiệp hội ngành hàng còn hạn chế, còn xảy ra tình trang doanh nghiệp tranh mua, tranh bán. Các hình thức tổ chức sản xuất chưa đa dạng, thiếu bền vững; liên kết trong sản xuất chưa chặt chẽ; chất lượng sản phẩm còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Việc huy động các doanh nghiệp có tiềm lực tham gia đầu tư vào lĩnh sản xuất, chế biến nông, lâm sản còn nhiều bất cập.
Thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID19, các nước và một số vùng lãnh thổ trên thế giới, một số địa phương trong nước thực hiện chính sách phong tỏa, đóng cửa biên giới, giãn các xã hội, ngừng các dịch vụ, lao động…làm đứt gãy các chuỗi cung ứng. Trên thị trường quốc tế, một số nước thiếu nguồn hàng nguyên liệu, thiếu container rỗng; vận tải đường hàng không, đường biển bị thu hẹp làm ứ đọng hàng hóa cục bộ, bên cạnh đó do thiếu hụt nguồn lao động, dịch vụ nên tác động lớn đến thị trường nông sản trong nước và quốc tế. Một số mặt hàng nông sản của tỉnh giảm giá sâu làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất nông nghiệp của người dân, cụ thể như: Cà phê giảm giá liên tục trong vòng 5 năm qua, trái cây giảm giá trong thời gian dài như: xoài, bơ, dứa, sầu riêng, rau củ quả…, làm cho hoạt động sản xuất chế biến, lưu thông tiêu thụ, kinh doanh xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng nặng nề, trong nước và ngoài nước
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid19 còn diễn biến phức tạp, hỗ trợ cho doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất, người nông dân để thúc đẩy tiêu thụ nông sản của địa phương là việc làm hết sức thiết thực. Các ngành, các cấp của tỉnh tập trung tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhưng đồng thời cũng tháo gỡ những khó khăn để cung ứng đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân trong tỉnh. Ngành Công thương cung cấp thông tin thị trường nông sản trên thế giới thông qua tham tán thương mại ở các nước, tập trung thông tin một số thị trường truyền thống của hàng hóa nông sản chủ lực địa phương. Phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc để cập nhật thông tin tình hình biên mậu ở các tỉnh biên giới, cung cấp cho các địa phương, các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh chủ động nguồn hàng, tránh thiệt hại do dồn ứ ở các cửa khẩu với Trung Quốc Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, mở rộng thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Điều kiện dịch bệnh khổng thể tổ chức trực tiếp thì tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cạnh cạnh tranh, trang bị kiến thức cơ bản về phát triển nền kinh tế số; phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân để sẵn sàng đưa sản phẩm nông nghiệp của mình tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; sử dụng mạnh mẽ, rộng rãi các ứng dụng công nghệ số, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối bán hàng trực tuyến. Xây dựng thương hiệu, định hướng thị trường để định hướng sản xuất là vô cùng quan trọng, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế của nông sản địa phương, hướng dẫn sản xuất theo chuẩn mực của thị trường thế giới, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, minh bạch về truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm.. Hưởng ứng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tập trung phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản qua chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ và các cửa hàng tiện ích. Nâng cao năng lực chế biến đóng gói để nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của hàng nông sản. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp gian lận thương mại làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng hàng hóa nông sản địa phương.