Sở Công Thương Đắk LắkWebsite Sở Công Thương Tỉnh Đắk Lắk
Hội thảo phổ biến thông tin và triển vọng thị trường Halal, các giải pháp tiếp cận, khai thác thị trường Halal trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế trong năm 2024
Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 05/07/2024 05:08
Ngày 5 tháng 7 năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp cùng Vụ Trung Đông - châu Phi (Bộ Ngoại giao) và Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo phổ biến thông tin và triển vọng thị trường Halal, các giải pháp tiếp cận, khai thác thị trường Halal trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế trong năm 2024.
Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên với diện tích tự nhiên rộng lớn cùng điều kiện thổ nhưỡng, đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa rất thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao. Hàng năm ngành nông nghiệp của tỉnh sản xuất ra số lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên với diện tích tự nhiên rộng lớn cùng điều kiện thổ nhưỡng, đất đỏ baza màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa rất thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao. Hàng năm ngành nông nghiệp của tỉnh sản xuất ra số lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp.
Hiện nay thị trường Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn xét về quy mô dân số Hồi giáo, với khoảng 2 tỷ người và tiếp tục tăng trưởng ở mức trung bình 1.5%/năm, thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal được phân bổ toàn cầu, từ các nước Hồi giáo đến Phi Hồi giáo, từ các nền kinh tế phát triển đến đang phát triển. Các sản phẩm Halal là không chỉ là sự lựa chọn của người Hồi giáo tại các quốc gia trên thế giới mà còn là sự lựa chọn của nhiều đối tượng tiêu dùng khác khi đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe, xanh, sạch, có đạo đức trong chế biến và góp phần bảo vệ môi trường. Với nguồn nguyên liệu phong phú và dồi dào sẵn có, Đắk Lắk hoàn toàn có đủ tiềm lực và lợi thế để phát triển mạnh mẽ đến thị trường có quy mô lớn và đầy tiềm năng này.
Với tiềm năng và triển vọng của thị trường và nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cũng như các tổ chức sản xuất, thương mại trên địa bàn tỉnh nắm bắt những thông tin mới nhất về thị trường các quốc gia Hồi giáo, hiểu hơn về thị trường, các yêu cầu về chứng nhận Halal cho ngành công nghiệp thực phẩm để tận dụng cơ hội mở rộng kinh doanh sang các quốc gia thị trường Halal, tìm kiếm đối tác tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường này, qua đó đẩy mạnh hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại giữa Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng với các quốc gia thị trường Halal. Sở Công Thương đã phối hợp cùng Vụ Trung Đông - châu Phi (Bộ Ngoại giao) và Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo phổ biến thông tin và triển vọng thị trường Halal, các giải pháp tiếp cận, khai thác thị trường Halal trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế trong năm 2024.
Thông qua sự chia sẻ của những cán bộ, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực có liên quan, cụ thể là cán bộ của Vụ Trung Đông - châu Phi (Bộ Ngoại giao) - cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030". Đại diện Vụ đã truyền tải những khái niệm liên quan tới Halal, tiềm năng thị trường Halal toàn cầu, tầm quan trọng của thị trường Halal toàn cầu với Việt Nam cũng như thực tiễn triển khai hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Halal tại Việt Nam thời gian qua...
Theo Bà Nguyễn Thị Thái Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Trung Đông châu Phi, Bộ Ngoại giao, phát triển được sản phẩm Halal giúp thúc đẩy Việt Nam đa dạng hóa và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, và phát triển thị trường du lịch Việt Nam, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư, tài chính Halal vào Việt Nam, mở rộng các hàng hóa và dịch vụ mà doanh nghiệp ta có ưu thế, giúp doanh nghiệp, địa phương Việt Nam nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ, tạo động lực để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước và cộng đồng Hồi giáo trên thế giới.
Bên cạnh một số thuận lợi như thị trường Halal toàn cầu là thị trường rất lớn, tiềm năng, các thị trường Hồi giáo lớn trên thế giới có nhu cầu về sản phẩm Việt Nam và quan hệ tốt với Việt Nam,Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển các sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Halal và là mắt xích trong chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, Chính phủ và các Bộ đã quan tâm hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp trong việc khai mở thị trường Halal toàn cầu, địa phương và doanh nghiệp đã bắt đầu chú ý tới thị trường tiềm năng này, thì còn một số vướng mắc và khó khăn như: Halal và các vấn đề liên quan đến Halal là khái niệm tương đối mới với các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp, quản lý Nhà nước về sản phẩm, dịch vụ và hoạt động chứng nhận Halal và cơ sở pháp lý để quản lý nhà nước về chứng nhận Halal vẫn chưa đầy đủ, nhiều doanh nghiệp, địa phương còn gặp khó khăn trong việc xin cấp chứng nhận Halal; chi phí cấp chứng nhận Halal cao; không có giá trị vĩnh viễn và không có tiêu chuẩn thống nhất trên toàn cầu, Việt Nam chưa có hệ sinh thái Halal đồng bộ, liên kết giữa các ngành và chưa có hệ thống phân phối bán lẻ dành riêng cho sản phẩm Halal cũng như các cơ sở cung cấp dịch vụ cho người Hồi giáo nên chưa tạo được niềm tin của khách hàng Hồi giáo, hợp tác quốc tế về Halal, tuy đã được thúc đẩy, nhưng chưa đồng bộ, toàn diện, Việt Nam chưa có đủ nguồn nhân lực Hồi giáo theo đúng quy chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Halal quy mô lớn phục vụ xuất khẩu.
Theo Bà Bình, ngoài đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tận dụng tối đa nguồn lực quốc tế về vốn, tài chính, công nghệ để phát triển ngành Halal; thúc đẩy các đối tác nước ngoài hợp tác với Việt Nam trong đầu tư sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal tại Việt Nam và xuất khẩu sang các nước khác, tăng cường xúc tiến, quảng bá ngành Halal, sản phẩm Việt Nam trên thị trường Halal toàn cầu (tổ chức hội thảo, triển lãm quảng bá sản phẩm Halal Việt Nam, cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn tiếp cận các thị trường Hồi giáo đối với sản phẩm Halal Việt Nam xuất khẩu, đưa sản phẩm đạt chứng nhận Halal vào quà tặng với một số nước Hồi giáo; triển khai góc thực phẩm Việt Nam đạt chứng nhận Halal trong chiêu đãi của lãnh đạo cấp cao có khách Hồi giáo tham dự, thì tỉnh Đắk Lắk cần xây dựng chính sách, định hướng để phát triển ngành Halal của tình bài bản, toàn diện, xác định lĩnh vực thế mạnh ưu tiên xuất khẩu: về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản, thực phẩm, du lịch, xác định các thị trường ưu tiên xuất khẩu về Halal: Đông Nam Á, Nam Á; Trung Đông; Châu Phi; Châu Mỹ; Châu Âu, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt chú trọng tuyên truyền hai chiều về Halal.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã đưa ra những vấn đề thực trạng của ngành Halal, tổng quan thị trường cũng như đưa ra các khuyến nghị về vấn đề xuất khẩu, thương mại hàng hóa có liên quan, theo Bà Phương, ngành Halal không chỉ là thực phẩm mà còn liên quan đến rất nhiều các lĩnh vực khác như: dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, du lịch, truyền thông, giải trí với mức chi tiêu của người Hồi giáo cho thực phẩm đạt 1.400 tỷ USD, trong đó, tổng kim ngạch thương mại thực phẩm Halal của các nước thành viên OIC đạt 444,7 tỷ USD.
Top 10 thị trường nhập khẩu sản phẩm Halal bao gồm: Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai cập, Banladesh, Angeria, Irac, Maroc, tuy nhiên, hiện nay, một số quốc gia phi đạo Hồi như Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ, Anh, Pháp Nga...cũng rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe và môi trường nên đặc biệt chú trọng tiêu thụ và phát triển nhập khẩu các sản phẩm Halal trong thời gian vừa qua và trở thành những nhà nhập khẩu lớn đối với các sản phẩm có chứng nhận Halal. Đây được xem như là một tiềm năng rất lớn. Sức mua của người Hồi giáo cao nhất thuộc về một số nước như: Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Malaysia, Qatar, Nga, Pháp, Li-bi, UAE, Hoa Kỳ, Angeria, Singapore, Indonesia, Ai Cập, Hà Lan. Ngoài ra, thói quen của người tiêu dùng đang thay đổi, sức mua lớn và đang gia tăng hiện vừa là thách thức và cơ hội lớn cho ngành Halal phát triển.
Theo Vụ châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), chứng nhận Halal rất được coi trọng tại các nước Đông Nam Á, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, và Xing-ga-po là những quốc gia đi đầu trong việc áp dụng các quy định về thực phẩm được chứng nhận Halal và quy định kiểm soát nhập khẩu thực phẩm được chứng nhận Halal, xuất khẩu nhiều mặt hàng, bao gồm cả rau củ sang nhiều quốc gia ASEAN cũng yêu cầu chứng nhận Halal, những người tiêu dùng không theo Đạo Hồi cũng đón nhận sản phẩm được chứng nhận Halal như biểu tượng của chất lượng và sự thuần khiết, nhiều quốc gia ASEAN như Thái lan, Philippin đã có nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu của thực phẩm được chứng nhận.
Nhằm khai thác tiềm năng của thị trường Halal, để hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thâm nhập hiệu quả hơn vào thị trường này, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Thứ nhất, để tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế phát triển ngành hàng Halal tại Việt Nam và đưa sản phẩm Halal của Việt Nam thâm nhập thị trường các nước, trong các cuộc họp Ủy ban hỗn hợp và Tiểu ban Thương mại hỗn hợp với các nước Hồi giao, các nước có ngành công nghiệp Halal phát triển do Bộ Công Thương chủ trì và tham gia, Bộ Công Thương đều chủ động thúc đẩy nội dung hợp tác về Halal với các nước này. Đồng thời, hiện nay khi đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận thương mại với các nước Hồi giáo, ví dụ như Hiệp định CEPA đang đàm phán với Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Bộ Công Thương cũng đã lồng ghép các nội dung về việc tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm Halal của Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã phối hợp, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam làm việc, tìm hiểu với các cơ quan, hệ thống phân phối của các nước như Indonesia, Malaysia, A-rập Xê-út, UAE, ... để trao đổi thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực Halal, như: hợp tác đào tạo Halal cho cơ sở cấp chứng nhận Halal, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm Halal của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam xây dựng thể chế, pháp luật, nâng cao năng lực phát triển ngành Halal, hỗ trợ phía Việt Nam tổ chức các hội thảo để phổ biến tiêu chuẩn, yêu cầu Halal.
Thứ hai, để giúp các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ thông tin về thị trường Halal, nhất là về các quy định liên quan đến thủ tục đăng ký cấp và công nhận chứng nhận Halal của các nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường nghiên cứu thông tin về chủ trương, chính sách thương mại của các nước, các thị trường sản phẩm Halal và tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để kịp thời cung cấp thông tin, trao đổi, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất khẩu các sản phẩm Halal của Việt Nam.
Thứ ba, trong công tác xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã khuyến khích và tạo điều kiện để các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tham gia và triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá ngành Halal và sản phẩm Việt Nam trên thị trường Halal toàn cầu như Triển lãm Food Expo, Chương trình kết nối với nhà nhập khẩu được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội chợ Gulf Food tại Dubai...
Thứ tư, để thúc đẩy ngành sản xuất Halal tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã thường xuyên cung cấp thông tin, khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác đầu tư, sản xuất các sản phẩm Halal tại Việt Nam để xuất khẩu. Thứ năm, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy hàng hóa của Việt Nam tham gia các chuỗi phân phối toàn cầu, khi làm việc với các nhà phân phối tại các nước có người Hồi giáo, Bộ Công Thương đều thúc đẩy việc phân phối phối các sản phẩm của Việt Nam có chứng nhận Halal để vừa đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu vừa mở rộng việc sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Halal tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt được chứng nhận Halal, từ đó các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu được một số nhóm sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn Halal. Hiện nay, tại tỉnh Đắk Lắk, đã có một số doanh nghiệp có chứng nhận Halal cho sản phẩm như: Công ty TNHH Dakman Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển An Thái, Công ty TNHH Cà Phê Ngon, Công ty TNHH TM Gia Nguyễn Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Ong mật Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên, Công ty TNHH TM Khánh Dương Đắk Lắk, Công ty cổ phần tập đoàn quốc tế Mỹ Việt…
Có thể thấy rằng Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk nói riêng chỉ mới tham gia thị trường Halal ở giai đoạn đầu, vẫn chưa thực sự chiếm được thị phần đáng kể trong lĩnh vực Halal, năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn thấp. Mỗi năm, có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm với sản lượng chưa nhiều. Thủ tục cấp chứng nhận Halal phức tạp, chi phí cấp chứng nhận Halal cho một sản phẩm khá cao. Hiệu lực của chứng nhận Halal chỉ có thời hạn 1 năm và được giám sát định kỳ 6 tháng/lần để bảo đảm tuân thủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và không sử dụng dấu Halal cho các sản phẩm khác. Chi phí đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguồn nguyên liệu an toàn trong các khâu từ đóng gói, vận chuyển, bảo quản … theo tiêu chuẩn Halal cao hơn so với sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thường, trong khi đa số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên gặp khó khăn để đầu tư sản xuất và đăng ký chứng nhận Halal.
Doanh nghiệp tham dự Hội thảo cũng đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn địa phương, các cơ quan, ban ngành có liên quan có những hỗ trợ cụ thể về mặt chính sách, các chương trình xúc tiến thương mại để doanh nghiệp có thể tiếp cận và mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng là các thị trường có tiêu dùng sản phẩm Halal từ đó, tiến đến mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm đạt chứng nhận Halal trong thời gian tới.