Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 31/03/2022 21:58
Ngày 8/7/2019, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 1757/QĐ-UB về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Với mục đích triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030, đảm bảo đúng tiến độ thời gian và hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Tính đến ngày 1/1/2022 toàn tỉnh đã có 72 sản phẩm OCOP, trong đó có 64 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, phấn đấu đến năm 2025 có trên 200 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và định hướng đến 2030 có 300 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Để đạt được Kế hoạch mỗi xã một sản phẩm đến năm 2030 thì nhiều giải pháp đã được đặt ra, trong đó có nội dung tập trung xây dựng các cơ chê chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh nhằm tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các hoạt động xây dựng, chứng nhận sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại, liên kết cung-cầu sản phẩm OCOP giữa các chủ thể, các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển nông nghiệp theo mô hình chuỗi liên kết giá trị sản phẩm đang là xu hướng nổi bật trên thế giới. Sự liên kết giữa các tổ chức kinh tế với nhau, giữa các tổ chức kinh tế với cơ sở sản xuất, hộ nông dân trong hệ thống chuỗi trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP sẽ phát huy thế mạnh, nhằm giảm chi phí phân phối, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh và từng bước nâng cao đời sống người nông dân.
Sự cần thiết xây dựng hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là tất yếu; các trung tâm, cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại các thành phố lớn nhằm đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, quy trình sản xuất chất lượng sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh Đắk Lắk đến khách hàng nội địa và thị trường quốc tế, góp phần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận của người tiêu dùng đối với việc sử dụng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời tạo động lực phát huy sự sáng tạo cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và cho chính người dân, tạo nên niềm tự hào về đặc sản vùng miền, quê hương. Bên cạnh đó tạo môi trường cho các loại hình kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển, nhất là phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh các địa phương và hình ảnh quốc gia.
Đầu tư hỗ trợ và huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng phát triển hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đắk Lắk phải đạt tiêu chuẩn, đồng bộ, bài bản, khả năng nhận diện tốt. Có khả năng vận hành hệ thống cạnh tranh, duy trì và phát triển thành điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm (OCOP) tỉnh Đắk Lắk với các địa phương khác. Tiến tới là địa điểm cầu nối xúc tiến, giới thiệu, quảng bá và cung ứng sản phẩm Đắk Lắk đến các doanh nghiệp, siêu thị và đối tác có nhu cầu.
Xây dựng thành công mô hình thí điểm điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh Đắk Lắk nhằm mục đích quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển làng nghề, đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Xây dựng chiến lược về phát triển thị trường, kết nối các sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk và sản phẩm OCOP các tỉnh trên cả nước vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của từng địa phương. Hình thành hệ thống xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP toàn quốc. Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển thương hiệu, trong phân phối, tiếp thị sản phẩm, qua đó nâng cao doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế. Có chính sách duy trì hoạt động, phát triển hệ thống điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh trong giai đoạn thực hiện 2021-2025 và định hướng đến 2035. Đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn, phát triển làng nghề, cải thiện và nâng cao đời sống cho bà con nông dân.
Phát triển hệ thống Trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk nhằm mục tiêu chính là kết nối, giới thiệu, nâng cao sức tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong giai đoạn 2022-2025, Sở Công thương phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh và các cơ quan ban ngành tập trung vào khuyến khích, lồng ghép kinh phí để hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố mở rộng và phát triển ít nhất 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tập trung trên các trục đường chính, nhiều người qua lại và đáp ứng các tiêu chuẩn của quy chế về quy mô, vị trí, tận dụng và phát huy hệ thống phân phối và điểm tiêu thụ sản phẩm OCOP hiện có của các đơn vị doanh nghiệp đang kinh doanh trên địa bàn tham gia vào chuỗi hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh, đảm bảo theo một bộ nhận diện thống nhất nhằm tạo thương hiệu cho chuỗi hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Các tỉnh thành trong cả nước nếu đồng loạt hỗ trợ phát triển các trung tâm, điểm giới thiệu bán hàng thì sẽ có một hệ thống phân phối sản phẩm OCOP hiệu quả trên toàn quốc với chi phí đầu tư thấp nhất.
Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của xây dựng và phát triển chuỗi các trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới là cơ chế tổ chức, quản lý để thúc đẩy phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ và chia sẻ lợi ích, trách nhiệm minh bạch và công bằng của các bên tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm này.
Để phát triển hệ thống các trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP hiệu quả cần phải thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức với nhiều hình thức khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp các thông tin về thị trường các yếu tố đầu vào, đầu ra của sản xuất…; Tổ chức đào tạo nhân lực, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tập huấn, đào tạo cán bộ tham gia quản lý, điều hành hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; đào tạo, tập huấn cho các chủ thể sản xuất, lao động tại các các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất sản phẩm OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các hộ kinh doanh và doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ trong các hoạt động mua sắm, kinh doanh buôn bán, thanh toán trực tuyến…Nâng cao nhận thức vận hành hệ thống chuỗi cửa hàng, trưng bày và bán sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức cho các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia vào hoạt động phát triển chuỗi cửa hàng nhằm đẩy mạnh hiệu quả, tính khả thi và khả năng tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua kênh cửa hàng OCOP.
Xây dựng cơ chế và chính sách nhằm vận hành tốt hệ thống trung tâm giới thiệu và cửa hàng bán sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk như: Hỗ trợ trung tâm OCOP cấp huyện, hỗ trợ trung tâm OCOP cấp tỉnh, hỗ trợ điểm trưng bày và bán sản phẩm đối với cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong và ngoài tỉnh tỉnh có đăng ký kinh doanh tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng; hỗ trợ xây dựng và phát triển cửa hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, Voso, Postmart…) thông qua liên kết với các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP.
Về vốn, từ nguồn ngân sách hỗ trợ chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, nguồn khuyến công, khuyến nông, các nguồn vốn lồng ghép khác của trung ương và địa phương. Khuyến khích đa dạng hóa nguồn vốn bằng việc lồng ghép, thu hút đầu tư, xã hội hóa từ vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, các tổ chức kinh tế xã hội ...
Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP gắn với nguồn gốc địa lý đã trở thành một chiến lược nhằm phát huy lợi thế đa dạng về điều kiện tự nhiên, dân tộc và văn hóa của Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, giới thiệu các sản phẩm trong chuỗi liên kết và cách nhận biết sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh mở cửa hàng, tham gia các hội chợ, sàn giao dịch nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm, chú trọng vào các thị trường lớn là thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội. Đồng thời triển khai hợp tác trong nước và quốc tế để nâng cao năng lực quản lý, điều hành Chương trình OCOP tại tỉnh và thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu sản phẩm OCOP.